Print Thứ tư, 18/09/2024 22:14 Gốc

Thực hiện Chương trình Hội nhập quốc tế năm 2024, từ ngày 4/9 đến ngày 9/9/2024, Đoàn công tác thành phố Hải Phòng do Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Thụy Điển và Phần Lan.

Tham gia Đoàn có lãnh đạo các Sở, ngành thành phố; lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn – Doanh nghiệp tiên phong đầu tư và vận hành 2 Bến cảng khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. 

Kết nối, hợp tác trong nhiều lĩnh vực

Ngày 5/9, Đoàn công tác thành phố Hải Phòng đã làm việc với Cảng Gothenburg (Thụy Điển) – Cảng biển lớn nhất khu vực Bắc Âu nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cảng biển, logistics.

Đoàn công tác thành phố Hải Phòng thăm Cảng Gothenburg (Thụy Điển).

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam thông tin nhanh về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hải Phòng, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, vị thế của Hải Phòng với vai trò là địa chỉ tin cậy, hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, Hải Phòng có lợi thế vượt trội với hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Sản lượng hàng hóa qua Cảng Hải Phòng đạt khoảng 200 triệu tấn/năm; đến năm 2025 dự kiến đạt khoảng 300 triệu tấn/năm. Trong đó, Cảng Lạch Huyện là một trong 20 cảng nước sâu trên thế giới, kết nối trực tiếp tới châu Mỹ, châu Âu, mà không phải trung chuyển qua cảng của nước thứ ba, giảm tối đa thời gian và chi phí logistics, có khả năng đón tàu trọng tải cỡ lớn lên tới 160.000 tấn. Khu bến cảng container tại Lạch Huyện hiện đang được khai thác và triển khai đầu tư xây dựng 8 bến, trong đó đã khai thác Bến số 1, số 2, năng lực thông qua đạt khoảng 1,1 triệu TEU/năm tương đương 14,3 triệu tấn/năm.

Các Bến số 3,4,5,6,7,8 đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và được khai thác chính thức từ năm 2024-2027. Các bến này có thể đón tàu trọng tải tới 200.000 DWT, từ đó tạo ra hệ thống cảng xanh thông minh, hiện đại mới tại thành phố Hải Phòng cùng với hệ thống dịch vụ sau cảng tạo thành một trung tâm dịch vụ cảng biển hiện đại mang tầm cỡ quốc tế.

Sở Công Thương Hải Phòng và Cảng Gothenburg ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác cảng biển và logistics.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam, về định hướng phát triển cảng biển – logistics, thành phố đã và đang định hướng xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành Trung tâm cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế. Cùng với đó, Hải Phòng có 14 KCN đã hoạt động và đang tiếp tục xây dựng 20 KCN mới nữa. Đặc biệt đã xúc tiến thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam gắn liền với cảng Nam Đồ Sơn, Sân bay quốc tế Tiên Lãng, hàng chục KCN, Trung tâm logistics, trung tâm thương mại và đang đề xuất thành lập Khu Thương mại tự do. Bởi vậy, trong chuyến công tác tại Thụy Điển và Phần Lan lần này, trọng tâm của thành phố Hải Phòng là mong muốn kết nối, hợp tác trong các lĩnh vực thành phố có thế mạnh.

Các nội dung này cũng được đề cập trong cuộc làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển. Hải Phòng đề xuất được kết nối với một số lĩnh vực là thế mạnh của Thụy Điển và Hải Phòng có nhu cầu là: chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và đổi mới sáng tạo. Các lĩnh vực khác cũng được Hải Phòng quan tâm là: y tế (nghiên cứu dược); năng lượng sạch (điện rác); khoa học công nghệ; cảng biển; đồ gia dụng (gia công hàng hóa cho thương hiệu IKEA).

Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Trần Văn Tuấn khẳng định sẽ làm hết sức mình để góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ truyền thống hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa Thụy Điển với Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng.

Ngày 6/9, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Điển 2024, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác với Cảng Gothenburg (Thụy Điển) – Cảng biển lớn nhất khu vực Bắc Âu, nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực cảng biển, logistics.

