Print Chủ Nhật, 13/10/2024 12:35 Gốc

Gần đây, một số địa phương tại Hải Phòng liên tiếp xảy ra các vụ sử dụng bẫy điện diệt chuột gây chết người.

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Hải Phòng liên tục xảy ra một số vụ sử dụng bẫy điện để diệt chuột gây chết người. Riêng địa bàn quận Dương Kinh, trong tháng 9/2024, đã xảy ra 2 vụ sử dụng bẫy điện để diệt chuột khiến 2 người tử vong.

Cụ thể, vào đêm 1/9, tại khu vực cánh đồng thuộc phường Hưng Đạo, anh T.L.T, quê ở tỉnh Hà Giang đi soi cá bị vướng vào dây điện 220V do Vũ Văn Nhâm, trú tại phường Hưng Đạo giăng để bẫy chuột. Hậu quả, anh T. tử vong. Hiện, Công an quận Dương Kinh tạm giam Nhâm để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Một số địa phương trên địa bàn TP. Hải Phòng liên tiếp xảy ra vụ việc sử dụng điện bẫy chuột bảo vệ lúa, hoa màu gây chết người cần được ngăn chặn, xử lý nghiệm. Ảnh Thu Anh.

Chỉ 2 ngày sau, tại nhà ông Phạm Văn Thẹn, ở phường Hòa Nghĩa, anh Võ Trí Phương (cùng trú tại địa chỉ trên) nhờ ông Thẹn cắm điện bẫy chuột đặt tại cánh đồng trên địa bàn phường mà không biết một người phụ nữ cùng trú tại địa chỉ trên đang đấu dây điện vào bẫy chuột của anh Phương. Hậu quả, người phụ nữ này tử vong. Hiện, Công an quận Dương Kinh tạm giam anh Phương và ông Thẹn để điều tra, làm rõ hành vi giết người.

Trước đó, ngày 26/3, ông V.V.T, sinh năm 1943, ở huyện An Lão cũng sử dụng dây kim loại trần nối vào nguồn điện 220V, giăng vòng quanh thửa ruộng ở cạnh nhà để bẫy chuột. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, khi ông T đi một mình ra ruộng, không may bị vấp phải dây điện do mình giăng ra nên đã bị điện giật tử vong.

Ông Nguyễn Đức Dũng, người dân phường Hưng Đạo (quận Dương Kinh) cho biết, do chuột sinh sản nhanh, phá hoại mùa màng, hoa màu, nên một số người dân đã bất chấp nguy hiểm, sử dụng dây thép giăng chung quanh ruộng lúa, vườn hoa màu… sau đó nối trực tiếp vào nguồn điện lưới 220V hoặc sử dụng bình ắc quy 12V, sử dụng bộ kích lên 220V để diệt chuột…

Việc bảo vệ lúa, hoa màu là việc làm chính đáng của người dân, tuy nhiên việc sử dụng điện để bẫy chuột là điều tuyệt cấm. Ảnh: Thu Anh.

Theo Công an quận Dương Kinh, mặc dù chính quyền địa phương và lực lượng Công an thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nghiêm cấm hành vi giăng điện để bẫy chuột, bảo vệ mùa màng. Tuy nhiên, còn một số người dân chưa chấp hành quy định trên, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, khi xảy ra sự cố, làm chết người.

Về mức độ xử lý, Công an quận Dương Kinh cho biết, người giăng bẫy điện tùy vào từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc vô ý làm chết người. Cụ thể, theo Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 18, Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quy định phạt tiền từ 60 triệu đến 70 triệu đồng đối với hành vi sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trái quy định của pháp luật. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Nếu để xảy ra tai nạn nghiêm trọng, người có hành vi sử dụng điện để bẫy, bắt động vật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tội danh phụ thuộc vào ý thức, động cơ của người phạm tội cũng như mức độ hậu quả gây ra…

Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Dương Kinh, Nguyễn Thị Ngọc thông tin: Mặc dù chính quyền quận đã có công văn khẩn gửi các địa phương nghiêm cấm việc dùng điện để bẫy chuột, ngăn chặn hành vi nguy hiểm này. Tuy nhiên, tại một số địa phương người dân vẫn vô tư bẫy chuột bằng điện. Điều đáng nói, không chỉ do nhận thức và trình độ hiểu biết pháp luật kém, một số người dân vẫn bất chấp dùng điện đánh chuột còn với tâm lý diệt được chuột tận gốc, nhàn và hiệu quả cao, song đã gây ra những hệ lụy đau lòng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc cho biết: Việc bảo vệ tài sản ruộng lúa, hoa màu của người dân tránh bị chuột phá hoại là việc làm chính đáng. Thế nhưng, việc sử dụng điện để bẫy chuột là điều tuyệt cấm. Để tránh tình trạng người dân không vướng vào vòng lao lý, chính quyền các địa phương cần nghiên cứu xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ, nhóm của thôn xóm để thực hiện bắt chuột an toàn, diệt chuột bằng biện pháp hóa học, sinh học kết hợp với thủ công, không cần dùng tới phương thức bẫy chuột bằng việc giăng dây điện trần, có như vậy mới góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, vì sự an toàn cho mỗi người, mỗi nhà và toàn xã hội.

Để kịp thời ngăn chặn hậu quả do bẫy chuột bằng điện gây ra, UBND TP. Hải Phòng có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng điện dưới mọi hình thức để bẫy, bắt, diệt chuột trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu UBND các quận, huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn và các cơ quan chức năng trên địa bàn xây dựng kế hoạch, thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn triệt để các trường hợp sử dụng điện để bẫy, bắt, diệt chuột.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân các biện pháp diệt chuột an toàn bằng biện pháp thủ công, biện pháp sử dụng thuốc để diệt chuột… khuyến khích người dân phát hiện và báo cáo các cơ quan chức năng đối với những hộ dùng điện bẫy, bắt, diệt chuột bằng điện nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để phòng ngừa hậu quả xấu xảy ra.

Thu Anh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hải Phòng: Liên tiếp xảy ra chết người do sử dụng bẫy điện diệt chuột
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác