Ngày 16/12/2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 39/2020/QĐ-UBND quy định về sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vào mục đích giao thông và thi công trên đường bộ đang khai thác trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 28/12/2020 và thay thế Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc Ban hành Quy định quản lý, sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường không vào mục đích giao thông và quản lý thi công trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến đường giao thông thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hải Phòng.
Về phạm vi điều chỉnh:
Quy định này quy định các nội dung liên quan đến: Sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vào mục đích giao thông, thi công trên các tuyến đường bộ đang khai thác trên địa bàn thành phố Hải Phòng, trừ các tuyến quốc lộ, các tuyến cao tốc và các tuyến đường khác do các cơ quan Trung ương quản lý; Đấu nối đường nhánh vào đường tỉnh, đường đô thị trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Về nguyên tắc chung:
– Lòng đường, hè phố được phép sử dụng tạm thời một phần không vào mục đích giao thông nhưng phải được sử dụng đúng mục đích do pháp luật quy định, không làm ảnh hưởng tới trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
– Trong vòng 24 giờ kể từ khi được cấp phép, chủ sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố có trách nhiệm niêm yết công khai về tên, địa chỉ và sô điện thoại liên hệ, phạm vi sử dụng và thời gian sử dụng lòng đường hè phố theo mẫu tại Phụ lục 05 Quy định này. Vị trí niêm yết phải đảm bảo dễ thấy, dễ kiểm tra, theo dõi và không nằm ngoài phạm vi đã được cấp phép sử dụng.
– Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải đảm bảo an toàn cho công trình đường bộ, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường. Không sử dụng lòng đường, hè phố tại các vị trí mà kết cấu chịu lực của lòng đường, hè phố không đáp ứng được mục đích sử dụng tạm thời. Sở Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể về kết cấu chịu lực của lòng đường, hè phố phù hợp với mục đích sử dụng tạm thời.
– Chủ sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố có trách nhiệm hoàn trả tất cả các hư hỏng do việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vào mục đích giao thông gây ra (nếu có). Việc hoàn trả thực hiện theo quy định tại Điều 19 Quy định này.
– Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào các mục đích sau phải được cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Quy định này cấp Giấy phép, bao gồm: Sử dụng tạm thời một phần hè phố để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Sử dụng một phần lòng đường, hè phố để làm điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; Sử dụng tạm thời một phần hè phố để làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình.
– Sau khi hết thời hạn sử dụng ghi trên Giấy phép, Chủ sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phải thực hiện ngay việc thu dọn mặt bằng và thời hạn hoàn thành dọn dẹp hoàn trả lại mặt bằng không quá thời hạn sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố ghi trên giấy phép.
– Việc sử dụng lòng đường, hè phố vào các mục đích họp pháp khác không quy định tại Quy định này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các quy định khác có liên quan.
– Việc thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vào mục đích giao thông (nếu có) thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố.
Về thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vào mục đích giao thông:
– Sở Giao thông vận tải: cấp Giấy phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vào mục đích giao thông trên các tuyến đường được ủy ban nhân dân thành phố giao quản lý.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện: cấp giấy phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vào mục đích giao thông đối với các tuyến đường do ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.
Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố đễ làm điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội:
Chủ sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để làm nơi trông, giữ xe phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội do đơn vị của mình tổ chức phải tuân thủ các quy định sau:
– Việc tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường phố phải tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Việc sử dụng lòng đường, hè phố để làm điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội phải phù hợp với phương án bảo đảm giao thông đã được cơ quan quản lý đường bộ thống nhất bằng văn bản.
– Hè phố chỉ được sử dụng để trông, giữ xe các loại gắn máy, xe thô sơ, không được sử dụng làm nơi đỗ xe ô tô.
