Hai bến số 3 và 4 được phê duyệt chủ trương đầu tư và sẽ được thúc đẩy rất nhanh trong thời gian tới bởi liên quan mật thiết tới sự phát triển của Cảng biển, đô thị Hải Phòng và hoạt động của một doanh nghiệp cảng biển lâu đời nhất của thành phố, Công ty CP Cảng Hải Phòng. Việc xây dựng 2 bến mới sẽ giúp cho việc di dời khu bến cảng Hoàng Diệu tồn tại quá lâu giữa lòng thành phố, đã trở nên chật hẹp với nhiều bất cập và không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Từ đây, Hải Phòng cũng có thêm dư địa để mở mang, phát triển đô thị hai bên bờ sông Cấm. Cùng với khu đô thị mới bắc sông Cấm đang được xây dựng khẩn trương; cầu Hoàng Văn Thụ đã hoàn thành; Trung tâm thương mại Vincom và khu shophouse Lê Thánh Tông; tòa nhà cao 70 tầng sắp được khởi công tại số 4 Trần Phú, khu vực này sẽ trở nên năng động, sầm uất, đẹp nhất Hải Phòng và vùng duyên hải Bắc bộ.
Trước đó, trong các đợt Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tiếp xúc cử tri và làm việc tại Hải Phòng, lãnh đạo thành phố nhiều lần kiến nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc trong hạn mức cấp vốn ODA thực hiện dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng và dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn giai đoạn 1. Hai dự án này được triển khai rất lâu, đã nhiều lần phải gia hạn hiệp định và thời gian chót là đầu năm 2020 phải hoàn thành, không thể lùi thêm được nữa. Tuy nhiên, do những thay đổi trong quy định cấp vốn ODA nên cả 2 dự án từ chỗ được cấp theo khối lượng thực hiện chuyển sang cấp theo hạn mức hàng năm mà hạn mức này chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu vốn, gây nên tình trạng thiếu vốn trầm trọng, dẫn tới dự án bị kéo dài. Quan tâm tới kiến nghị của Hải Phòng, Chính phủ đã chỉ đạo, các Bộ, ngành Trung ương ủng hộ, từ đó Chính phủ đã đề xuất Quốc hội bổ sung nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020, trong đó 2 dự án của Hải Phòng sẽ được bổ sung hơn 1400 tỷ đồng, cơ bản tháo gỡ khó khăn về vốn. Theo kế hoạch, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 vấn đề này sẽ được trình thông qua, tạo điều kiện để Hải Phòng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 2 dự án trọng điểm và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của thành phố. Cũng xuất phát từ đề nghị của Hải Phòng, Chính phủ đã quyết định phân bổ 720 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ thành phố trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), phục vụ thi công tuyến đường bộ ven biển. Đây là sự trợ giúp hết sức quý báu để tới nay, công tác GPMB cơ bản hoàn thành, việc thi công tuyến đường đang được thúc đẩy nhanh, góp phần phát triển giao thông kết nối vùng của Hải Phòng với các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình…
Trong chuyến thăm, làm việc và tiếp xúc với đại biểu cử tri Hải Phòng tháng 5- 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí, ủng hộ cao với các đề xuất, kiến nghị của Hải Phòng, nhất là các chương trình, kế hoạch, triển khai các công trình giao thông trọng điểm như: đường sắt tốc độ cao Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng; các bến cảng còn lại của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; mở rộng nhà ga hành khách, ga hàng hóa Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi… Thủ tướng khẳng định, các kiến nghị của Hải Phòng rất đúng đắn, rất cần thiết, giao các Bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu và phối hợp tốt với Hải Phòng để triển khai thực hiện, giải quyết. Với tinh thần đó, trong cuộc làm việc mới đây tại Hải Phòng của Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, một loạt các kiến nghị, đề xuất của Hải Phòng được Bộ trưởng và các ngành liên quan xem xét một cách rất cụ thể. Theo đó, Bộ GTVT ủng hộ Hải Phòng nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Cát Bi để làm cơ sở triển khai dự án khai thác đạt công suất 13 triệu hành khách/năm và 250.000 tấn hàng hóa/năm đã được Chính phủ xác định trong Quyết định số 821 ngày 6-7-2018 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để xúc tiến nhanh việc này, Bộ GTVT sẽ đề xuất giao cho Hải Phòng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Cát Bi theo QĐ 236 của Chính phủ, để trong vòng 5-6 tháng làm xong quy hoạch, thành phố bàn giao lại cho Bộ, từ đó triển khai các hạng mục. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, trước mắt khẩn trương khởi công nhà ga công suất 5 triệu hành khách/ năm và chỉ đạo Cục Hàng không đẩy nhanh tiến độ, sớm khởi công nhà ga mới trong cuối năm nay, chậm nhất là đầu năm 2020. Đồng thời, Bộ cũng ủng hộ đề nghị của Hải Phòng bổ sung quy hoạch Sân bay Tiên Lãng vào điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để làm cơ sở nghiên cứu xây dựng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, đây là việc cần thiết và cấp bách, cần sớm được đưa vào quy hoạch với tầm nhìn 50-60 năm sau, vì sự phát triển của Hải Phòng, các địa phương trong vùng và giảm tải cho Sân bay Nội Bài. Một loạt các vấn đề khác về chuyển quân cảng nam Đồ Sơn thành cảng tổng hợp; đường sắt kéo dài tới Lạch Huyện; di chuyển ga Hải Phòng về Thượng Lý; cải tạo, nâng cấp đường 10 đoạn Quán Toan- Bí Chợ… đều được Bộ GTVT nhất trí và gợi mở nhiều cách làm để thúc đẩy nhanh tiến độ.
Trước những khó khăn, vướng mắc của Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố khác trong thanh toán các dự án BT, Chính phủ đã lắng nghe và có sửa đổi kịp thời. Theo đó, ngày 15-8-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 69 về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (dự án BT). Từ đây, các dự án BT của Hải Phòng, nhất là các dự án xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm bị đình trệ một thời gian khá dài đã được thúc đẩy nhanh hơn, không chỉ là các chung cư Đồng Quốc Bình, Lê Lợi, Lam Sơn mà sẽ là một loạt các chung cư mới ở phường Vạn Mỹ, phường Lam Sơn sắp tới…
Theo lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng, với số thu thuế xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng 9 tháng đạt hơn 44.000 tỷ đồng, bằng 107% kế hoạch năm thì năm nay sẽ vượt thu là điều chắc chắn. Đây là cơ sở quan trọng để Hải Phòng được áp dụng Nghị định 89 ngày 29- 7- 2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng. Cụ thể, thành phố sẽ được hưởng 70% số tăng thu ngân sách Trung ương. Như thế, thành phố sẽ có thêm nguồn lực đáng kể để xây dựng và phát triển.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã rất ủng hộ Hải Phòng trong công tác chuẩn bị các đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết (NQ) 45 ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sau khi nghị quyết được ban hành, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tích cực, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Hải Phòng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ đắc lực, kịp thời nhất để Hải Phòng thực hiện thành công NQ 45. Thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ 45 của Bộ Chính trị. Đây tiếp tục sẽ là cơ sở quan trọng khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đối với Hải Phòng, vì sự phát triển của Hải Phòng và của cả vùng, cả nước.
Có thể khẳng định, mỗi bước đi lên, phát triển của Hải Phòng thời gian qua ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố, còn là sự hỗ trợ quý báu, kịp thời của Trung ương. Đây chính là nguồn lực vô cùng quan trọng và quý báu, thúc đẩy Hải Phòng phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, xây dựng thành phố phát triển nhanh và đột phá, đi đầu cả nước trên mọi lĩnh vực, xứng đáng là động lực phát triển của cả vùng và cả nước như Trung ương và người dân thành phố luôn mong đợi.
Bài: Hồng Thanh
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More