Theo MoU này, hai bên thỏa thuận phối hợp phát triển, mở rộng hoạt động logistics; xúc tiến xuất nhập khẩu, hợp tác trong việc trao đổi và giới thiệu khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ logistics dựa trên các mối quan hệ có sẵn giữa hai bên; chia sẻ ý tưởng và các thực tiễn tốt nhất nhằm hướng tới một hệ thống logistics bền vững hơn và thúc đẩy phát triển hơn nữa trong lĩnh vực số hóa về logistics.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thuỵ Điển, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã ký MoU với Cảng Gothenburg về hợp tác xúc tiến thương mại, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hợp tác trong phát triển các chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động khai thác cảng và dịch vụ logistics. Đồng thời xúc tiến các công việc để các hãng tàu có thể triển khai các tuyến dịch vụ trực tiếp từ các cảng của Tân Cảng đến cảng Gothenburg, Thuỵ Điển trong tương lai gần.

Ông Richard Mellgren, Giám đốc cấp cao phát triển kinh doanh, bán hàng và tiếp thị  Cảng Gothenburg cho biết, Cảng Gothenburg là cảng lớn nhất ở các nước Bắc Âu với hơn 11.000 lượt tàu ghé thăm mỗi năm từ hơn 140 điểm đến trên toàn thế giới, là cảng duy nhất của Thụy Điển có khả năng tiếp nhận những tàu container hiện đại, đi biển lớn nhất. Gothenburg xử lý gần 30% hoạt động thương mại nước ngoài của Thụy Điển, bao gồm 39 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Cảng Gothenburg là cảng lớn nhất ở Thụy Điển, có mạng lưới đường sắt rộng khắp nối Gothenburg với một số nhà ga nội địa từ phía Nam đến phía Bắc Thụy Điển (và cả Oslo, Na Uy). Do đó, có thể hợp tác để giúp hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam vận chuyển thuận lợi hơn.

Cảng Gothenburg rất mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam với hy vọng tìm được những lĩnh vực cùng quan tâm, có thể mang lại lợi ích cho thương mại giữa hai nước. Theo ông Richard Mellgren, lãnh đạo Cảng Gothenburg đã có chuyến làm việc tại Hải Phòng, thăm Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT), một trong những đơn vị thành viên của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và gợi mở những định hướng hợp tác giữa hai bên. Từ đó kỳ vọng sẽ có nhiều sự hợp tác chặt chẽ và lớn hơn trong tương lai gần.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, tại Phần Lan, Đoàn có cuộc gặp gỡ và làm việc với các doanh nghiệp Phần Lan. Các doanh nghiệp đánh giá rất cao tiềm năng, vị thế, sự phát triển của thành phố Hải Phòng và mong muốn được hợp tác đầu tư tại Hải Phòng trong các lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, năng lượng, xử lý rác thải và điện rác, trung tâm logistics, PCCC, công nghiệp đóng tàu, dệt may… Đồng thời tìm hiểu cơ chế chính sách thu hút đầu tư, các hình thức đầu tư trực tiếp và liên doanh – hợp tác, điều kiện đầu tư… tại Hải Phòng và được trả lời thỏa đáng.

Đáng chú ý, kiều bào người Hải Phòng đang sinh sống và làm việc tại Phần Lan cũng đang hướng về thành phố quê hương, mong muốn được đóng góp sức mình để Hải Phòng phát triển nhanh, mạnh mẽ.

Học hỏi nhiều kinh nghiệm, cách làm

Đoàn công tác thành phố Hải Phòng tham quan kho hàng Madam Hong tại Thụy Điển.

Giám đốc Sở Công Thương cho biết, chuyến công tác giúp cán bộ các Sở ngành Hải Phòng học hỏi được nhiều kinh nghiệm, cách làm hay. Theo đó, Đoàn có cuộc làm việc với chính quyền thành phố Espoo, thành phố đông dân thứ hai của Phần Lan, nằm ở phía tây thủ đô Helsinki, được đánh giá là thành phố thông minh, nơi chương trình chuyển đổi số quốc gia được ứng dụng một cách mạnh mẽ; chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo luôn được đề cao và khuyến khích…Đoàn được các chuyên gia đầu ngành của thành phố chia sẻ kinh nghiệm về thành phố thông minh, việc số hóa các dịch vụ và công nghệ mới giúp cuộc sống hàng ngày trở nên dễ dàng hơn, người dân được chia sẻ thông tin số hoá mở về các dịch vụ không phụ thuộc vào thời gian, địa điểm và ngôn ngữ.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, việc thăm 2 kho hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam xuất vào Thụy Điển và khu vực Bắc Âu là Madam Hong và CT Food AB cũng giúp Đoàn công tác Hải Phòng học hỏi được nhiều về hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu.  Madam Hong là doanh nghiệp chuyên nhập khẩu, đồng thời cũng có cửa hàng bán lẻ hàng thực phẩm Á châu, trong đó có rất nhiều mặt hàng của Việt Nam. Đây là một trong những doanh nghiệp nhập khẩu gạo Việt Nam nhiều nhất tại Thụy Điển và phân phối độc quyền thương hiệu gạo Lotus của Việt Nam. Đây cũng là thương hiệu gạo duy nhất của Việt Nam giữ được tên tại Thụy Điển.

CT Food Stockholm là Công ty nhập khẩu và phân phối hàng đầu các mặt hàng Á châu tại Thụy Điển, với nhiều loại thực phẩm cao cấp của các thương hiệu nổi tiếng. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, CT Food có hệ thống kho hàng bán buôn tại cả Stockholm và Malmo là hai thành phố lớn của Thụy Điển. CT Food nhập khẩu và phân phối lại cho nhiều hệ thống siêu thị lớn tại Thụy Điển. Doanh nghiệp được vinh danh là doanh nghiệp tiêu biểu của Thụy Điển vào năm 2021. Từ đây, cũng có thể mở ra các mối quan hệ hợp tác mới giữa các kho hàng và doanh nghiệp Hải Phòng, Việt Nam trong việc đưa  hàng Việt sang thị trường châu Âu.

Từ thành công của chuyến công tác, thời gian tới, Sở Công Thương tích cực tổ chức các chương trình hội thảo, xúc tiến thương mại, giúp các doanh nghiệp tại Hải Phòng có cơ hội kết nối với các thị trường châu Âu và Bắc Âu thông qua cảng Gothenburg. Đồng thời giúp các doanh nghiệp Thụy Điển mở rộng sự hiện diện của mình không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia lân cận trong khu vực ASEAN, một khu vực có tiềm năng kinh tế lớn với dân số đông và tăng trưởng mạnh mẽ.

Sở Công Thương cũng phối hợp cùng Cảng Gothenburg nghiên cứu thiết lập các tuyến đường logistics mới, giảm chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng, từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế của Hải Phòng và cảng Gothenburg. Cùng với đó, nghiên cứu kinh nghiệm, các giải pháp của cảng Gothenburg trong việc phát triển hệ thống logistics xanh và bền vững, bao gồm việc sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ giảm phát thải carbon trong vận tải hàng hóa, áp dụng thực tiễn tại Hải Phòng, từng bước đưa hệ thống logistics xanh thành tiêu chuẩn chung trên trường quốc tế.

Đoàn công tác thành phố Hải Phòng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam -Thụy Điển 2024.

Có thể nói, chương trình làm việc của Đoàn công tác Hải Phòng tại Thụy Điển và Phần Lan là cơ hội giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, thành tựu phát triển của thành phố Hải Phòng; thúc đẩy hợp tác, giao lưu, kết nối giao thương, học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận những thành tựu công nghệ mới phù hợp với định hướng phát triển của 3 trụ cột chủ yếu của thành phố (cảng biển- logistics; công nghiệp; thương mại- dịch vụ); tận dụng các cơ hội, lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nói chung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) nói riêng./.

 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hải Phòng tăng cường hợp tác với Thụy Điển và Phần Lan: Mở ra nhiều cơ hội phát triển
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác