Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố, sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, đoàn kết thống nhất cao của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân thành phố, Hải Phòng đạt được những kết quả tốt đẹp trong phòng chống dịch COVID-19.
Thành phố không có người nhiễm COVID-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì nhịp tăng trưởng. Đây cũng chính là điều kiện để thành phố duy trì các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, chủ động đón nhận các nguồn lực đầu tư vào thành phố ngay sau đại dịch.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng về việc thực hiện các giải pháp chủ động đón dòng vốn đầu tư sau đại dịch COVID-19 của thành phố.
– Xin ông cho biết, Hải Phòng đón dòng vốn dịch chuyển sau đại dịch COVID-19 như thế nào?
Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng: Có thể nói, trong thời gian qua, tương tự như các tỉnh, thành phố khác, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thành phố Hải Phòng gặp không ít khó khăn. Thực tế cho thấy, hiện nay, các lệnh hạn chế đi lại đã khiến nhà đầu tư nước ngoài buộc phải hủy chuyến công tác tới Việt Nam, kéo theo phải trì hoãn việc tìm hiểu cơ hội đầu tư và quyết định hoạt động đầu tư tại Việt Nam nói chung và tại Hải Phòng nói riêng. Do đó, dẫn đến trong thời gian dịch bệnh vừa qua, số lượng doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các địa phương nói chung và Hải Phòng nói riêng rất hạn chế.
Tuy nhiên, việc sụt giảm về số lượng nhà đầu tư nước ngoài đến Hải Phòng chỉ là vấn đề mang tính thời điểm, do tác động chung của dòng đầu tư toàn cầu, như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “biến nguy thành cơ,” Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để khẳng định sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Thực tế, đại dịch COVID-19 cũng mang lại cơ hội đầu tư cho Việt Nam, khi nước ta trở thành hình mẫu trong việc khống chế có hiệu quả dịch bệnh. Với tinh thần quyết liệt “bàn tới chứ không bàn lùi” của các cấp lãnh đạo thành phố trong chỉ đạo, điều hành, Hải Phòng đã đạt được “mục tiêu kép,” không để xảy ra ca nhiễm bệnh nào, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu với mức tăng trưởng cao so với bình quân chung cả nước.
Việc này đã củng cố lòng tin của người dân, các doanh nghiệp trong nước và đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động kinh doanh, sản xuất đối với cấp chính quyền thành phố. Đồng thời, khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Một trong những ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19 là nhu cầu tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất của các hãng, các tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới. Qua kết quả nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, nhiều thương hiệu có ý định chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc. Hơn nữa, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam-EU (EVIPA) có hiệu lực sẽ là cơ hội để Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng đón dòng vốn từ khối này khi mà lâu nay vốn FDI từ châu Âu vào Việt Nam còn khiêm tốn. Do đó, sự chuyển dịch mạnh mẽ hơn về dòng vốn đầu tư quốc tế sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng trong thu hút FDI giai đoạn sắp tới.
Thu hút vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2020 của thành phố Hải Phòng ước đạt gần 700 triệu USD. Đến tháng 12/2020, Hải Phòng phấn đấu thu hút 1,6 tỷ USD từ nguồn vốn này.
– Thưa ông, đâu là những lợi thế cạnh tranh của Hải Phòng so với các địa phương trong khu vực về thu hút FDI sau đại dịch COVID?
Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng: Với định hướng chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố, sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, đoàn kết thống nhất cao của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân, thành phố Hải Phòng đã có được một số lợi thế nổi bật. Đó là, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 tăng 6 bậc so với năm 2018, đưa Hải Phòng vào Top 10 toàn quốc. Trong đó, điều đáng ghi nhận là chỉ số đào tạo lao động – một trong những khâu quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã đứng đầu cả nước với 8,24 điểm.
Về giao thông, thành phố Hải Phòng hội tụ đủ 5 loại hình giao thông, kết nối đồng bộ giữa hệ thống Cảng biển Hải Phòng; trong đó có Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tới hầu hết các cảng lớn trên thế giới và khu vực cùng hạ tầng giao thông đường hàng không, đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, đường thủy hiện đại đã đưa Hải Phòng trở thành một trong những cửa ngõ quốc tế quan trọng của đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, thành phố đã tập trung cao nguồn lực để đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông đối nội và phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận đầu tư hàng loạt các công trình giao thông đối ngoại, tạo mối liên kết vùng, giao thông thông suốt, thuận tiện giữa Hải Phòng với các tỉnh, thành trong khu vực phía Bắc.
