Kinh tế

Hải Phòng: Thuốc lào tiến vua giá tiền triệu mỗi kg vẫn cháy hàng

Đến nay, khu vực ruộng gần chùa ở thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng vẫn trồng giống thuốc lào từng được tiến vua.

Bao năm qua, hàng nghìn hộ dân ở huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng, “ăn đời ở kiếp” với cây thuốc lào. Cùng với lúa, đây là loại cây trồng chủ lực giúp người dân xứ Tiên sống khỏe trên đồng đất quê hương.

Họ càng tự hào hơn nữa khi có loại thuốc lào từng được tiến vua được trồng trên đất thuộc thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết. Nay, loại thuốc lào được trồng trên chân ruộng chua mặn cạnh chùa làng vẫn được săn lùng. Mặc dù giá bán lên tới hơn 1 triệu/kg, nhưng có tiền chưa chắc đã mua được.

Về miền “tương tư thảo”

Về huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng, dịp cuối năm, vừa qua cầu Khuể đã thấy trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay, bà con nông dân xứ Tiên hối hả làm đất, lên luống để chuẩn bị cho vụ thuốc lào mới. Tiên Lãng được coi là “thủ phủ” của cây thuốc lào tại TP.Hải Phòng với diện tích lên tới hơn 1.200ha. Tiếp đó là huyện Vĩnh Bảo (cùng TP.Hải Phòng) lân cận với diện tích hơn 700ha.

Với bà con nông dân ở nhiều nơi, thuốc lào chỉ là một trong số rất nhiều loại cây trồng cùng với lúa. Thế nhưng với người dân xứ Tiên, thuốc lào đã trở thành văn hóa. Nhiều người không gọi là thuốc lào theo “ngôn ngữ chính thức”, mà ưa cái tên “cỏ thương nhớ” (tương tư thảo).

Bởi, cái vị êm say của thuốc lào khiến những người trót gắn bó thường cồn cào ruột gan nhớ nhung như cậu trai mới lớn đương tập tành chuyện yêu đương. Tại xứ Tiên, nhiều người, từ cậu bé chăn trâu đến các cụ cao niên, làu làu những câu ca về thuốc lào, như: “Thuốc lào chồng hút vợ say/ Thằng con châm điếu lăn quay ra nhà/ Có anh hàng xóm đi qua/ Hít phải khói thuốc say ba bốn tuần”, “Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”…

Người dân thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng chăm sóc cây giống thuốc lào chuẩn bị đưa ra ruộng trồng.

Về xứ Tiên, không hiếm cảnh các bà, các mẹ, các cô, các chị miệng bỏm bẻm nhai trầu trong khi tay vân vê điếu thuốc lào. Để rồi sau đó có được phút thư giãn mà quên hết toan tính trong công việc và những khó khăn trong cuộc sống.

Bao đời nay, thuốc lào là cây trồng chủ lực giúp nhiều bà con nông dân xứ Tiên có được cuộc sống ấm no. Trên những thửa ruộng vuông vức nhờ dồn điền đổi thửa, mỗi năm, họ trồng một vụ thuốc lào và cấy một vụ lúa.

Mỗi vụ thuốc lào, nếu chăm sóc tốt và được mùa, thu được trung bình 40kg thuốc lào khô/sào. Đối với loại thuốc lào ngon, giá thương lái thu mua lên tới 700.000-800.000/kg. Còn thấp, cũng được chừng 200.000-300.000 đồng/kg. Tính thêm một vụ lúa nữa, cầm chắc thu nhập 5-7 triệu đồng/sào. Đây là khoản tiền không nhỏ với bà con nông dân chúng tôi”, ông Phạm Văn Thổi, ở thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng, chia sẻ.

Tự hào đặc sản thuốc lào tiến vua

Với các “tín đồ” của thuốc lào trong và ngoài TP.Hải Phòng, nhiều người biết đến địa danh thôn Nam Tử ở xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng bởi nơi đây có diện tích trồng thuốc lào để tiến vua.

