Hải Phòng đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng chỉ số Thương mại điện tử

Hải Phòng là một trong những thành phố phát triển về thương mại điện tử (TMĐT), luôn thuộc top 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước. Đặc biệt, trong năm 2017 với việc đạt 54,9 điểm, Hải Phòng vượt Đà Nẵng, vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng chỉ số TMĐT của các địa phương trong báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam – EBI 2018 vừa được Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) công bố. Phóng viên Báo Hải Phòng có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Trường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm TMĐT (Sở Công Thương Hải Phòng) về một số nội dung liên quan.


 Doanh nghiệp nên chú trọng thương mại điện tử để đón đầu xu hướng mua sắm trực tuyến. (ảnh minh họa)

– Ông có thể giải thích rõ hơn về Chỉ số  TMĐT?

 

–  Để đánh giá tình hình phát triển thương mại điện tử trên cả nước cũng như từng địa phương, Chỉ số TMĐT được VECOM xây dựng từ năm 2012 dựa trên 4 trụ cột là hạ tầng và nguồn nhân lực (NNL và HT), giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và dịch vụ công trực tuyến (B2G). Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến tên miền internet, thu nhập bình quân đầu người và số doanh nghiệp tại mỗi địa phương cũng góp phần xây dựng lên chỉ số thương mại điện tử.

 

Năm 2017, Chỉ số thương mại điện tử Hải Phòng tăng tới 12,7 điểm so với năm trước. Với kết quả này, Hải Phòng là địa phương có số điểm EBI tăng cao nhất trong cả nước.

 

Cụ thể, chỉ số thành phần NNLvà HT Hải Phòng là 41 điểm, tăng 18,9 điểm so với năm 2016 (22,1 điểm), cao hơn điểm trung bình chỉ số này 7,2 điểm (với 54 địa phương khảo sát xếp hạng) và đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng.  Chỉ số thành phần giao dịch B2C 67,2 điểm, tăng so với năm trước  5,6 điểm (năm 2016 là 61,6 điểm), bỏ xa mức điểm trung bình chỉ số giao dịch B2C trên cả nước là 24,8 điểm (chỉ số trung bình cả nước là 42,4 điểm), đứng vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng.

 

Về chỉ số về giao dịch doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), Hải Phòng tăng thêm một bậc so với năm 2016, đứng vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng với 45,1 điểm, gần gấp đôi điểm trung bình của chỉ số giao dịch B2B trong cả nước là 24,2 điểm.

 

Đặc biệt, chỉ số về giao dịch giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp (G2B), Hải Phòng tăng lên 2 bậc từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 với 74 điểm (năm 2016 chỉ số này là 32,3 điểm), chỉ kém Hà Nội ở vị trí thứ 2 là 2,2 điểm. Chỉ số thành phần này phản ánh tính minh bạch thông tin của các địa phương đối với doanh nghiệp cũng như mức độ và hiệu quả của các dịch vụ công trực tuyến đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Ngoài ra, qua kết quả khảo sát của Trung tâm TMĐT (Sở Công Thương Hải Phòng) cho thấy TMĐT Hải Phòng có nhiều khởi sắc với 100% doanh nghiệp kết nối internet và có ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, việc tìm kiếm thông tin trên internet phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và giao dịch qua thư điện tử đạt tỷ lệ 100% cao hơn so với năm 2016 khi tỷ lệ này lần lượt là 84,4% và 55,6%. Về tình hình ứng dụng TMĐT của người dân, theo kết quả điều tra, có đến 93% người được điều tra kết nối internet. Về tình hình hỗ trợ ứng dụng TMĐT của cơ quan/doanh nghiệp cho thấy các hoạt động hỗ trợ này đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người dân, nhất là tăng nhận thức cho doanh nghiệp về lợi ích của TMĐT, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giảm thời gian, thủ tục hành chính.

 

– Nguyên nhân nào đưa đến kết quả vượt bậc đó?

