Print Thứ Năm, 11/03/2021 10:52 Gốc

Ban Thường vụ Thành ủy đã có Kết luận số 09-KL/TU về tăng cường cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã; sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ thành phố Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tại cuộc họp ngày 02/3/2021, sau khi nghe Ban Tổ chức Thành ủy trình Đề án tăng cường cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã; sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ thành phố Hải Phòng, Ban Thường vụ Thành ủy thảo luận, đánh giá và thống nhất kết luận:

1. Những năm qua, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cơ bản đảm bảo số lượng, chất lượng; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá thực trạng cho thấy: Cán bộ lãnh đạo diện Thành ủy quản lý ở phần lớn địa phương, cơ quan, đơn vị chưa đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi, không đảm bảo tính kế thừa; tỷ lệ cán bộ tuổi trẻ thấp, đặc biệt cán bộ trẻ dưới 35 rất thấp; có thể dẫn đến hẫng hụt đội ngũ cán bộ kế cận ở cả cấp thành phố, quận, huyện; tỷ lệ cán bộ được đào tạo bài bản còn thấp, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Việc xây dựng và triển khai Đề án là nhiệm vụ rất cần thiết để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra của thành phố, thực hiện thành công Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương: Tăng cường cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã; sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ thành phố Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020-2025 với nội dung sau:

2.1. Quan điểm

Việc tăng cường cán bộ trẻ cho cơ sở kết hợp với bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ bảo đảm thực hiện công khai, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch. Kiên quyết loại bỏ các hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ, phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội trong công tác kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Thực hiện nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ; các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu ở những nơi có cán bộ được tăng cường, luân chuyển, điều động chịu trách nhiệm trước Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, về giữ gìn đoàn kết nội bộ, tạo điều kiện, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, giúp cán bộ phát huy năng lực.

2.2. Nguyên tắc

(1) Cán bộ trẻ được tăng cường, bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo cấp huyện, cấp xã, đảm bảo các tiêu chuẩn chung và đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện như sau: Cán bộ tăng cường giữ chức vụ lãnh đạo quận, huyện: Là trưởng, phó phòng cấp sở ngành và tương đương, dưới 35 tuổi; được đào tạo bài bản; có trong quy hoạch chức vụ được tăng cường, bổ nhiệm hoặc tương tương; có năng lực, uy tín, triển vọng phát triển tốt; 03 năm liền gần nhất được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Cán bộ tăng cường giữ chức vụ lãnh đạo cấp xã: Là công chức dưới 30 tuổi; được đào tạo bài bản, bằng tốt nghiệp loại khá trở lên; có trong quy hoạch chức vụ được tăng cường, bổ nhiệm hoặc tương tương; có năng lực, uy tín, triển vọng phát triển tốt; 02 năm liền gần nhất hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

(2) Xử lý đồng bộ giữa tăng cường cán bộ trẻ và bố trí, sắp xếp, luân chuyển giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là các đơn vị còn đang thiếu khuyết; gắn với lộ trình thực hiện đến hết nhiệm kỳ 2020-2025 cơ bản bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương; khuyến khích thực hiện bí thư, chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương.

(3) Việc tăng cường, bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ phải bảo đảm hài hòa về cơ cấu chuyên ngành đào tạo và cơ cấu 03 độ tuổi trong đội ngũ lãnh đạo chủ chốt (thường trực cấp ủy, lãnh đạo UBND các địa phương, lãnh đạo chủ chốt các cơ quan thành phố) bảo đảm ổn định, tính kế thừa, chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ.

2.3. Mục tiêu 

– Mục tiêu chung: Tăng cường chất lượng và trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các quận, huyện, xã, phường, thị trấn; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ cho những nhiệm kỳ tiếp theo, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo các cấp đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ lãnh đạo chủ chốt giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị, chủ động khắc phục tình trạng cục bộ địa phương hoặc đội ngũ lãnh đạo chủ chốt cùng một độ tuổi hoặc giữ vị trí lãnh đạo 2 nhiệm kỳ (8 năm liên tục) trở lên. Sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý giữa các ban, sở, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố, nhằm tạo môi trường để cán bộ rèn luyện, nắm bắt toàn diện các lĩnh vực công tác.

