Luôn biết ơn những người có công với cách mạng (NCC), với dân tộc để đất nước ta có ngày hôm nay, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân thành phố ngày càng quan tâm, chăm lo tốt hơn đến đời sống NCC, cả về vật chất và tinh thần. Đó không chỉ là sự tri ân, còn là sự trân trọng, ghi nhận những đóng góp của một thế hệ vì dân tộc.
Nhớ mãi thời khắc lịch sử ngày quốc khánh
Nhà cụ Nguyễn Như Tiến, cán bộ tiền khởi nghĩa, ở xã An Đồng (huyện An Dương) rộng rãi, khang trang ẩn hiện trong màu xanh của nhiều cây cối. Đón khách với nụ cười thật tươi, cụ Tiến “khoe”, mảnh đất, ngôi nhà này là nơi an cư yên bình, gắn bó cả gia đình 3 thế hệ mà các thành viên đều yêu quý. Ở tuổi 90, chứng kiến và trải qua bao thăng trầm của đất nước, cụ nói “chưa khi nào cuộc sống của đông đảo nhân dân được tốt như hôm nay”.
Theo dòng hồi ức về 75 năm trước, thời mà “cả dân tộc chìm trong tăm tối, lầm than” cụ Tiến nhớ như in mình khi đó mới 15 tuổi, đang học thành chung (tương đương cấp 2 bây giờ) thì xảy ra sự kiện Mỹ ném bom Nhật Bản. Cụ Tiến sơ tán từ Hà Nội về huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên (quê gốc). Tại đây, cụ tham gia Đội thiếu niên tiền phong, được sự dìu dắt của cán bộ Việt Minh, trở thành liên lạc viên cho những người hoạt động cách mạng, vài lần “chết hụt” lúc đang làm nhiệm vụ. Cụ nhớ rõ đêm 16/8/1945, Việt Minh lãnh đạo nhân dân nổi dậy cướp chính quyền, bắn chết cai Cơ và tri huyện Mỹ Hào, phá kho thóc để nhân dân chống đói. Thời điểm đó, nạn đói lan tràn khắp Bắc Bộ, người chết đói đầy đường, nhà cửa, xóm làng tiêu điều, xác xơ. Nghĩ đến ngày nay nhà nhà đủ cơm, người người no bụng, cụ Tiến thấy hạnh phúc vô cùng. Cụ xúc động nói, có được ngày nay thì không thể quên ngày 2/9/1945, ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
“Tôi vinh dự là một trong hàng vạn người được chứng kiến ngày Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử” – Cụ Tiến nhớ lại. Sáng 2/9, cụ cùng 2 người bạn rủ nhau đi bộ lên Hà Nội, dọc đường số 5, gặp chiếc xe cam nhông của Hải Phòng đi lên có cờ sao phấp phới. Thấy 3 thiếu niên đi bộ, họ cho 3 thiếu niên đi nhờ. Chiều 2/9 mít tinh, cả biển người lặng nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. “Vui và xúc động vô cùng, nhìn thấy Bác trên lễ đài từ xa mà lòng tôi dâng lên niềm yêu kính, nguyện suốt đời đi theo con đường Bác chỉ dẫn”, cụ Tiến nhớ lại một ngày không thể nào quên trong cuộc đời. Cùng có mặt trong không khí rạo rực phấn khởi đó, cụ bà Trần Thị Bảo (vợ cụ Tiến) lúc đó mới 9 tuổi nhớ mãi cảnh phố phường rực rỡ cờ hoa đón chào độc lập. “Lúc đó rất ít cờ vải, chủ yếu là cờ giấy nhưng nhà nào cũng treo ngập phố tạo nên cảnh sắc tươi vui vô cùng. Ai cũng phấn khởi, tạm thời quên đi những lo âu với niềm vui của người dân đất nước độc lập”, cụ Bảo cho biết. Một điều thật đặc biệt, cả 2 vợ chồng cụ Tiến, cụ Bảo đều được chứng kiến lễ mít tinh trong ngày quốc khánh đầu tiên của dân tộc.
Yêu hơn cuộc sống hôm nay
Đất nước độc lập, hòa bình nhưng lại trải qua 2 cuộc chiến tranh đằng đẵng 30 năm mới hoàn toàn thống nhất. Trong quá trình đó là biết bao thăng trầm của dân tộc. Cụ Tiến được cử đi học, làm việc ở nhiều nơi, vào năm 1960 chính thức về gắn bó với Hải Phòng khi làm việc tại nhà máy sắt tráng men, cụ Bảo theo chồng về Hải Phòng, làm việc tại Xí nghiệp thảm len Hàng Kênh, từng là Ủy viên Thành ủy khóa 6 và 7. Cụ Tiến cho biết: “Tôi từng chứng kiến nhiều giai đoạn phát triển của thành phố, từ thời kỳ chiến tranh, khoán 10, đổi mới, xây dựng thành phố… nhưng chưa khi nào thấy Hải Phòng phát triển như 5 năm gần đây, đời sống nhân dân được chăm lo, gia đình chính sách, NCC hưởng nhiều ưu đãi cao nhất cả nước”. Như dịp 2/9 quốc khánh năm nay, những NCC liên quan đến sự kiện Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 được tặng quà tri ân 5 triệu đồng/người. Đây là điều Hải Phòng làm được hơn các tỉnh thành phố trong cả nước về giá trị vật chất của quà tặng.
Nhưng những chăm lo, ưu đãi của thành phố không chỉ là việc tặng quà gia đình chính sách, NCC dịp Lễ, Tết, dịp 27/7 năm sau luôn cao hơn năm trước, mà là thành phố có những chính sách, giải pháp căn cơ cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần NCC. Ngoài tiền hỗ trợ của trung ương về xây, sửa nhà ở, Hải Phòng có nghị quyết hỗ trợ gia đình NCC vật liệu xây dựng gạch, xi măng, các đoàn thể, hội, doanh nghiệp, địa phương vào cuộc, huy động xã hội hóa tiếp thêm nguồn lực tặng các gia đình chính sách xây, sửa nhà. Vì vậy, trong 5 năm 2015-2020, toàn thành phố có hàng vạn ngôi nhà của NCC được xây mới, sửa chữa, cải thiện điều kiện ăn ở của các gia đình. Công tác giám định người nghi nhiễm chất độc hóa học, giải quyết hồ sơ công nhận liệt sĩ, điều dưỡng sức khỏe… cũng được đẩy nhanh, làm mạnh, không để tồn đọng trường hợp nào đủ điều kiện công nhận mà không được xem xét, chuyển đến cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đến nay, 100% gia đình chính sách, NCC có mức sống bằng và cao hơn mức sống của nhân dân nơi cư trú.
Nhìn vào những nỗ lực của thành phố mới thấy, đó không đơn thuần là sự quan tâm theo chế độ chính sách, còn là tình cảm, trách nhiệm của lãnh đạo và nhân dân thành phố tri ân, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn đến các thế hệ cha ông. Cụ Tiến chia sẻ: “Tôi có niềm tin vững chắc rằng, với những người lãnh đạo có tâm, có tầm, thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục phát triển nhanh, mạnh, đời sống người dân tiếp tục được chăm lo. Hải Phòng sẽ trở thành một trọng điểm kinh tế của đất nước, là thành phố đáng sống với công tác chăm lo an sinh xã hội tốt nhất”.