Theo sách Đồng Khánh địa dư chí, thuốc lào trồng trên đất làng An Tử Hạ, tổng Hán Nam, huyện Tân Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng) là thứ thuốc loại ngon nhất từng được dùng để tiến vua.

Dẫn chúng tôi ra khu vực cánh đồng cạnh chùa làng, ông Phạm Văn Lọc, Trưởng thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, cho biết, theo lời các bậc cao niên trong làng, trước đây toàn bộ diện tích 8 sào nơi đây người dân địa phương trồng thuốc lào tiến vua. Gần đây, do mở rộng khuôn viên chùa, chỉ còn khoảng 6 sào thuộc 3 hộ, trong đó có hộ ông Phạm Văn Phúc.

Diện tích ruộng tại thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng, từng trồng thuốc lào tiến vua.

Thửa ruộng của gia đình tôi rộng 2 sào 8 thước. Do chất đất, thuốc lào được trồng ở đây rất ngon, thương lái thu mua với giá 500.000-700.000 đồng/kg. Có thời điểm lên tới hơn 1 triệu đồng/kg. Do trồng giống thuốc lào ré đen dù ngon nhưng năng suất thấp, nên mỗi vụ gia đình tôi thu được trung bình 30 kg/sào. Tính ra, trừ các khoản chi phí, cũng đem lại khoản thu hàng chục triệu cho gia đình.

Trong 4 vụ trở lại đây, do không có người làm, gia đình tôi buộc phải chuyển sang cấy lúa. Nhiều người đặt vấn đề thuê lại ruộng để trồng thuốc lào, nhưng tôi không nỡ. Tôi chỉ mong ngày nào đó, con cháu tâm huyết với đồng đất quê hương bỏ làm tại nhà máy, xí nghiệp để về hỗ trợ tôi quay lại trồng thuốc lào”, ông Phạm Văn Phúc ngậm ngùi.

Theo lời ông Phạm Văn Lọc, Trưởng thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, do gia đình ông Phúc không trồng thuốc lào, nên loại thuốc lào tiến vua ngày càng ít đi. Vì thế, thương lái tranh nhau đặt trước. Đối với người đam mê thuốc lào, dù có tiền cũng khó mua được.

Ông Phạm Văn Lọc (phải), Trưởng thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng, trao đổi với Người Đưa Tin về câu chuyện thuốc lào quê hương từng được tiến vua.

Mặc dù có được thu nhập tương đối cao, nhưng số hộ trồng thuốc lào cũng như diện tích cây thuốc lào ở thôn Nam Tử nói riêng, huyện Tiên Lãng nói chung càng ngày càng giảm. Bởi, trồng thuốc lào mất nhiều công chăm sóc, thu hoạch, bảo quản. Trong khi đó, lớp thanh niên thích đi làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp hơn là ở nhà trồng thuốc lào chịu cảnh vất vả “một nắng, hai sương”. Với gia đình ông Phạm Văn Lọc, thời kỳ cao điểm trồng tới hơn 1 mẫu thuốc lào, nay cũng chỉ còn hơn 3 sào do thiếu lao động.

Ngày 19/11/2010, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số 2276/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00024 cho sản phẩm thuốc lào Tiên Lãng. UBND huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý “Tiên Lãng”.

Những tính chất, chất lượng đặc thù của thuốc lào Tiên Lãng có được là do điều kiện tự nhiên vùng đất này phù hợp cho cây thuốc lào sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, khu vực trồng thuốc lào Tiên Lãng có hệ thống sông ngòi đa dạng, gồm bốn sông lớn là sông Văn Úc, sông Thái Bình, sông Mía và sông Mới. Bên cạnh đặc thù về điều kiện tự nhiên, tính chất, chất lượng đặc thù của thuốc lào Tiên Lãng có được còn do bàn tay chăm sóc của người dân nơi đây.

Ngô Quang Thái

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

Tin khác

Viettel sẵn sàng tạo lập cầu nối để 5G thực sự trở thành động lực góp phần thay đổi cuộc sống

Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…

19/12/2024

Huyện An Dương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024

Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…

19/12/2024

Lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…

19/12/2024

Định hướng sắp xếp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…

19/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More