 

–  Những năm qua, nhất là  năm 2017, hoạt động ứng dụng TMĐT trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có những chuyển biến vượt bậc. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển TMĐT từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Trung tâm Thương mại điện tử, thuộc Sở Công Thương Hải Phòng được triển khai sâu rộng và đạt hiệu quả cao. Nổi bật như hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Hải Phòng tham gia sàn giao dịch TMĐT Alibaba nổi tiếng thế giới; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website TMĐT và công cụ quảng bá trực tuyến, hoạt động đào tạo nâng cao năng lực doanh nghiệp cũng được chú trọng, triển khai nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu về ứng dụng TMĐT. Qua đó, giúp cho hơn 150 doanh nghiệp Hải Phòng có thể ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh… Nhiều tài liệu tuyên truyền về TMĐT cũng được trung tâm xây dựng và cung cấp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng như “Cẩm nang mua sắm an toàn trực tuyến”, “Khởi nghiệp kinh doanh số – điện tử”…

 

– Ông đánh giá như thế nào về xu hướng TMĐT và Hải Phòng cần làm gì để tiếp tục vượt lên?

 

– Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, TMĐT phát triển mạnh mẽ. Lượng người dùng Internet của Việt Nam tăng hơn gấp rưỡi, từ 28 triệu lên 43 triệu (153%), ước đạt trên 40% tổng dân số. Hàng không, các sản phẩm điện tử gia dụng và du lịch là ba lĩnh vực hàng đầu mà người tiêu dùng ViệtNamthường xuyên chi tiền nhiều nhất khi mua sắm trực tuyến. Những trang web mua sắm trực tuyến được ghé thăm nhiều nhất tại ViệtNamlà Lazada, Tiki.vn, Chotot…Ngoài ra, xu hướng thương mại di động cũng đang bùng nổ mạnh mẽ. Song song với đó là sự phát triển của hạ tầng di động, các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào hoạt động kinh doanh trên nền tảng mới này, từ khâu nâng cấp website tương thích với thiết bị di động tới việc phát triển các ứng dụng. Bên cạnh đó, TMĐT xuyên biên giới đang nổi lên nhanh chóng. Đặc biệt là xu hướng quảng cáo trực tuyến đang ngày càng phát triển.

 

Trong khi đó, dù thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu nhưng khoảng cách giữa hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với Hải Phòng còn rất lớn. Khoảng cách giữa Hà Nội (xếp thứ 2) và Hải Phòng (xếp thứ 3) cách nhau tới 24,9 điểm và chỉ hơn Đà Nẵng đứng vị trí thứ 4 với khoảng cách 0,8 điểm.

 

Vì vậy, trong thời gian tới, để tận dụng, phát huy tối đa những lợi thế của Hải Phòng trong nền kinh tế số, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Hải Phòng cần có sự chung tay và nỗ lực hơn nữa trong việc đề ra những quyết sách đúng đắn nhằm thúc đẩy kinh tế thành phố Hải Phòng ngày càng phát triển, rút ngắn khoảng cách phát triển TMĐT với hai thành phố đi đầu cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó tập trung vào các hoạt động để doanh nghiệp và người tiêu dùng tận dụng được tối đa cơ sở hạ tầng về TMĐT, ví dụ như hạ tầng thanh toán điện tử và logistics; phát triển và đưa ra các giải pháp, sản phẩm TMĐT hỗ trợ doanh nghiệp triển khai ứng dụng TMĐT, đặc biệt cần nhiều hơn nữa các giải pháp, bộ công cụ quảng bá trực tuyến để quảng bá sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng internet, ứng dụng di động và mạng xã hội. Đối với người tiêu dùng, cần nâng cao nhận thức về ứng dụng TMĐT, biết tự bảo vệ khi tham gia TMĐT, tăng cường khai thác kết hợp TMĐT với thương mại truyền thống để giảm bớt rủi ro khi mua hàng trực tuyến; cần đẩy mạnh thanh toán trực tuyến khi thực hiện các hoạt động mua sắm trên mạng…

 

– Trân trọng cảm ơn ông!

()

Tin khác

Viettel sẵn sàng tạo lập cầu nối để 5G thực sự trở thành động lực góp phần thay đổi cuộc sống

Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…

19/12/2024

Huyện An Dương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024

Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…

19/12/2024

Lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…

19/12/2024

Định hướng sắp xếp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…

19/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More