Ngày 17/12/2020, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Quyết định số 40/2020/QĐ-UBND quy định quản lý khai thác, bảo trì các công trình đường bộ trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 28/12/2020 và thay thế Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 27/3/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Quy định này quy định về công tác quản lý, vận hành khai thác và bảo trì các công trình đường bộ thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng; Việc quản lý, vận hành khai thác và bảo trì các công trình đường bộ trên địa bàn thành phố Hải Phòng do tổ chức, cá nhân đầu tư, quản lý không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này; Các nội dung không quy định tại văn bản này thì cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức thực hiện công tác quản lý, khai thác và bảo trì các công trình đường bộ thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.
Về nguyên tắc quản lý khai thác, bảo trì công trình đường bộ:
Công trình đường bộ phải được giao cho đối tượng quản lý, khai thác, bảo trì theo quy định của pháp luật; Công tác quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống công trình đường bộ trên địa bàn thành phố Hải Phòng được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp.
Việc quản lý, bảo trì công trình đường bộ nhằm đảm bảo duy trì tuổi thọ công trình, duy trì chức năng sử dụng theo đúng quy mô thiết kế ban đầu được duyệt, bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt, an toàn cho người và tài sản, an toàn công trình, phòng, chống cháy nổ và bảo vệ môi trường. Đồng thời bảo đảm tuân theo trình tự, quy trình, kế hoạch và tiêu chuẩn, định mức nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật, bảo đảm hoạt động bình thường và an toàn khi sử dụng, khai thác.
Công trình đường bộ sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng được bàn giao về cơ quan quản lý đường bộ để tổ chức quản lý và bảo trì. Thủ tục bàn giao về cơ quan quản lý đường bộ theo quy định hiện hành; thời gian thực hiện quản lý được tính từ ngày ký biên bản bàn giao đưa vào quản lý, bảo trì giữa bên giao và bên nhận; thời gian thực hiện bảo trì công trình đường bộ tính từ ngày hết thời hạn bảo hành công trình theo hợp đồng.
Về phân cấp thẩm quyền quản lý khai thác, bảo trì công trình đường bộ trên địa bàn thành phố:
Sở Giao thông vận tải thực hiện quản lý, bảo tri công trình đường bộ đối với: Hệ thống đường tỉnh; Hệ thống đường đô thị trên địa bàn các quận (trừ các trường hợp quy định tại khoản 2, Điều này); Hệ thống đường gom đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; Các trường hợp khác do Ủy ban nhân dân thành phố giao quản lý.
Ủy ban nhân dân các quận thực hiện quản lý khai thác, bảo trì công trình đường bộ đối với: Các ngõ, ngách trên địa bàn quản lý; Đường nội bộ thuộc thẩm quyền quản lý; Các trường hợp khác do Ủy ban nhân dân thành phố giao quản lý.
Ủy ban nhân dân các huyện thực hiện quản lý khai thác, bảo trì công trình đường bộ đối với: Hệ thống đường huyện; Hệ thống đường xã; Hệ thống đường đô thị nằm trên địa bàn các thị trấn, các tuyến đường nội bộ thuộc thẩm quyền quản lý; Các trường hợp khác do Ủy ban nhân dân thành phố giao quản lý.
Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện quản lý khai thác, bảo trì công trình đường bộ đối với: Đường thôn, đường dân sinh, đường nối với các khu vực sản xuất trên địa bàn quản lý. Các trường hợp khác do Ủy ban nhân dân thành phố giao quản lý.
Tài liệu đính kèm: Quyết định số 40/2020/QĐ-UBND.