Về phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, bên cạnh kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, vượt trội, hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế, các khu công nghiệp cũng được thành phố xác định đi trước một bước và là đường dẫn cho thu hút đầu tư nước ngoài. Khu Kinh tế Đình Vũ-Cát Hải với tổng diện tích lên tới 22.540 ha bao gồm khu thuế quan và khu phi thuế quan…với sự có mặt của các Khu Công nghiệp Đình Vũ, Tràng Duệ, Nam Đình Vũ, VSIP, Cát Hải và Lạch Huyện… đã sẵn sàng mọi điều kiện để thu hút đầu tư và tiếp tục chủ động đón bắt làn sóng FDI mới.
Đồng thời với việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thành phố Hải Phòng đã mời gọi được hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn trong nước đến đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội như: Vingroup, Sun Group, Him Lam, Geleximco, Flamingo, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng… với tổng số vốn đăng ký lên tới trên 200.000 tỷ đồng.
Các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư kinh doanh bất động sản như khách sạn 5 sao Nikko, Trung tâm thương mại Aeon Mall cùng hàng loạt các dự án khách sạn, trung tâm thương mại, bệnh viện quốc tế, khu đô thị của các tập đoàn lớn trong nước đã và đang từng bước góp phần thay đổi diện mạo thành phố ngày càng văn minh, hiện đại. Qua đó, cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích hơn cho cộng đồng và các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Hải Phòng hiện tại cũng như trong tương lai.
Nắm bắt được nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI đang hoạt động trên địa bàn cũng như các tập đoàn nước ngoài đang chuẩn bị đầu tư vào thành phố cần số lượng rất lớn về lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao, Hải Phòng đã tập trung chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong những năm qua.
Hải Phòng có nguồn nhân lực dồi dào với số lao động trẻ lên tới 1,3 triệu người; trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo liên tục tăng lên qua các năm. Ngoài ra, sự thuận tiện trong lưu thông với địa phương trong vùng và khu vực cũng tạo điều kiện thuận lợi để Hải Phòng thu hút người lao động từ các địa phương lân cận như Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình… đến làm việc. Theo báo cáo của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, Hải Phòng là địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số đào tạo lao động.
Thành phố tiếp tục chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cụ thể, xuyên suốt 5 năm liền, từ năm 2016 đến nay, thành phố đều chọn Chủ đề năm là “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách nhà nước – Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” với mong muốn tạo lập một môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng để thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn vào thành phố. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp đã được lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt và thực hiện đồng bộ.
Cùng với đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền thành phố đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Tính từ tháng 9/2016 đến nay, Ủy ban Nhân dân thành phố đã tổ chức 33 kỳ hội nghị đối thoại doanh nghiệp, đã có 277 kiến nghị được giải quyết triệt để, chiếm 93,89%, 18 kiến nghị, chiếm 6,10% đang được Ủy ban Nhân dân thành phố và các sở, ngành, địa phương giải quyết.
Trong thời gian ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vừa qua, thành phố vẫn tiếp nhận các kiến nghị từ doanh nghiệp và chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải quyết.
Về lựa chọn dự án, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thu hút đầu tư có định hướng và có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Thành phố sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế như: cảng biển, logistics, phát triển công nghiệp chế biến chế tạo; khai thác thế mạnh du lịch biển, đa dạng hóa các hình thức du lịch, phát triển du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng-văn hóa…
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thu hút các lĩnh vực quan trọng như công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; chế biến nông sản, phát triển các vùng khó khăn, nông nghiệp chất lượng cao.
Thành phố quán triệt thu hút các dự án sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tỷ trọng xuất khẩu lớn; các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội, bảo đảm môi trường và an ninh quốc gia… Đặc biệt, thành phố kết hợp thu hút đầu tư nước ngoài với đầu tư của các doanh nghiệp trong nước để phát huy nội lực của doanh nghiệp thành phố với vai trò “vệ tinh.”
– Từ thực tế Hải Phòng, ông có kiến nghị gì về cơ chế, chính sách để thành phố bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới?
Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng: Trong thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục phát huy các lợi thế trên, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài nhằm kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục các tồn tại, khó khăn và ngăn chặn các biểu hiện vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, lành mạnh và thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Song song với đó, thành phố đề nghị Trung ương bổ sung cơ chế, giải pháp nhằm phát huy có hiệu quả mô hình hợp tác công-tư (PPP) vào đầu tư cơ sở hạ tầng; bổ sung một số quy định chặt chẽ nhằm tăng cường quản lý, phát huy hiệu quả đối với hình thức mua lại và sáp nhập (M&A) đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thành phố đề nghị Chính phủ quan tâm, hỗ trợ Hải Phòng trong việc tổ chức thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp thành phố nhằm đẩy mạnh thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ-vừa trong nước và doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.
Thành phố cũng đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xây dựng chính sách theo hướng cụ thể hóa quy định về việc từ chối xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên, sản xuất kinh doanh không hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng nguồn vốn đầu tư nước ngoài./.
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
Đoàn Minh Huệ (TTXVN/Vietnam+)
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More