Ngày 21.6, UBND TP.Hải Phòng cho biết toàn bộ 159 công trình vi phạm hành chính tại khu đất 9,2 ha trên địa bàn P.Thành Tô (Q.Hải An) đã được tháo dỡ.
Đây chính là khu đất nằm trong tổng diện tích 14,2 ha có nguồn gốc là đất quốc phòng do Quân chủng Phòng không – Không quân quản lý, sử dụng.
Táo tợn uy hiếp chính quyền
Tháng 8.2014, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có quyết định giao Tổng công ty 319 (thuộc Bộ Quốc phòng) quản lý, sử dụng khu đất trên. Khi Tổng công ty 319 tiếp nhận mặt bằng, quản lý, sử dụng khu đất được giao, tại khu đất 9,2 ha (trong khu đất 14,2 ha) có một số đối tượng đã tổ chức san lấp, lấn chiếm đất trái phép, xây dựng nhà ở, công trình trái phép để lừa bán cho nhiều người. Các đối tượng côn đồ chiếm đất còn đe dọa, uy hiếp cán bộ Tổng công ty 319 và chính quyền địa phương.
Trước tình hình vi phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Quốc phòng đã bàn giao diện tích khu đất quốc phòng 14,2 ha cho UBND TP.Hải Phòng quản lý, sử dụng. UBND TP.Hải Phòng sau đó đã giao khu đất 14,2 ha trên cho UBND Q.Hải An quản lý. Ngay sau đó, UBND Q.Hải An đã tổ chức tiếp nhận, bàn giao, xử lý các công trình vi phạm trên khu đất quốc phòng. Kết quả kiểm tra cho thấy, tại khu đất 9,2 ha này đã thiết lập hồ sơ đối với 159 trường hợp vi phạm có hành vi chiếm đất.
Từ khi tiếp nhận, Q.Hải An tổ chức tuyên truyền nhiều đợt, vận động các chủ công trình xây dựng trái phép, chiếm dụng đất hoàn trả mặt bằng khu đất. Song các hộ vẫn không chấp hành, không tự tháo dỡ, di chuyển công trình vi phạm.
Đến tháng 7.2020, HĐND TP.Hải Phòng quyết định toàn bộ khu 9,2 ha được lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 nhằm phục vụ việc di dân từ các dự án phải thu hồi đất của TP. Để lập lại trật tự và đảm bảo tiến độ dự án tái định cư trên, UBND Q.Hải An nhiều lần thông báo, yêu cầu các trường hợp có công trình xây dựng trái phép trên khu đất 9,2 ha di chuyển toàn bộ tài sản, vật kiến trúc ra khỏi khu đất, phục hồi nguyên trạng ban đầu.
Tuy nhiên, không một ai chấp hành. Thậm chí, trong quá trình thực hiện các biện pháp cắt điện nước tại khu đất, nhân viên thi hành công vụ đã bị Nguyễn Thế Cường (56 tuổi, cư trú trong khu đất 9,2 ha) và 2 người khác hành hung. Sau đó, Cường bỏ trốn. Ngày 18.11.2020, Công an Q.Hải An đã ra quyết định truy nã toàn quốc đối với bị can Nguyễn Thế Cường về tội “cố ý gây thương tích”.
Do vậy, UBND Q.Hải An đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 159 công trình tại khu đất 9,2 ha vào ngày 21.6.
Hơn 1.000 người tham gia cuộc cưỡng chế
Trong quá trình cưỡng chế, lực lượng chức năng phát hiện có một số đối tượng xấu lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân để lôi kéo, kích động, xúi giục người dân có thái độ chống đối cuộc cưỡng chế.
Đối tượng cầm đầu là Trần Thái Bảo (tức Bảo “đông”, 51 tuổi, đang sinh sống cùng vợ ở khu 9,2 ha) đã bị bắt ngày 19.6. Theo công an, Bảo “đông” là đối tượng hình sự “cộm cán” với 3 tiền án về tội giết người, cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng. Từ năm 2019, sau khi nhà của Bảo ở số 2/250 Lạch Tray (TP.Hải Phòng) bị giải tỏa, người này cùng vợ ngang nhiên đến khu vực 9,2 ha đất quốc phòng ở P.Thành Tô (Q.Hải An) chiếm nhiều lô đất, xây dựng nhà trái phép. Gần đây, khi UBND Q.Hải An có chủ trương thu hồi khu đất 9,2 ha, Bảo thường xuyên tụ tập các đối tượng hình sự, hướng dẫn người dân lấn chiếm đất ở khu vực này viết đơn thư khiếu kiện. Bảo cũng là người chỉ đạo viết bài sai sự thật đăng lên mạng xã hội hòng đánh lạc hướng dư luận trong việc thu hồi khu đất 9,2 ha. Đáng chú ý, Bảo còn gọi điện thoại chửi bới, nhắn tin đe dọa lãnh đạo UBND Q.Hải An nhằm gây áp lực, chống đối, cản trở việc thi hành thu hồi đất.
UBND TP.Hải Phòng xác định việc cưỡng chế 159 công trình tại khu đất 9,2 ha là vụ cưỡng chế lớn nhất từ trước tới nay tại địa phương này. Do tính chất phức tạp, chính quyền địa phương phải lập hàng rào bằng tôn quây kín khu đất, lắp 32 camera giám sát người ra vào khu đất. Lãnh đạo UBND Q.Hải An cho biết trước ngày cưỡng chế, đơn vị tổ chức nhiều tổ công tác đến từng nhà trong khu 9,2 ha để vận động tự tháo dỡ công trình. Chiều 20.6, 60 công trình được tự nguyện tháo dỡ.
Sáng 21.6, hơn 1.000 người của Công an TP.Hải Phòng, UBND Q.Hải An cùng nhiều máy móc, trang thiết bị được huy động để thực hiện cuộc cưỡng chế. Nhiều vòng bảo vệ được thiết lập. Lực lượng chức năng chỉ cho phép những người làm nhiệm vụ (đã đăng ký trước) được tiếp cận hiện trường. Những người còn cố thủ trong các công trình được vận động đưa đi nơi khác một cách an toàn.
Đến hết ngày 21.6, ông Nguyễn Công Hân, Chủ tịch UBND Q.Hải An, cho biết toàn bộ 159 công trình vi phạm trên khu 9,2 ha đã được phá dỡ.
Chiều 21.6 đã xuất hiện 1 trường hợp không ở trong khu đất này, nhưng xô rào chắn, chửi bới, lăng mạ lực lượng chức năng. Xác định đây là đối tượng gây rối công tác cưỡng chế, Q.Hải An chỉ đạo lực lượng công an bắt giữ các trường hợp này và tiến hành điều tra bổ sung.
Lê Tân