Từ năm 2013 đến nay, Hải Phòng luôn được Bộ Nội vụ đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về Cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Việc triển khai Hệ thống phần mềm Một cửa điện tử liên thông và Dịch vụ công trực tuyến (gọi tắt là hệ thống) cho các Sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn cũng sẽ là một điểm sáng mang tính đột phá trong công tác cải cách hành chính (CCHC) tại Hải Phòng …
Hệ thống phần mềm Một cửa điện tử liên thông và Dịch vụ công trực tuyến sẵn sàng vận hành tại các cơ quan hành chính
Sáng tạo trong cách làm
Trao đổi với phóng viên ANHP, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) thành phố, ông Vũ Đại Thắng cho biết: Thực hiện Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 9-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017, UBND thành phố đã giao Sở TTTT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai, thực hiện. Từ khảo sát thực tế cho thấy, việc triển khai ngay hệ thống trên toàn thành phố đến cấp xã cần bố trí một lượng kinh phí lớn, khoảng 70 tỷ, và thực hiện trong nhiều năm. Việc huy động lượng kinh phí lớn như vậy và phải triển khai ngay trong 6 tháng cuối năm 2017 là rất khó khả thi trong điều kiện hiện tại. Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở TTTT đã sớm đề xuất UBND thành phố xem xét, đồng ý với phương án áp dụng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) để vận hành hệ thống.
Như vậy, Hải Phòng hiện đang là một trong số ít những địa phương đã sớm áp dụng hình thức thuê dịch vụ CNTT đối với các hệ thống thông tin trọng yếu của thành phố và là bước đột phá trong công tác triển khai ứng dụng CNTT trong những năm qua.
Phân tích về tính hiệu quả của việc áp dụng hình thức thuê dịch vụ CNTT, ông Vũ Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đánh giá: Khi áp dụng thuê dịch vụ CNTT sẽ mang lại 4 lợi ích to lớn. Về thời gian, với mức đầu tư về CNTT như hiện nay, mỗi năm chỉ triển khai cho một số đơn vị. Như vậy để để triển khai được hệ thống đồng bộ cho 35 quận, huyện, sở ngành, 223 xã phường, thị trấn trên toàn địa bàn thành phố sẽ cần khoảng thời gian rất nhiều năm mới hoàn thành. Áp dụng hình thức thuê dịch vụ CNTT với hệ thống này, thời gian triển khai đã đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong khoảng 6 tháng.
Đặc biệtvề kinh phí đầu tư, việc thuê dịch vụ sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư hạ tầng và nhiều loại chi phí khác với giá trị chỉ chiếm trên 20% so với hình thức lập dự án để đầu tư một lần.
Bên cạnh đó còn không làm phát sinh nhu cầu bố trí biên chế, nhân lực phục vụ vận hành thường xuyên hệ thống, cũng như yêu cầu nâng cấp, bảo trì, đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống. Đơn vị cung cấp dịch thuê hệ thống chịu trách nhiệm thường xuyên nâng cấp, bảo trì hệ thống, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định thông suốt trong quá trình sử dụng.
Được biết, với sự nỗ lực, cố gắng lớn của Sở TTTT, đến hết tháng 12-2017, hệ thống đã được xây dựng, sẵn sàng triển khai tới 18/20 sở, ban, ngành thành phố, 13/15 quận, huyện và 212/223 xã, phường, thị trấn (trừ huyện Bạch Long Vỹ, quận Hồng Bàng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng UBND thành phố) và 212/223 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.
Hiệu quả mang lại
Khi hệ thống đi vào khai thác, công dân, doanh nghiệp có thể đăng kí tài khoản, đăng nhập vào hệ thống, gửi nhận hồ sơ, giao tiếp với chính quyền 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet.
Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Như vậy, công dân, tổ chức chỉ phải đến duy nhất 1 lần để thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại bộ phận “một cửa” của cơ quan, đơn vị. Cán bộ, công chức xử lý hồ sơ có thể sử dụng chức năng nhắn tin SMS hoặc email để thông báo đến người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ về tình trạng xử lý hồ sơ của mình đang ở bộ phận, phòng ban nào dễ dàng, nhanh chóng.
Như vậy hệ thống góp phần nâng cao trình độ quản lý trong các quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính.
Hệ thống công khai tình trạng xử lý hồ sơ, công dân, tổ chức sẽ nắm bắt được trạng thái xử lý hồ sơ qua nhiều kênh, nhiều thiết bị như website, tin nhắn, điện thoại, máy tính bảng, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 4 qua cổng thanh toán điện tử…
Ông Vũ Đại Thắng cũng cho biết thêm: Trước khi đưa vào khái thác, trong những ngày đầu tháng 1, Sở TTTT đã phối hợp với đơn vị nhà thầu tổ chức 2 lớp tập huấn ban đầu (đợt 1) cho khối các sở, ban, ngành thành phố và khối các quận, huyện với nội dung hướng dẫn, tập huấn việc quản trị và khai thác, vận hành hệ thống phần mềm cho các đối tượng là lãnh đạo Văn phòng và cán bộ chuyên trách CNTT của các đơn vị. Đồng thời, để hệ thống vận hành mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính., trong thời gian tới các cơ quan Nhà nước thành phố cần tiếp tục đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, bồi dưỡng nhân lực, nâng cao kỹ năng vận hành cho cán bộ, công chức trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp về lợi ích do hệ thống mang lại cũng như cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Có thể thấy, việc triển khai hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến là kết quả quan trọng để tiến tới xây dựng thành công chính quyền điện tử thành phố như mục tiêu Nghị quyết 10-NQ/BTVTU của Ban Thường vụ Thành ủy đề ra; Thực hiện mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần quan trọng trong công tác Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thành phố…
(Xuân Hạ – An ninh Hải Phòng 02/04/2018)