Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hải Phòng. Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng dòng vốn FDI vào Hải Phòng không bị gián đoạn, nhiều dự án lớn vẫn được cấp phép, đi vào hoạt động.
Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI phục hồi sản xuất và thu hút dòng vốn FDI trong bối cảnh hiện nay.
Xin ông cho biết thực tế hoạt động của các doanh nghiệp FDI và những kết quả mới nhất về thu hút đầu tư nước ngoài tại Thành phố hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Tùng: Có thể nói, trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương nhưng thành phố Hải Phòng đã tập trung cao, phản ứng nhanh, chủ động có các biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Hải Phòng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất trên cả nước không phải áp dụng giãn cách xã hội.
Rút kinh nghiệm từ việc dịch bệnh xâm nhập vào các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố khác, thành phố Hải Phòng luôn đặt các doanh nghiệp và các địa phương liên quan trong trạng thái nỗ lực cao nhất, quyết tâm giữ “vùng xanh” an toàn trước dịch bệnh. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng tại Hải Phòng đều đang duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.
Mặc dù do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, bị tăng chi phí cho hoạt động phòng, chống dịch, dẫn đến ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp nhưng số nộp ngân sách của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong những tháng đầu năm 2021 vẫn có xu hướng tăng với số nộp xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm 2020; tổng số lao động sử dụng khoảng 193.000 người.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số vốn đầu tư nước ngoài thu hút toàn địa bàn đạt 2.849,47 triệu USD, gấp 3,25 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt 113,97% kế hoạch thu hút 2021, đứng thứ hai trên toàn quốc (sau Long An: 3,64 tỷ USD). Trong đó, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 2,78 tỷ USD, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng đã liên tục điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm lần thứ nhất là 750 triệu USD vào tháng 2/2021 và tăng thêm 1,4 tỷ USD vào tháng 8/2021. Cũng trong tháng 8/2021, Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD.
“Đi trước một bước” trong phòng chống dịch, giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng
Như vậy, trong bối cảnh dịch bệnh, Hải Phòng vẫn đón nhận rất nhiều tin vui từ khu vực FDI. Vậy Thành phố đã có những giải pháp quan trọng, đột phá như thế nào để đạt được kết quả đó, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tùng: Kể từ cuối năm 2020 đến nay, có thể nói là một khoảng thời gian đặc biệt, nhiều thay đổi đối với hoạt động thu hút đầu tư của Việt Nam nói chung và của Hải Phòng nói riêng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” trong trạng thái bình thường mới của dịch bệnh COVID-19, theo đó, công tác phòng, chống dịch luôn được chú trọng đồng thời với việc khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để có những kết quả như trên, thành phố Hải Phòng đã nhanh chóng triển khai một số giải pháp quan trọng, đột phá. Trong đó, công tác phòng, chống dịch tại được triển khai quyết liệt, hiệu quả, chống dịch đa tầng, đa lớp; luôn chủ động “nâng cao một bước, đi trước một bước”, kịp thời chỉ đạo, thực hiện các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, phản ứng nhanh khi có tình huống phức tạp phát sinh, giữ vững an toàn phòng chống dịch, qua đó, tạo sự an toàn, tin tưởng tuyệt đối cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Đánh giá cao vai trò của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong đóng góp vốn đầu tư toàn xã hội (với tỉ trọng trung bình khoảng 25%), thời gian qua, Thành phố đã kịp thời thay đổi phương thức xúc tiến đầu tư nhằm thích ứng với tình hình mới của dịch bệnh COVID-19.
Thay vì cử đoàn xúc tiến ra nước ngoài quảng bá môi trường đầu tư, tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng, đến nay, công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ được phát huy tối đa hiệu quả thông qua việc tích cực hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo niềm tin về môi trường đầu tư an toàn, thân thiện và hấp dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã đầu tư duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút ngắn đáng kể. Trong 8 tháng năm 2021, dự án tăng vốn lớn của LG Display đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và các cơ quan của Thành phố tập trung, giải quyết thủ tục đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ trong 5 ngày cho đợt điều chỉnh thứ nhất (tăng 750 triệu USD) và trong 3 ngày đối với đợt điều chỉnh thứ hai (tăng 1,4 tỷ USD).
Điều này phần nào thể hiện quyết tâm rất cao trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp Hải Phòng trở thành một điểm đến tiềm năng, quan trọng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với thời gian giải quyết thủ tục nhanh và thuận lợi cho nhà đầu tư nêu trên, không chỉ khẳng định việc cải cách hành chính của Thành phố đang được tập trung cao, hiệu quả, mà còn là phương thức mới, hiệu quả cao trong việc quảng bá, xúc tiến đầu tư của thành phố, tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành hành động quyết liệt, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố dành nhiều thời gian làm việc với các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là với lãnh đạo Tập đoàn LG, Tập đoàn Ren A Port…
Việc tập trung xúc tiến, thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải và các khu công nghiệp cũng là một trong những định hướng của thành phố để nhà đầu tư có thể được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất, thuận lợi nhất.
Ngoài ra, môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố được cải thiện mạnh mẽ, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng được tập trung đầu tư, các công trình hạ tầng giao thông mới, quan trọng đã được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả kinh tế xã hội (cầu vượt biển Tân Vũ-Lạch Huyện, cầu Bạch Đằng, cầu Hoàng Văn Thụ kết nối Khu công nghiệp VSIP, đảo Vũ Yên, 2 bến khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng…).
Chúng tôi cũng tổ chức định kỳ hội nghị đối thoại doanh nghiệp và được khối doanh nghiệp hoan nghênh, đánh giá cao, qua đó, đã giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, công bằng, tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án đầu tư.
Tính từ tháng 9/2016 đến tháng 9/2021, UBND Thành phố đã tổ chức 36 kỳ hội nghị đối thoại, tiếp nhận và giải quyết 324 kiến nghị, trong đó đã giải quyết triệt để 313 kiến nghị, đang giao các ngành tiếp tục tích cực giải quyết 11 kiến nghị…
Công tác cải cách hành chính luôn được chú trọng. Thành phố tăng cường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; xây dựng quy chế phối hợp bảo đảm liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính, giúp cho doanh nghiệp chỉ cần thực hiện thủ tục hành chính tại một đầu mối duy nhất từ thời điểm bắt đầu đầu tư đến khi đi vào hoạt động.
Đón đầu các nhà đầu tư lớn, chủ động lựa chọn dự án có chất lượng
Thời gian tới, Thành phố có những thuận lợi và khó khăn gì đối với việc thu hút dòng vốn FDI mới, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tùng: Với những nỗ lực mang tính đột phá và đầy sáng tạo, PCI 2020 của thành phố Hải Phòng đã vượt lên xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố và xếp vị trí thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, đạt 69,27 điểm, tăng 0,54 điểm và tăng hạng 3 bậc so với năm 2019. Hơn nữa, từ năm 2020, chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) Hải Phòng là một trong những yếu tố kết hợp để đưa PCI của Thành phố thăng hạng, nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt.
Với những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và sự cởi mở, thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh, Thành phố tiếp tục khẳng định được niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài, ghi những dấu ấn đậm nét trong thu hút đầu tư thời gian qua. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2021, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng liên tục điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng số vốn tăng thêm lên đến 2,15 tỷ USD.
Đặc biệt, thành công của Hải Phòng trong ngăn chặn, kiểm soát đại dịch COVID-19 đã và đang khiến Hải Phòng thành điểm đến an toàn hàng đầu, tạo niềm tin tưởng lớn và hấp dẫn mạnh mẽ đầu tư của các doanh nghiệp.