– Mục tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ 2020-2025:

(1) Tăng cường mỗi quận, huyện ít nhất 01 cán bộ trẻ (tuổi dưới 35) giữ chức vụ lãnh đạo quận, huyện. Năm 2021, phấn đấu từ 40%-60% quận, huyện có cán bộ trẻ giữ chức vụ phó bí thư, phó chủ tịch UBND quận, huyện; đến năm 2024 bố trí cho các quận, huyện còn lại và bố trí tăng thêm cho những nơi có điều kiện.

(2) Mỗi quận, huyện bố trí 20-25% số xã, phường, thị trấn có cán bộ trẻ (dưới 30 tuổi) tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Năm 2021, mỗi quận, huyện bố trí từ 10-15% số xã, phường, thị trấn có cán bộ tăng cường; đến hết nhiệm kỳ bố trí số xã, phường, thị trấn còn lại.

(3) Cơ bản sắp xếp, bố trí bí thư quận, huyện không là người địa phương; khuyến khích thực hiện bí thư, chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương; sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ diện Thành ủy quản lý giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị. Năm 2021, phấn đấu 40%-60% quận, huyện có cán bộ luân chuyển sang quận huyện khác hoặc về ban, sở, ngành thành phố.

(4) Thực hiện việc sắp xếp, bố trí, luân chuyển từ 4-5% cán bộ diện Thành ủy quản lý giữa các ban, sở, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội thành phố. Năm 2021, thực hiện sắp xếp, bố trí, luân chuyển từ 2-3%.

3. Tổ chức thực hiện

3.1. Ban Tổ chức Thành ủy

Chủ trì phối hợp cùng các cấp ủy, cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu xây dựng phương án tăng cường cán bộ trẻ được đào tạo bài bản về làm phó bí thư, phó chủ tịch UBND các quận, huyện và sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tháng 3/2021.

– Tham mưu, tổ chức khảo sát, đánh giá nhân sự trước khi điều động, tăng cường, luân chuyển cán bộ. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các quận, huyện uỷ thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ trẻ cho cấp phường, xã.

– Chủ trì tham mưu sơ kết, tổng kết thực hiện Kết luận, báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy.

3.2. Ban cán sự đảng UBND thành phố

Chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu xây dựng, trình ban hành Nghị quyết của HĐND thành phố về chính sách cho cán bộ thuộc diện tăng cường, luân chuyển, điều động; tham mưu nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức hành chính nhà nước; hướng dẫn các quận, huyện xây dựng phương án tăng cường cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo cấp xã.

– Chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ bố trí kinh phí, hướng dẫn lập dự toán, quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định.

3.3. Ban Tuyên giáo Thành ủy

 Tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết của việc tăng cường cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã; sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ thành phố Hải Phòng.

3.4. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy

 Tham mưu, hướng dẫn tăng cường kiểm tra, giám sát của Thành ủy, cấp ủy cùng cấp đối với cán bộ được tăng cường, luân chuyển; gắn với việc thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ.

3.5. Trường Chính trị Tô Hiệu

 Phối hợp với các ban, sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ đảm bảo phù hợp, sát với tình hình thực tế.

3.6. Các quận ủy, huyện ủy

 Trên cơ sở quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu đã được xác định, chủ động xây dựng đề án, phương án tăng cường, luân chuyển cán bộ trẻ (dưới 30 tuổi) về xã, phường, thị trấn, gắn với sắp xếp, bố trí cán bộ (theo phân cấp quản lý) và công tác nhân sự đại biểu HĐND và lãnh đạo UBND cấp xã, nhiệm kỳ 2021-2026.

3.7. Các ban, cơ quan Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố, các sở, ngành thành phố

Phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy và Sở Nội vụ rà soát, đánh giá cán bộ trước khi tăng cường, luân chuyển, điều động cán bộ; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong thực hiện Kết luận./.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hải Phòng tăng cường cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo cấp huyện, xã
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác