Tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân cấy lúa nhằm hồi sinh những mảnh ruộng bị bỏ hoang được Hội Nông dân xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng triển khai rất hiệu quả trong thời gian 2 năm qua.
Lan toả phong trào “đánh thức ruộng hoang”
Liên Am vốn là một xã thuần nông với diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 466 ha. Nhân dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề gieo cấy lúa và chăn nuôi.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ phát triển công nghiệp diễn ra với tốc độ nhanh, thu hút nhiều lao động trẻ ở vùng nông thôn đi làm ăn xa và làm công nhân trong khu công nghiệp. Làm việc tại khu công nghiệp người lao động có thu nhập cao hơn làm ruộng, lại không lo thất thu do thiên tai hay được mùa, mất giá.
Nguồn lao động trẻ ly hương đi xa lập nghiệp xa là rất phổ biến nên tình trạng đồng ruộng bị bỏ ruộng hoang có chiều hướng gia tăng. Diện tích bỏ hoang trong toàn xã vụ mùa năm 2019 lên đến hơn 20 ha.
Trước thực trạng nêu trên, năm 2019, Hội Nông dân xã Liên Am đã thí điểm phong trào “đánh thức ruộng hoang” tại 1 thôn với diện tích 1 mẫu. Công việc tại phần diện tích bỏ hoang trên địa bàn thôn thí điểm do 1 chi Hội đảm nhận. Năm tiếp theo, phong trào lan toả ra 2 thôn và hiện tại phong trào được phát động trong toàn dân.
Bà Nguyễn Thị Hảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng cho biết: Ban đầu, việc vận động hội viên tham gia gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều thửa ruộng bỏ hoang lâu năm, đất được đào lên phục vụ đóng gạch, cỏ mọc um tùm, dẫn đến việc cải tạo lại mất rất nhiều công và chi phí. Việc cải tạo đất, gieo cấy, thu hoạch đều do Ban Chấp hành Hội đảm nhận là chính.
Để có thể cấy lúa lại được trên những mảnh ruộng bỏ hoang, Hội viên tham gia mô hình bố trí thuê người cắt, dọn cỏ, xới, lồng đất lên nhiều lần, sau đó rắc chế phẩm để tạo thành phân xanh.
Phần diện tích bỏ hoang được cải tạo chủ yếu cấy lúa nếp. Vụ đầu cải tạo 1 mẫu đất bỏ hoang cho thu hoạch 1,8 tấn.
Ban Chấp hành Hội Nông dân xã đã trực tiếp tổ chức cải tạo và cấy diện tích không canh tác. Năm 2019, diện tích bỏ hoang vụ mùa là 20 ha nay giảm xuống còn 5 ha.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, SN1969, hội viên nông dân, trú tại xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng cho biết: Ông tham gia vào phong trào phủ kín ruộng hoang từ khi Hội Nông dân xã Liên Am phát động phong trào từ năm 2019 tới nay. Phong trào được phát động, mọi người dân tham gia đều hứng khởi và sắp xếp hài hòa công việc của gia đình với công việc tại ruộng bỏ hoang được tái sinh. Mô hình này thực sự có ý nghĩa vì số tiền thu được sau mỗi vụ lúa được dùng vào các hoạt động công tác Hội, tặng quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp cho các hộ hội viên góp phần mở rộng quy mô thực hiện mô hình.
Đồng thuận, đoàn kết giữa các hội viên tạo nên thành công
Mô hình đánh thức ruộng hoang của Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Liên Am đã lan tỏa nhanh chóng và rộng khắp. Đây là mô hình được sự đánh giá cao bởi đã góp phần giải quyết được bài toán khó về tình trạng bỏ ruộng do thiếu hụt lao động ở nông thôn. Phần lớn tham gia mô hình nêu trên là những hội viên lớn tuổi nhưng rất nhiệt tình vào phong trào chung của địa phương, không ngại khó khổ.
Bà Nguyễn Thị Hảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Am khẳng định: Cái được lớn nhất trong phong trào trong những năm qua, giá trị không thể đo đếm được là sự đồng thuận, đoàn kết của cán bộ hội, hội viên, nông dân; lòng tin của hội viên nông dân đối với tổ chức Hội được củng cố và tăng cường; nông dân trong toàn xã đã khẳng định được vị thế và vai trò chủ thể của mình trong sản xuất nông nghiệp.
Trong thời gian tới Hội Nông dân xã Liên Am tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá các hình thức tập huấn, tuyên truyền tới cán bộ, hội viên nông dân tiếp tục phối hợp mở rộng mô hình cấy diện tích bỏ hoang tới các Chi Hội; thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (Hội Nông dân xã Liên Am đăng ký sản phẩm bánh trôi nước) làm từ chính những hạt gạo cấy trên diện tích bỏ hoang…
Từ những việc làm cụ thể nêu trên đã giúp địa phương giảm diện tích đất bỏ hoang, vừa khai thác tối đa thế mạnh, nguồn lực từ đất, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương.
Trần Phượng