Sáng 29/12, UBND thành phố họp nghe báo cáo việc triển khai chuyển đổi số lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Dự cuộc họp có các đồng chí: Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND thành phố; đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND thành phố…
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND thành phố ghi nhận ngành GD-ĐT thành phố có nền tảng hạ tầng khá tốt để thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, để thực hiện thành công chuyển đổi số, quan trọng nhất cần thay đổi về nhận thức, tư duy trong phương pháp quản lý, giảng dạy, nhất là vai trò của lãnh đạo ngành. Do đó, ngành cần bám sát Kế hoạch của Bộ GD-ĐT về thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành GD-ĐT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; chọn điểm nhấn, trọng tâm, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ngành, tích hợp với kho dữ liệu chung của thành phố phục vụ công tác quản lý và khai thác, chia sẻ dữ liệu ngành. Ngành đẩy mạnh phổ cập năng lực số; chọn một số nền tảng ứng dụng mới trọng điểm để triển khai; phát triển chính quyền số trong ngành GD-ĐT, tiếp tục triển khai đề án “Trường học thông minh”, Đề án xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại; xây dựng nền tảng số nâng cao hiệu quả dạy, học trực tuyến… Qua đó, phấn đấu để Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước chuyển đổi số lĩnh vực GD-ĐT…
Thời gian qua, chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố tập trung vào 2 nội dung chủ đạo gồm: Chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy và học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống COVID-19, ngành Giáo dục thành phố phối hợp Microsoft Việt Nam cấp hơn 400.000 tài khoản MS Teams cho giáo viên và học sinh, đồng loạt triển khai dạy học trực tuyến ở tất cả cấp học…
Trong chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, ngành Giáo dục thành phố đề ra 6 nhóm giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đến năm 2025: 100% số đơn vị, cơ sở giáo dục ứng dụng CNTT trong quản lý, quản trị đồng bộ với hệ thống dữ liệu của ngành; 100% số đơn vị, cơ sở giáo dục được kết nối đường truyền băng thông rộng đủ để triển khai hiệu quả các ứng dụng trực tuyến trên môi trường internet; hoàn thành việc xây dựng cổng thư viện số và hệ thống dạy-học trực tuyến cho các trường phổ thông trên địa bàn thành phố… Tập trung chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục, hoàn thiện hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và “một cửa” điện tử, thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4. Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số ngành GD-ĐT thành phố, bảo đảm kết nối các hệ thống đô thị thông minh của thành phố./.
Tin và Ảnh: Bùi Hạnh