Print Thứ tư, 11/10/2023 15:36 Gốc

Theo Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu giai đoạn từ 2045 – 2050 Hải Phòng sẽ trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Với lợi thế riêng là cửa ngõ ra biển, Hải Phòng được xác định trở thành thành phố trọng điểm về cảng biển, dịch vụ logistics của vùng và cả nước.

Cảng nước sâu Lạch Huyện

Tháng 5/2023, Hải Phòng liên tiếp đón nhận tin vui về các dự án cảng biển có số vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Đó là dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 7, số 8 của chủ đầu tư là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn; dự án Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu… Những sự kiện này là dấu mốc quan trọng về sự phát triển của hệ thống cảng biển Hải Phòng nói riêng, thành phố Hải Phòng nói chung với nhiều cơ hội bứt phá trong tương lai gần. Dự án đầu tư xây dựng bến số 7, số 8 cảng Lạch Huyện thuộc Cảng biển Hải Phòng có tổng vốn đầu tư gần 12.800 tỷ đồng, xây dựng 2 bến container với tổng chiều dài 900 m (mỗi bến dài 450 m), tiếp nhận cỡ tàu container đến 12.000 Teus hoặc đến 18.000 Teus. Dự kiến hai bến số 7, số 8 sau khi đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu tiếp nhận tàu container tải trọng tới 18.000 Teus với công suất hàng qua cảng dự kiến khoảng 1,9 triệu Teus/năm. Với việc được Chính phủ và thành phố Hải Phòng tin tưởng giao làm chủ đầu tư 4 bến cảng nước sâu Lạch Huyện (bến số 1 và 2 đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2018; bến số 7 và số 8 mới được cấp phép) ghi dấu ấn quan trọng, khẳng định việc đầu tư tại thành phố Hải Phòng là hoàn toàn đúng đắn, là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển để trở thành tập đoàn kinh tế quốc phòng hàng đầu của đất nước trong lĩnh vực kinh tế biển của Tân Cảng. Tân Cảng Sài Gòn phấn đấu năm 2024 khởi công bến số 7 và số 8; sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2027.

Hệ thống logistics hiện đại phát triển mạnh mẽ

Trên thực tế, các bến cảng nước sâu của Hải Phòng ngày càng được xây dựng với quy mô, tầm cỡ lớn, đáp ứng được các cỡ tàu lớn trên thế giới hiện nay. Cụ thể, các bến số 5, 6, 7, 8 có chiều dài mỗi bến là 450m, tiếp nhận cỡ tàu container đến 18.000 Teus phù hợp với điều kiện tiếp nhận của kết cấu hạ tầng liên quan và đáp ứng các yêu cầu về an toàn; 4 bến sà lan có chiều dài 200 m, tiếp nhận tàu, sức chở 160 Teus; công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, sản lượng hàng thông qua 4 bến cảng đạt gần 4 triệu tấn/năm.

Hiện khu vực Hải Phòng có gần 40 cảng biển, trở thành thương cảng lớn thứ 2 cả nước, lớn nhất phía Bắc; lượng hàng qua cảng năm 2022 đạt 168 triệu tấn, với mức tăng trung bình từ 10- 18%/năm. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu có quy mô 752 ha, bao gồm 369 ha khu sản xuất công nghiệp và 173 ha khu dịch vụ kho bãi-logistics. Vị trí khu phi thuế quan nằm ngay sau và tiếp giáp 6 km chiều dài với Cảng nước sâu Lạch Huyện, là cơ sở hình thành một khu công nghiệp gắn liền cảng biển hiện đại trong nước và khu vực. Tại Lạch Huyện, 8 bến cảng nước sâu, Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu được hình thành không chỉ làm tăng sức hấp dẫn của cảng biển, của thành phố Hải Phòng mà còn là nền tảng, bệ đỡ để khu vực này sẽ có thêm nhiều bến cảng khác, để Cảng Hải Phòng ngày càng sôi động, góp phần đắc lực vào thực hiện các mục tiêu phát triển Hải Phòng tới năm 2030 và năm 2045.

Theo nhận định của các chuyên gia, để Hải Phòng có thể phát triển thành trung tâm cảng biển, trước hết là do thành phố có ưu thế bởi phía sau có “hậu phương công nghiệp” lớn và giàu tiềm năng. “Hậu phương” này bao gồm toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, mở rộng ra toàn miền Bắc. Chỉ tính riêng các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, hiện có 85/325 khu công nghiệp đang hoạt động, chiếm 26% số khu công nghiệp của cả nước. Theo quy hoạch, trong thời gian sắp tới, số lượng các khu công nghiệp sẽ còn tăng nhanh, tạo nhu cầu rất lớn về chuyên chở hàng hóa, vật tư cần thiết để sản xuất và xuất, nhập khẩu qua cảng biển Hải Phòng. Không những vậy, Hải Phòng nằm trong 2 hành lang kinh tế giữa Việt Nam – Trung Quốc. Với xu thế phát triển nền kinh tế “mở”, không gian “hậu phương công nghiệp” của Hải Phòng còn có thể mở ra vùng Tây Nam Trung Quốc, trực tiếp là 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam. Phía trước là biển, phía sau là hạ tầng công nghiệp dồi dào, Hải Phòng có lợi thế kép và cũng đứng trước yêu cầu phải phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, xứng đáng là thành phố cảng biển lớn nhất của cả miền Bắc. Từ lợi thế này, Hải Phòng đang quan tâm tập trung đầu tư trọng điểm, đúng hướng để trở thành trung tâm cảng biển, logistics của vùng và cả nước.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hải Phòng phấn đấu trở thành Trung tâm cảng biển, logistics của vùng và cả nước
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác