Nhiều vấn đề đặt ra
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019, Hải Phòng có 2.800 gói thầu, trị giá 3.776 tỷ đồng; năm 2020 có 2.683 gói trị giá 5.844 tỷ đồng; năm 2021 có hơn 8.000 gói, giá trị 6.150 tỷ đồng.
Như vậy, số lượng gói thầu của Hải Phòng tăng nhanh qua các năm, đồng nghĩa với nguồn vốn đầu tư công tăng theo và công tác kiểm soát, giám sát công tác đấu thầu cũng càng phải chặt chẽ hơn để không thất thoát ngân sách Nhà nước.
Năm 2019, 2020, số lượng gói thầu của Hải Phòng chiếm khoảng 10% số các gói thầu của cả nước. Năm 2021 có số lượng nhiều hơn, chiếm khoảng 26% cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu của thành phố so với bình quân chung cả nước còn thấp, năm 2021 cao nhất trong 3 năm nhưng cũng chỉ đạt tỷ lệ tiết kiệm 3,49%; năm 2020 thấp nhất đạt 1,69%. Đây được coi là một trong những hạn chế trong công tác đấu thầu của Hải Phòng.
Mặt khác, tỷ lệ đấu thầu qua mạng của Hải Phòng còn rất thấp. Số gói thầu đấu qua mạng chỉ đạt 111/2800 gói năm 2019; 261/2683 gói năm 2020 và 376/8049 gói năm 2021; đạt tỷ lệ chỉ từ 3,9-hơn 10% trong khi cả nước là 13,9-32,5%. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020, Hải Phòng xếp thứ 14/20 đơn vị có tổng giá gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng thấp nhất cả nước.
Theo kết quả đánh giá của VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2021, Hải Phòng có 2 chỉ tiêu: Chỉ tiêu minh bạch trong đấu thầu có 77% doanh nghiệp đồng ý, xếp hạng 42/63; có 45% doanh nghiệp cho rằng chi trả hoa hồng là cần thiết để có cơ hội thắng thầu, xếp thứ 48/63.
Như vậy, vấn đề đặt ra trong công tác đấu thầu của Hải Phòng là số lượng gói thầu lớn nhưng số gói đấu qua mạng rất ít; thứ hạng về tính minh bạch, công khai và sòng phẳng trong đấu thầu rất thấp; các yêu cầu về tiết kiệm thông qua đấu thầu chưa đạt được. Điều đó có nghĩa là vẫn có những khe hở cho đấu thầu trực tiếp; cũng không loại trừ có sự can thiệp vào công tác đấu thầu. Bởi vậy, các đồng chí lãnh đạo thành phố cho rằng, cần có ngay các biện pháp kiên quyết và cứng rắn để ngăn chặn những sai phạm trong công tác đấu thầu, bảo đảm sự công khai, minh bạch.
Tăng cường đấu thầu qua mạng
Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để khắc phục những hạn chế nêu trên, cần tăng cường đấu thầu qua mạng. Tuy nhiên, công việc này hiện cũng đang gặp phải một số khó khăn như phạm vi đấu thầu qua mạng chỉ áp dụng đối với gói thầu thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá trị không quá 5 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp không quá 10 tỷ đồng trong năm 2020.
Hơn nữa, các chủ đầu tư chưa chủ động trong việc đề xuất hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng đối với các gói thầu có hạn mức yêu cầu cao hơn quy định. Việc kiểm soát dự toán của các gói thầu còn phụ thuộc nhiều vào kết quả thẩm tra của tư vấn, chưa chú trọng vào các giải pháp lựa chọn các biện pháp thi công phù hợp để giảm chi phí đầu tư…
Trước tình hình đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 4 giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đấu thầu gồm: nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị và địa phương trong công tác đấu thầu; tăng cường công khai, minh bạch thông tin trong đấu thầu; thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng…
Theo đó, thành phố sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư nâng cao chất lượng hồ sơ mời thầu, không đưa ra các tiêu chí nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; chủ động đề xuất hình thức lựa chọn nhà thầu qua mạng nhằm tăng tính cạnh tranh, minh bạch trong công tác đấu thầu.
Về đấu thầu qua mạng, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất năm 2022 tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 70% các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh; năm 2023 nâng lên là 80%; năm 2024 là 90% và năm 2025 là 100%.
Để làm được như vậy, người đứng đầu các sở ngành, các BQL dự án, các địa phương và chủ đầu tư căn cứ lộ trình đấu thầu qua mạng để nghiêm túc triển khai. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất với UBND thành phố giao cho Sở chủ trì, rà soát tỷ lệ tiết kiệm đấu thầu của các chủ đầu tư, đề xuất cơ chế khen thưởng cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng, đồng thời có chế tài phù hợp với những cơ quan, đơn vị không thực hiện theo quy định. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, chuẩn hóa đội ngũ làm công tác đấu thầu theo hướng chuyên sâu và chuyên nghiệp hóa hơn nữa.
Ngoài ra, cũng cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát đấu thầu. Theo đó, các chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan tới quá trình lựa chọn nhà thầu các gói thầu thuộc dự án cho cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm giám sát đối với gói thầu thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án do UBND thành phố phê duyệt; Phòng Tài chính Kế hoạch giám sát các gói thầu đối với dự án do UBND cấp huyện, xã phê duyệt.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố, trong giai đoạn này, thành phố sẽ tập trung nhiều hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu; kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm và yêu cầu các chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu có đủ kinh nghiệm, năng lực, uy tín thực hiện các dự án.
Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu lãnh đạo các ngành, các cấp không can thiệp vào công tác đấu thầu, bảo đảm sự công khai, minh bạch. Thành phố sẽ thanh tra, kiểm tra đối với việc đấu thầu và lựa chọn nhà thầu thi công. Với các động thái này, công tác đấu thầu của Hải Phòng sẽ đi vào nền nếp, tuân thủ quy định của pháp luật, góp phần vào sự phát triển của thành phố./.
Hồng Thanh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 101/QĐ-TTg chủ trương đầu…
Chiều 14/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Chiều 14/1, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị đánh giá kết…
Chiều 14/1, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết…
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, ngày 14/11, đồng chí Đỗ Mạnh…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 chủ trương…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More