Mục tiêu trong 5 năm 2021-2025, thành phố phấn đấu thu hút 12,5-15 tỷ USD. Đây là mục tiêu rất cao, nhiệm vụ rất nặng nề đối với Thành phố, yêu cầu phải đặt trọng tâm thu hút những nhà đầu tư lớn, đóng góp ngân sách tương xứng với nguồn lực Thành phố đã đầu tư; đòi hỏi sự quyết tâm, đoàn kết một lòng, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Trên thực tế, diện tích đất tại đa số các khu công nghiệp hiện còn có thể thu hút đầu tư là rất ít, phân bổ nhỏ lẻ trong các khu công nghiệp (187,9ha) và mặt biển chưa san lấp (trên 700ha). Quy mô diện tích còn lại là tương đối khó khăn để có thể đạt được hiệu quả thu hút đầu tư. Do vậy, trước mắt, Thành phố sẽ phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu công nghiệp, tập trung cho các khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 3; khu công nghiệp VSIP; khu công nghiệp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng… để có thể sẵn sàng có nguồn đất sạch với kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, góp phần đắc lực “đi trước một bước” đón đầu các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc giữ được địa bàn an toàn, ổn định, không để xảy ra tình trạng bùng phát dịch COVID-19 mới chỉ là một yếu tố cần, nhưng chưa đủ. Để tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp FDI hoạt động và thu hút thêm dòng vốn FDI vào Hải Phòng, Thành phố đưa ra những cam kết, giải pháp như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Tùng: Để tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động và thu hút thêm dòng vốn FDI, thành phố Hải Phòng xác định một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, chú trọng công tác xúc tiến đầu tư “tại chỗ”, xúc tiến các tập đoàn, nhà đầu tư lớn, mở rộng xúc tiến đầu tư bằng hình thức trực tuyến; xây dựng hình ảnh, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư của thành phố qua kênh ngoại giao, thông qua các diễn đàn, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức xúc tiến đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam.
Đồng thời, ban hành bộ tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư kết cấu hạ tầng, các dự án đầu tư để chủ động lựa chọn nhà đầu tư, dự án có chất lượng. Ban hành cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế. Tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn như: Công nghiệp ô tô, chế tạo máy, điện tử-tin học và các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, logistics…
Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng “một cửa tập trung”, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hướng tới cơ bản giải quyết trực tuyến các thủ tục; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015 vào công tác quản lý, tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa, tại chỗ”, “một cửa liên thông”.
Đồng thời, mở rộng và nâng cao chất lượng của mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo các tiêu chí quốc tế. Chú trọng đào tạo các ngành nghề: Điện, điện tử-tin học, cơ khí, tự động hóa, công nghệ cao; gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, thực hiện đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Thành phố cũng kiện toàn hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành một số trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo theo hướng liên kết với các doanh nghiệp. Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cho cán bộ quản lý và chuyên gia khoa học công nghệ. Chú trọng công tác đào tạo cán bộ khoa học, quản lý, ngoại ngữ, công nhân kỹ thuật bậc cao để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, xây dựng các cơ chế, chính sách đồng bộ và khả thi liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần, tạo phúc lợi cho người lao động; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu nhà ở công nhân, bảo đảm an sinh xã hội, quyền lợi cho người lao động, nâng cao mức độ cạnh tranh của thành phố trong thu hút lao động, đặc biệt đối với lao động nhập cư.
Đặc biệt là tiếp tục quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố nói chung và trong khu công nghiệp, khu kinh tế nói riêng, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, quản lý chặt biến động của người lao động và các đối tượng có liên quan. Xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 định kỳ, tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho chuyên gia, người lao động, công nhân trong khu công nghiệp, khu kinh tế… Mục tiêu cuối cùng là hạn chế tối đa dịch bệnh và luôn “đi trước một bước” trong phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục phát triển, ổn định sản xuất kinh doanh, giữ gìn khu công nghiệp xanh, doanh nghiệp xanh và công nhân xanh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Giang (thực hiện)
Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (gọi tắt là Cảng Hoàng Diệu) thông báo…
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More