Sở NN-PTNT Hải Phòng vừa có văn bản gửi các địa phương yêu cầu chủ động phòng, chống bệnh dại ở động vật, giảm thiểu tình trạng chó thả rông cắn người.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, hiện tại trên địa bàn thành phố, đàn chó đang ở mức trên 100.000 con. Đặc thù của miền Bắc là khí hậu nóng ẩm nên mầm bệnh dễ sinh sôi ở chó, mèo,… trong đó có bệnh dại.
Thời gian qua, việc phòng, chống bệnh dại được truyên truyền trên các phương tiện truyền thông của địa phương, tại các trường học. Tuy vậy, tại khu vực nội thành, chó mèo nuôi chủ yếu làm thú cưng, nhiều chủ nuôi thú cưng chủ quan khi cho rằng thú cưng được nuôi từ nhỏ nên không nguy hiểm, không cần tiêm phòng, thậm chí còn ngủ chung với chó mèo. Do đó, nguy cơ bị thú cưng bị mắc bệnh dại cao và người nuôi có thể bị tấn công bất cứ lúc nào.
Trên thực tế, số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), Sở Y tế Hải Phòng, riêng năm 2023 đã có 3.721 người bị chó cắn đi tiêm vacxin phòng dại, những trường hợp này tăng những năm gần đây.
Để tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh dại ở động vật và giảm thiểu tình trạng chó thả rông cắn người, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã có văn bản đề nghị cá địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch về phòng, chống bệnh này trên địa bàn.
Theo đó, Sở NN-PTNT Hải Phòng yêu cầu các địa phương bố trí nguồn lực, kinh phí tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh dại và xây dựng vùng an toàn bệnh tại địa phương.
Ngoài việc khẩn trương tổ chức chỉ đạo triển khai công tác tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo cần thống kê, rà soát chính xác các hộ nuôi và lập sổ theo dõi, yêu cầu người dân nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc xích, nhốt và tiêm phòng dại theo quy định.
Các xã, phường thành lập đội bắt chó thả rông, tăng cường tổ chức tuần tra, bắt giữ và xử lý triệt để. Trong trường hợp để chó cắn người gây thương tích, tử vong phải xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Sở NN-PTNT Hải Phòng cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với cá địa phương tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn, đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn.
Mặt khác, cần thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho chó mèo nuôi mới, chưa được tiêm phòng trong đợt tiêm chính, hết thời gian miễn dịch bảo hộ và kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại theo quy định.
Đinh Mười