Nhiều tháng nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng, hàng trăm tàu đánh bắt cá phải nằm bờ, không được phép vươn khơi bởi không thể tuyển được các thuyền viên có đủ chứng chỉ chức danh theo quy định.
Tàu phải nằm bờ dài ngày đang ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều người dân, nhiều chủ tàu không còn khả năng tài chính để trả nợ ngân hàng.
Thường sau những ngày nghỉ Tết, ngư dân xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên), xã có số lượng tàu lớn đánh bắt cá nhiều nhất trên địa bàn thành phố Hải Phòng, sẽ vươn khơi.
Tuy nhiên, đến cảng cá Mắt Rồng xã Lập Lễ những ngày này có thể thấy hàng trăm tàu xếp san sát nhau chật kín bến. Nguyên nhân là do các chủ tàu không thể tuyển được thuyền viên có các chức danh theo quy định.
Cụ thể, theo Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/1/2022, quy định đối với tàu cá có chiều dài từ 12m đến 15m phải có Thuyền trưởng tàu cá hạng III, Máy trưởng tàu cá hạng III; nhóm tàu cá có chiều dài từ 15m đến 24m phải có Thuyền trưởng tàu cá hạng II, Máy trưởng tàu cá hạng II; nhóm tàu cá có chiều dài trên 24m phải có Thuyền trưởng tàu cá hạng I, Thuyền trưởng tàu cá hạng II, Máy trưởng tàu cá hạng I và Thợ máy tàu cá. Nếu không có đủ các thuyền viên có chứng chỉ trên tàu sẽ không được ra khơi.
Anh Đinh Như Cường, thuyền trưởng tàu cá HP-90731-TS chia sẻ: “Tàu của tôi dài 24,3m nên hiện tìm kiếm được đủ bốn chức danh hết sức khó khăn. Do không đủ điều kiện về chứng chỉ thuyền viên, tàu cá của gia đình đã phải nằm bờ nhiều tháng nay. Việc nằm bờ ảnh hưởng lớn đến kinh tế gia đình và làm mất khả năng chi trả tiền lãi và gốc cho ngân hàng. Nếu tình trạng này kéo dài, không có thu nhập để trả nợ ngân hàng, ngư dân không biết xoay xở ra sao”.
Cũng như hoàn cảnh anh Cường, anh Đinh Văn Thắng chủ tàu HP-90956-TS cho biết, tàu của anh dài 34,1m, được đóng theo Nghị định 67 với số tiền hơn 25 tỷ đồng, đến nay vẫn còn nợ ngân hàng. Ngoài bản thân anh có chứng chỉ Thuyền trưởng hạng I còn phải tuyển thêm ba chức danh nữa mới đủ quy định. Tuy nhiên, anh cho biết, hiện tại không thể tuyển được người. Nhiều lao động cũng bỏ đi làm tại các khu công nghiệp nên việc đào tạo, ký được hợp đồng với thuyền viên rất khó.
Theo ông Vũ Văn Cự, Trưởng Liên tập đoàn Cá biển xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, xã Lập Lễ đã có truyền thống đi biển hơn 100 năm nay. Toàn xã có hơn 450 tàu cá, trong đó có hơn 250 tàu cá dài trên 15m.
Trong nhiều năm qua, khu công nghiệp ngay cạnh xã có nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động đã thu hút rất nhiều lao động vào làm, trong đó có cả lao động đi biển.
Trước kia mỗi nhân công đi biển có thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng. Nhưng do đặc thù công việc vất vả, nguy hiểm nên nhiều người, nhất là lớp thanh niên đã chuyển sang đi làm tại các nhà máy, khu công nghiệp với thu nhập từ 9-12 triệu đồng/người/tháng.
Hiện để duy trì việc đánh bắt cá, nhiều chủ tàu phải vào tận Thanh Hóa, Nghệ An để tuyển thuyền viên. Tình trạng là thế, nay cộng thêm quy định về chứng chỉ càng khiến việc vươn khơi của ngư dân thêm khó khăn hơn.
Cũng theo ông Cự, mỗi tàu cá cỡ lớn trên 24m cũng chỉ có 6-8 thuyền viên. Thực tế là mỗi chủ tàu đều đã là Thuyền trưởng hạng I và chính bản thân họ hiểu rõ nhất về con tàu của họ. Các thuyền viên khác cũng chỉ là hỗ trợ vận hành cùng.
Từ nhiều đời qua, dù không có chứng chỉ gì thì các tàu cá vẫn vận hành theo mô hình đó. Nay việc quy định chức danh cũng là điều cần thiết, tuy nhiên, để tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, các quy định cần có lộ trình thực hiện căn cứ vào thực tế địa phương.
Về thực trạng trên, ông Lê Trung Kiên, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng cho hay: Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/1/2022 không có sự thay đổi nhiều, thậm chí là có hướng giảm bớt các văn bằng chứng chỉ so với năm 2018.
Các quy định này đã được được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo khối tàu dưới 12m chỉ cần hai thuyền viên, từ 12m đến 15m cần ba thuyền viên và trên 24m cần sáu thuyền viên.
Việc ngư dân phản ánh khó tuyển thuyền viên do thiếu chứng chỉ không phải là do việc thực hiện Thông tư làm “rầy rà” thêm mà do sự dịch chuyển của đội ngũ lao động trong thành phố đang làm nghề cá nặng nhọc sang tìm việc khác làm nhẹ nhàng hơn. Chính vì thế nhân lực lao động trong nghề cá bị suy giảm.
Các chủ tàu đang phải thuê lao động ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Thanh Hóa và lực lượng này thường không ổn định, do đó dẫn đến thiếu lao động đặc biệt là lao động có chứng chỉ theo quy định của Nhà nước.
Cũng theo ông Lê Trung Kiên, đơn vị đang tham mưu cho thành phố tăng cường, tạo điều kiện đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng; tích cực thông báo, hướng dẫn, đề nghị ngư dân tổ chức cho thuyền viên có nhu cầu tham gia học, thi để nhận chứng chỉ sớm phục vụ hoạt động sản xuất./.
Minh Thu-Hoàng Ngọc (TTXVN/Vietnam+)
Sáng 30/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Ngày 30.12, Công an huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) tổ chức lễ công bố các…
Sáng 30/12, các đồng chí lãnh đạo: Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng,…
Theo dự thảo Nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công…
Ngày 30/12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị…
Sáng 30/12, quận Lê Chân tổ chức Lễ khởi công xây dựng Dự án Đầu…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More