Khó tuyển dụng do ảnh hưởng dịch bệnh
Bà Đinh Thị Thúy Hà, Chủ tịch Công đoàn khu kinh tế Hải Phòng cho biết nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lĩnh vực may mặc đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động. Nhất là thời điểm cận Tết nguyên đán, các doanh nghiệp thiếu lao động để bảo đảm tiến độ đơn hàng giao cho khách hàng trong và ngoài nước.
Đơn cử một đơn vị đông lao động như Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam (Khu công nghiệp Nomura) đang cần tuyển dụng số lượng lớn lao động. Tuy nhiên, việc tuyển dụng gặp khó khăn, nhiều thời điểm không tuyển được lao động một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lao động ngoại tỉnh ngại di chuyển.
Tương tự với các doanh nghiệp ngành Công Thương Hải Phòng, việc thiếu hụt lao động trong thời điểm cuối năm cũng đặt ra nhiều khó khăn. Cụ thể, theo ông Nguyễn Công Hòa, Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương, ngành Công Thương hiện có hơn 38.000 lao động, chủ yếu tập trung lĩnh vực da giày, may mặc.
Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đến thời điểm này vẫn rất cao. Việc thiếu hụt số lượng lớn lao động một phần do lao động tại Hải Phòng phần lớn làm việc tại các khu công nghiệp, trong khi đó, lao động ngoại tỉnh di chuyển về quê và một bộ phận chưa quay lại Hải Phòng do dịch bệnh.
“Để đáp ứng tiến độ công việc, nhiều doanh nghiệp bố trí cho người lao động làm thêm giờ, tuy nhiên vẫn trong thời gian pháp luật quy định. Chúng tôi mong muốn năm 2022, tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Lao động nhập cư quay trở lại Hải Phòng để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp”, ông Hòa cho biết.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người lao động
Bên cạnh khó tuyển dụng lao động, dịch COVID-19 lây lan trong một số doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Điều này kéo theo hàng nghìn lao động phải tạm nghỉ việc, thực hiện biện pháp cách ly phòng dịch theo quy định.
Cụ thể, đến sáng 11.12, 156 lao động trong các khu công nghiệp là F0, 2.106 trường hợp là F1 và 3.153 lao động là F2; lao động ngành Công Thương có 29 trường hợp F0, 317 trường hợp F1… Thời điểm dịch bùng phát tại huyện Tiên Lãng, khoảng 4.000 lao động tạm nghỉ việc để bảo đảm phòng dịch….
Để bảo đảm phòng, chống dịch, UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố dừng việc tiếp nhận lao động chưa được tiêm vaccine. “Ngay sau khi có chỉ đạo của thành phố, Công đoàn Khu kinh tế chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng cũng như phòng, chống dịch. Tuy nhiên, việc dừng tuyển dụng với lao động chưa tiêm đủ vaccine cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp, nhất là thời điểm cần thêm nhiều lao động như hiện nay”, Chủ tịch Công đoàn khu kinh tế Hải Phòng Đinh Thị Thúy Hà cho biết.
Cũng theo bà Hà, hiện, tỉ lệ tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine của người lao động tại các khu công nghiệp là gần 92%. Số còn lại là công nhân có bệnh nền, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ. Hiện, các cấp công đoàn Khu vận động, tuyên truyền, lập danh sách công nhân có bệnh lý nền gửi đến các bệnh viện lớn trên địa bàn để tiêm vaccine bảo đảm an toàn. Lao động nữ mang thai, nếu sức khỏe ổn định cũng được vận động sớm tiêm vaccine, bảo đảm sức khỏe, an toàn, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Cùng với việc tuyên truyền người lao động khẩn trương hoàn thành tiêm chủng vaccine COVID-19, các cấp công đoàn, doanh nghiệp thắt chặt kiểm soát các yếu tố lây lan dịch bệnh tại doanh nghiệp, hạn chế tối đa F0 lây lan trong công nhân lao động. Từ đó, bảo đảm sức khỏe người lao động cũng như số lượng người lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là trong thời điểm khó tuyển thêm lao động.
Mai Dung
Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…
UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND yêu cầu Sở Giáo dục và…
Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…
Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More