Hải Phòng đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng GDP bình quân tối thiểu đạt 14,5%/năm, đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 11.800 USD, thu ngân sách đạt 145.000 tỷ đồng, đưa kinh tế Hải Phòng chiếm 6,4% GDP toàn quốc và chiếm 23,7% GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3,5%…
Những mục tiêu lớn
Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản trở thành đô thị loại 1, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là trọng điểm kinh tế biển cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia; trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ biển, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc; đưa Cát Bà, Đồ Sơn cùng Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Đến năm 2025, Hải Phòng hoàn thiện việc di chuyển trung tâm hành chính thành phố sang phía Bắc sông Cấm, xây dựng chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu quả.
Để đạt được mục tiêu này, Hải Phòng xác định từ nay đến năm 2025, tập trung nhiệm vụ trọng tâm thực hiện các giải pháp đột phá để thực hiện ba mục tiêu: Hiện đại hoá đô thị; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng cảng biển-logistics, hạ tầng khu công nghiệp và phát triển hạ tầng du lịch.
Đối với mục tiêu hiện đại hoá đô thị, không gian đô thị được mở rộng ba hướng. Hướng Bắc phát triển trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên với khu đô thị mới Bắc sông Cấm, các hạng mục xây dựng Trung tâm hành chính, chính trị thành phố, khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên. Hướng Đông với việc xây dựng các khu đô thị phục vụ du lịch đảo Cát Bà, khu nhà ở công nhân Đình Vũ (quận Hải An), Cát Hải (huyện đảo Cát Hải) và khu hậu cần phục vụ tuyến cáp treo Cát Hải-Cát Bà. Đô thị Hải Phòng được mở rộng theo hướng Đông Nam với trọng tâm hoàn thiện xây dựng khu du lịch Đồi Rồng, đầu tư các dự án du lịch tại Đồ Sơn (quận Đồ Sơn). Ngoài ra, Hải Phòng cũng thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, cấu trúc lại không gian đô thị ven sông Cấm, sông Lạch Tray, xây dựng thay thế toàn bộ chung cư cũ bằng chung cư mới, lập đề án chuyển huyện Thuỷ Nguyên thành thành phố, nâng cấp huyện An Dương thành quận; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng đô thị hoá cho toàn bộ các xã còn lại của Hải Phòng.
Kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng cảng biển-logistics, hạ tầng khu công nghiệp được xác định có các công trình trọng điểm như thành lập thêm 15 khu công nghiệp với diện tích hơn 6.400 ha, đầu tư xây dựng từ 1-3 khu dịch vụ logistics cấp quốc gia; khởi công xây dựng các bến cảng 3,4,5,6 Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, mở rộng nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; xây dựng cầu Nguyễn Trãi (cầu thứ 3 trên sông Cấm kết nối nội thành với Khu đô thị mới Bắc sông Cấm); cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân (huyện Thuỷ Nguyên) kết nối với tỉnh Quảng Ninh, xây dựng các đoạn tuyến đường vành đai 2, vành đai 3.
Hải Phòng tập trung đầu tư hạ tầng du lịch tại huyện Cát Hải, quận Đồ Sơn với các hạng mục chính như hoàn thiện tuyến cáp treo Phù Long-Cát Bà; khu cảng và đô thị Phù Long, sân golf Xuân Đám, khu bến tàu Cái Bèo, bãi tắm và khu phức hợp vịnh ở trung tâm thị trấn trên đảo Cát Bà. Mở rộng khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, khu du lịch đảo Dấu, khu di tích bến tàu không số K15 trên địa bàn quận Đồ Sơn.
Nỗ lực của tất cả các ngành chức năng
Bên cạnh đó, Hải Phòng chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh huy động và sử dụng hiểu quả nguồn lực xã hội, đa dạng hoá hình thức đầu tư xây dựng cơ cấu hạ tầng, nhất là hình thức đối tác công-tư (PPP) phát triển dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics. Chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, đưa kinh tế tư nhân tạo đột phá trong các ngành kinh tế, phấn đấu đến 2025, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 56%, khu vực kinh tế FDI đóng góp 35% GRDP của Hải Phòng.
Hải Phòng đặt mục tiêu đến 2025, thu ngân sách năm trên địa bàn đạt 145.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa hơn 65.000 tỷ đồng. Để nguồn thu ổn định cần tạo lập nguồn thu mới, nhất là nguồn thu lớn có tính bền vững cũng như khai thác có hiệu quả nguồn thu từ tài nguyên, khoáng sản. Nâng tỷ trọng chi đầu tư lên 60% trong chi ngân sách hàng năm. Ưu tiên chi cho các dự án, công trình trọng điểm nhất là các dự án phát triển cảng biển, hàng không, hạ tầng kết nối cả đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa đáp ứng yêu cầu tăng nhanh lượng hàng hoá qua cảng.
Hải Phòng cũng đặt mục tiêu cơ cấu lại nền công nghiệp theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp ô tô, máy móc, phương tiện, thiết bị phục vụ ngành kinh tế biển; điện tử-điện lạnh công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Để định hướng thu hút đầu tư, Hải Phòng có kế hoạch thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư và đầu tư có điều kiện. Ưu tiên phát triển các khu, cụm công nghiệp có thuận lợi về kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối với các khu, cụm công nghiệp khác…
Đặc biệt, thành phố triển khai mạnh mẽ hơn nữa nhiều chương trình, kế hoạch, định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ thành phố, đặc biệt nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, với những định hướng lớn đã được đề ra, thành phố mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành. Đặc biệt, cùng với sự chỉ đạo của Thành ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố, sự điều hành linh hoạt và quyết liệt của Ủy ban Nhân dân thành phố, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm, nỗ lực cao của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân thành phố Hải Phòng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022, tạo đà để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2020-2025, đưa Hải Phòng phát triển nhanh, đột phá, tiếp tục nâng cao đời sống Nhân dân, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của thành phố./.
Thực hiện: Hải Dương. Trình bày: Ngọc Anh