Đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch
Trước tình hình trên, để kịp thời khắc phục hậu quả do bão số 3 (Yagi) gây ra, đảm bảo hoạt động chăn nuôi diễn ra bình thường, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau mưa, lũ; tăng cường công tác chủ động khắc phục, khôi phục cho đàn vật nuôi sau cơn bão số 3 năm 2024; Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành phố đang tập trung hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục, khôi phục đàn vật nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau bão.
Theo đó, song song với việc tiếp tục triển khai các biện pháp theo Công văn số 2546/SNN-CNTY ngày 4/7/2024 của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa mưa lũ; các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, thu gom xác gia súc, gia cầm chết và tiêu hủy theo quy định; thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường. Hướng dẫn người dân chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do mưa lũ, đồng thời tiếp tục triển khai tiêm phòng định kỳ đến tận các thôn, xóm, hộ chăn nuôi.
Công tác giám sát nhằm phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục ở trâu bò… được các địa phương chú trọng tăng cường. Lực lượng chức năng các quận, huyện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chủ vật nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương, Trạm Chăn nuôi và Thú y để tiến hành điều tra, xử lý ổ dịch theo đúng quy định.
Không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết; không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường. Mặt khác, tổ chức rà soát, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm nuôi theo đúng quy định, nhất là đối với đàn gia súc, gia cầm tại nơi đã từng xảy ra dịch bệnh, nơi có nguy cơ cao, nơi bị lũ lụt.
Trên cơ sở đó, tổng hợp, thống kê đầy đủ số lượng loại vật nuôi bị thiệt hại, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, lụt và trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn; đề xuất xem xét, hỗ trợ khắc phục hậu quả theo quy định.
Thực hiện hướng dẫn của chính quyền địa phương, các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố đã, đang tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp khẩn trương khắc phục phần chuồng trại bị tốc mái, hệ thống thông gió bị hỏng. Tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập lụt kéo dài sau khi nước rút, vùng có nguy cơ cao.
Mặt khác, thường xuyên thực hiện vệ sinh khu vực chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi; thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi không để gây ô nhiễm môi trường. Đối với những hộ xảy ra úng ngập, người dân tiến hành di dời đàn vật nuôi lên vị trí cao hơn; khi nước rút đã thực hiện ngay vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi; thực hiện tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi
Đáng chú ý, nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi sau mưa bão, ngập lụt, người dân chú trọng khắc phục khó khăn, cung cấp đầy đủ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng nuôi.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo, các hộ chăn nuôi cần chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi chu đáo, không được bỏ đói, không cho ăn những loại thức ăn bị mốc, kém chất lượng. Đối với gia súc già yếu hay còn non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường các loại thức ăn bổ sung và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng khác nhằm đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Mặt khác, tuyệt đối không chăn thả vật nuôi ở những khu vực bị ô nhiễm; theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi. Trường hợp vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm báo cáo ngay chính quyền địa phương, Trạm Chăn nuôi và Thú y để có các biện pháp xử lý kịp thời; không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường.
Phối hợp, thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn trong công tác xử lý chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do mưa lũ; chủ động thực hiện vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập lụt kéo dài, vùng có nguy cơ cao…
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Tiến hành tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định, không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.
Và để giúp bà con nông dân khôi phục đàn vật nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau bão, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông thành phố đã cử cán bộ các Trạm trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương hướng dẫn cơ sở chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm khắc phục thiệt hại sau bão.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh để có các biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng…
Bình Huệ
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More