Ngay từ những ngày đầu Xuân Kỷ Hợi, lượng khách du lịch đến tham quan danh thắng và dâng hương cầu may tại khu di tích thờ tự Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh lên đến trên 300.000 lượt.
Bên cạnh di tích Bạch Đằng Giang (Thủy Nguyên), Hải Phòng, di tích Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh ở Thôn An Dương, xã An Đồng, An Dương là di tích tiếp theo được gắn với “ba không”. Đó là: không hàng quán, không xả rác, không thu bất cứ một dịch vụ phục vụ nào. Bù vào đó, là nơi di tích văn hóa, không gian khang trang thoáng rộng, phục vụ hướng dẫn tận tình, khu bàn ngồi để du khách tĩnh tâm nghỉ ngơi khi đi xa đến cùng nước uống phục vụ miễn phí…
Di tích linh thiêng và khang trang này khắc ghi công lao to lớn, một Lãnh tụ yêu kính tên tuổi của Đảng ta. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908, tại làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), trong một gia đình nhà nho yêu nước, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã có nhiều đóng góp to lớn với phong trào công nhân nói riêng, sự nghiệp cách mạng nước nhà nói chung, là nhà hoạt động công đoàn tiêu biểu của giai cấp công nhân, công đoàn Việt Nam, là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ thành phố Hải Phòng người chiến sĩ Cộng sản kiên trung bất khuất, nhà lý luận xuất sắc của Đảng và giai cấp công nhân Việt Nam. Đồng chí là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một trong những người sáng lập ra tổ chức công đoàn cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau một năm thi công và được hoàn thành vào cuối năm 2018, với tổng diện tích toàn bộ khuôn viên sau khi mở rộng là 3,04 ha, bao gồm các hạng mục chủ yếu như: Hồ nước, nhà lưu niệm (đền chính) diện tích 312m2 gồm tiền bái, hậu cung, nơi đặt ban thờ và tượng thờ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh; nhà Tà vu, nhà Hữu vu có diện tích mỗi nhà 134m2 là nơi trưng bày các hiện vật về cuộc đời sự nghiệp đồng chí.
Để phát huy các giá trị công trình nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ muôn đời sau về những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với Đảng, đất nước, nhân dân, nhất là giai cấp công nhân, dịp về thăm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thành phố Hải Phòng tiếp tục làm tốt công tác quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị ý nghĩa của công trình để trở thành địa chỉ đỏ của thành phố nói riêng, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam nói chung trong việc giáo dục tư tưởng, truyền thống cách mạng sâu sắc về tấm gương sáng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh; đồng thời trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng, là một trọng điểm du lịch tâm linh, có sức thu hút đối với công nhân, lao động, du khách trong và ngoài nước.
Có thể khẳng định, những điểm đến được quản lý chặt chẽ và chỉn chu như di tích này đang là sự lựa chọn và đánh giá cao của rất nhiều khách tham quan đồng thời là mô hình cần được nhân rộng trong địa bàn tỉnh Hải Phòng nói riêng và các tỉnh, thành trong cả nước nói chung.
Bài và ảnh: Hiệp Lê