– Thời gian sử dụng: Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 25a và điểm a khoản 2 Điều 25b tại Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bố sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ- CP ngày 24/2/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố để làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình:
Hộ gia đình khi sử dụng một phần hè phố làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình phải tuân thủ các quy định sau:
– Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng phục vụ thi công công trình của hộ gia đình phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Tuyệt đối không tập kết vật liệu, phế thải xây dựng lấn chiếm toàn bộ hè phố hoặc tập kết vật liệu, phế thái xây dựng dưới lòng đường.
– Được phép rào chắn bằng tôn hoặc các vật liệu phù hợp khác tại khu vực tập kết để ngăn cản khói bụi, tiếng ồn do việc thi công công trình xây dựng gây ra nhưng phải đảm bảo có thể thu hồi rào chắn trước 05 giờ sáng ngày hôm sau.
– Thời gian sử dụng: Từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 06 sáng ngày hôm sau theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 25a Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Về sử dụng tạm thời một phần lòng đường để làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường:
– Điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường phải đáp ứng các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan.
– Đối với các điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng một phần lòng đường của các tuyến đường do Sở Giao thông vận tải được giao quản lý: Sở Xây dụng căn cứ vào nhu cầu vận chuyển, trung chuyển rác thải sinh hoạt, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan để thống nhất các điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt có sử dụng tạm thời một phần lòng đường. Sở Giao thông vận tải quyết định công bố việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường để làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường trên cơ sở thống nhất về vị trí của Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
– Đối với các điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng một phần lòng đường của các tuyến đường do Ủy ban nhân dân cấp huyện được giao quản lý: Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, tổ chức công bố các điếm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt có sử dụng tạm thời một phần lòng đường.
Về đỗ xe, để xe trên lòng đường, hè phố:
– Các tuyến phố được phép sử dụng lòng đường, hè phố để đỗ xe ô tô, trông giữ xe phải phù hợp với Quy hoạch mạng lưới điểm đỗ xe hoặc Quy định của Ủy ban nhân dân thành phố về tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố.
– Xe ô tô, các loại xe mô tô 03 bánh, 04 bánh chỉ được đỗ một phần trên hè phố tại những nơi được cơ quan có thẩm quyền tổ chức giao thông đặt biển “Nơi đỗ xe một phần trên hè phố” và vạch sơn phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về báo hiệu giao thông đường bộ.
– Xe ô tô, các loại xe mô tô 03 bánh, 04 bánh không được đỗ trên hè phố, trừ các trường họp quy định tại khoản 1, 2 Điều này. Việc dừng, đỗ xe ô tô trên lòng đường phải tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ.
– Việc để xe đạp, xe mô tô, xe gắn máy, hai bánh, xe của người khuyết tật phải tuân thủ các quy định sau:
+ Không để xe đạp, xe mô tô, xe gắn máy hai bánh, xe của người khuyết tật ở lòng đường;
+ Bánh sau của xe phải sát với mép bó vỉa hoặc cách mép bó vỉa không quá 0,25m; đường thẳng nối tâm trục trước và tâm trục sau của xe phải vuông góc với mép trong của bó vỉa;
+ Bánh sau và biển kiểm soát của xe (nếu có) phải hướng ra phía đường;
+ Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ phải có bề rộng tối thiểu 1,5m.
– Việc tổ chức sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để trông, giữ xe có thu phí thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố và các quy định của pháp luật có liên quan.
Một số lưu ý về điều khoản chuyển tiếp:
– Đối với các Giấy phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố đã được cấp trước thời điểm Quy định này có hiệu lực vẫn còn thời hạn sử dụng thì tổ chức, cá nhân được tiếp tục sử dụng theo các nội dung quy định trên Giấy phép đã cấp.
– Đối với các trường họp đang sử dụng tạm thời một phần, hè phố để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì trong vòng không quá 15 ngày kể từ ngày Quy định này có hiệu lực phải hoàn thiện các thủ tục để được cấp phép theo quy định. Trường họp quá 15 ngày mà tổ chức, cá nhân không được cấp phép thì phải hoàn trả lại mặt bằng hè phố theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Quy định này./.
Tài liệu đính kèm: Quyết định số 39/2020/QĐ-UBND.