Diện tích đất canh tác ven sông Đa Độ người dân xã Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy, Tp Hải Phòng) đã chuyển đổi ruộng sâu trũng cấy lúa kém hiệu quả, bỏ hoang sang trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế lớn.
Sen là một trong những cây hoa truyền thống của Việt Nam. Thời gian gần đây, nhu cầu tiêu dùng của người dân không chỉ dừng lại ở việc lấy hoa sen trang trí, dùng hạt làm thực phẩm mà còn tận dụng cả lá sen, củ sen, ngó sen…làm dược liệu nên cây sen đang được trồng phổ biến hơn.
Gia đình anh Nguyễn Quang Được, trú tại thôn Tam Kiệt, xã Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) là một trong những gia đình trồng sen đầu tiên ở đây.
Anh Được cho biết, cách đây gần chục năm, sau khi tìm tòi nghiên cứu kỹ về giống sen ngoại trồng lấy củ, gia đình anh đã chuyển hẳn sang trồng giống sen này.
Sen trồng lấy củ thì có lá dày, to tròn, sinh trưởng phát triển, khả năng chống chịu bệnh tốt, hoa có màu trắng hoặc phớt hồng, năng suất củ vượt trội các loại sen truyền thống.
Tuy nhiên, để củ sen có chất lượng tốt người trồng sẽ phải hạn chế khai thác ngó để tập trung vào nuôi củ.
“Hiện, gia đình anh tôi đang trồng khoảng 5ha, sen đang là thứ cây cho thu nhập chủ yếu cho gia đình. Trồng sen tuy có vất vả nhưng chúng dễ trồng, chăm sóc, không tốn chi phí đầu tư. Giống sen có sức sống vô cùng mãnh liệt, mầm sen có khả năng mọc xuyên từ bờ này sang bờ kia, từ ruộng này sang ruộng kia, khá phù hợp với các vùng đất trũng…“, anh Được khẳng định.
Theo anh Được, cây sen chỉ cần trồng một lần, khi thu hoạch sen tàn thì tiến hành tháo kiệt nước, dùng máy san gạt cải tạo đất, cấy dặm vào những gốc cũ bị chết, bón thêm phân NPK để cung cấp dinh dưỡng cho cây sen vào vụ tiếp theo…
Cũng giống như anh Được, gia đình anh Vũ Văn Đoàn trú tại (thôn Văn Hòa, xã Hữu Bằng) đầu tư trồng gần 5ha sen từ những diện tích ruộng bỏ hoang của các hộ khác không canh tác.
Cũng trong thời điểm này anh đã quyết định nghỉ luôn nghề lái xe đường dài để về nhà cùng vợ con và bạn bè đầu tư máy móc, giống sen, quyết tâm làm giàu từ việc trồng cây sen.
Theo anh Đoàn, cây sen không vất đi đâu tí nào, lá thì dùng gói thực phẩm, phơi khô hãm nước uống thay trà lại có tác dụng chữa nhiều thứ bệnh.
Củ sen và hạt sen được sử dụng tươi chế biến các món ăn, như: sen hầm, sen xào, chè củ sen, cháo sen…Các công ty chế biến thực phẩm còn chế biến thành các món như bánh củ sen, củ sen sấy, bột củ sen, mứt sen…phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế lớn.
Mỗi sào trồng sen gia đình anh Đoàn thu về 2 tạ củ, giá bán trung bình từ 25.000-35.000 đồng/kg. Cộng với các khoản tiền từ bán hoa sen, lá sen… trừ mọi chi phí chăm bón, giống, một năm anh Đoàn cũng thu lãi cả trăm triệu đồng.
“Giá các mặt hàng về sen cũng lên xuống như các loại cây trồng khác, tuy nhiên vẫn đảm bảo ở mức ổn định chưa bao giờ xuống quá thấp“, anh Đoàn nói.
Clip: Quang cảnh đầm sen do nông dân xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng đến mùa thu hoạch…
Trao đổi cùng phóng viên Dân Việt anh Ngô Văn Song, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hữu Bằng cho biết, ngoài việc trồng sen để lấy củ, lấy lá, lấy hoa, lấy hạt làm nguyên liệu chế biến thực phẩm, dược phẩm ra thì trồng sen còn có thể kết hợp để làm du lịch sinh thái. Nếu biết khai thác triệt để những tác dụng của cây sen và được quy hoạch thành vùng nguyên liệu thì đây là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân địa phương.
“Hiện, xã Hữu Bằng đã nhân rộng được 30 ha với hơn 20 hộ trồng sen. Sen thu hoạch đến đâu bán hết tới đó, người trồng sen cũng không phải quá lo lắng về đầu ra. Địa phương đang làm hồ sơ để tham gia chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)“, anh Song chia sẻ thêm.
Thu Thủy