Print Thứ Ba, 04/02/2020 14:43 Gốc

Bước phát triển mạnh mẽ, đột phá mọi mặt của Hải Phòng trong vài năm gần đây tạo chất liệu sinh động và cảm hứng sáng tác đối với giới văn nghệ sĩ, báo chí trong cả nước với mong muốn không chỉ giới thiệu sự đi lên của thành phố Cảng, mà còn làm rõ được cội nguồn “chìa khóa” dẫn tới thành công để góp phần lan tỏa, nhân rộng.

Xin giới thiệu góc nhìn của bạn đồng nghiệp Báo Diễn dàn doanh nghiệp để hiểu sâu sắc thêm bức tranh toàn cảnh Hải Phòng thời kỳ tăng tốc công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Lắp ráp ô tô thương hiệu Việt tại Nhà máy VinFast, Cát Hải.

“Thành phố ca” mới: Tôi người Hải Phòng!

Những năm gần đây, người Hải Phòng được chứng kiến một cuộc chuyển mình ngoạn mục. Dù con mắt có bi quan đến mấy cũng phải nhìn thấy thành phố đẹp lên từng ngày. Những con đường mới ngày một rộng hơn (Lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, toàn bộ con đường nội thị Hải Phòng không có vết vá, vì cùng lúc được trải lại mặt nhựa đường mới). Những cây cầu mới ngày một dài hơn. Những tòa nhà mới ngày một cao hơn (“Vin” 45 tầng sắp bị phá kỷ lục!). Những ô tô mới ngày một nhiều hơn (và người Hải Phòng đã phàn nàn về nạn tắc đường). Đời sống văn hóa bắt đầu sôi động, các nhà hát lại sáng đèn. Thành phố về đêm lung linh sắc màu. Chẳng ở đâu trên dải đất hình chữ S có dải vườn hoa trung tâm đẹp như Hải Phòng.

Với những người đã sống ở Hải Phòng từ thời Pháp thuộc, cuộc làm đẹp con sông Tam Bạc mới là ấn tượng không thể nào quên. Nằm giữa nội thành Hải Phòng, đó là dòng sông hội họa. Từ bao đời nay, sông chính là nguồn cảm hứng sáng tạo cho bao thế hệ họa sĩ, từ danh họa Bùi Xuân Phái đến người mới cầm cọ vẽ. Thế rồi chiến tranh và sau chiến tranh, sông bị bỏ quên một cách oan uổng. Tam Bạc “trên bến dưới thuyền” cạn dần, tàu bè chở cá đánh từ vùng biển Cát Bà không còn tấp nập đi về. Nước sông ô nhiễm vì rác và xác chuột chết. Hàng chục năm nay, Hải Phòng chưa bao giờ nghĩ nghiêm túc cải tạo con sông Tam Bạc, dù rằng để nó nhếch nhác là khổ thân nó. Mãi ngày 25/5/2018, dòng sông mới bắt đầu được nạo vét, xây kè, hai bên bờ sông trở thành phố đi bộ. Đúng một năm sau, trên mặt sông có 60 con thiên nga bơi lội, cho người Hải Phòng đến ngắm, chụp ảnh tự sướng! Bây giờ giá một m2 đất dọc bờ sông lên tới 70 triệu đồng. Cuộc đời hàng vạn người dân sống bên dòng sông hôi thối ngày xưa nay lại lên hương!

Nếu từ 3 năm về trước, trong các cuộc vui tập thể, người Hải Phòng thường kết thúc bằng bài hát: “Thành phố Hoa Phượng Đỏ” (Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu…) từ thời chiến tranh chống Mỹ, thì bây giờ họ sẽ hát “thành phố ca” mới: “Tôi người Hải Phòng!”, do một người lính hải quân sáng tác trong khoảnh khắc xuất thần (…tự hào nói, tôi người Hải Phòng!). Phát biểu trên đài truyền hình địa phương, người nhạc sĩ tâm sự: “Nếu không được sống những ngày này tại Hải Phòng, tôi không thể viết nổi bài hát đó!

Chưa có bao giờ lòng người dân lại hào hứng như thế khi nhìn nhận về hiện tại của thành phố mình.

Thành bại tại nhân

Suốt 100 năm, Hải Phòng đã từng là thành phố lớn thứ 3 toàn quốc. Là nơi đầu tiên có điện chiếu sáng, trước cả Sài Gòn. Cả nước có 3 cái nhà hát lớn thì Nhà hát Lớn Hà Nội còn xây sau Nhà hát Lớn Hải Phòng. Một thời công nghiệp phát triển, thương mại sầm uất, văn hóa hưng thịnh. Danh nhân không thiếu vì người bốn phương tìm đến Hải Phòng sinh sống.

Nhưng cái danh xưng “thứ ba” đó có lúc đã khiến cho người Hải Phòng chủ quan. Họ quên mất câu danh ngôn. “Muốn đứng tại chỗ phải chạy thật nhanh.”. Thành phố vẫn phát triển đấy, nhưng “chạy” chậm hơn nhiều địa phương khác có thời cơ và khát vọng hơn. Rồi đến một ngày, người Hải Phòng đã nghe thấy hơi thở của các đối thủ đang chạy đua với họ trên con đường phát triển.

Các nhà lãnh đạo Hải Phòng đã biết điều ấy, song chỉ gần đây mới có cái nhìn cầu thị. Câu hỏi: “Chúng ta muốn là gì?” đang dần biến thành: “Chúng ta muốn làm gì?”.

Trước tiên là phải tiếp năng lượng cho một nền kinh tế đã thấm mệt. Hơn chục dự án loại khủng rùng rùng chuyển động, kể cả dự án tưởng đã đóng băng. “Trung tâm xúc tiến đầu tư”, một mô hình mới lần đầu xuất hiện, thể hiện thiện chí của thành phố Hoa Phượng Đỏ, biến Hải Phòng thành “miền đất quả vàng” cho nhà đầu tư. Trước sự đổ bộ ào ạt của các đại gia kinh tế, có người Hải Phòng vẫn còn hồ nghi hiệu quả cuối cùng của ô tô VinFast hay “Mặt trời” (Sun Group) có chiếu sáng được trên đảo Cát Bà? Chuyện của tương lai chỉ có thể nói: “Hãy đợi đấy!”. Song cần nhớ rằng: Hành trình quan trọng chẳng kém gì cái đích đến.

Thứ hai là phải bứt tốc thật nhanh. Ngày nay là thời đại của tốc độ. Klaus Schwab, người sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới, nói rằng: “Chúng ta đang chuyển từ thế giới cá lớn nuốt cá bé sang thế giới Nhanh nuốt Chậm!”. Các nhà lãnh đạo Hải Phòng hiểu rõ họ phải nhanh nữa mới hòng bắt kịp thời gian đã mất. Bởi lẽ trong rất nhiều năm Hải Phòng đã từng chậm chân, lỡ nhịp.

Một ngày tháng 3 năm 2017, bên dòng sông Đăng, vị đại diện Ban quản lý các dự án cầu Hải Phòng tuyên bố sẽ hoàn thành 2 cây cầu vượt qua sông Đăng, sông Hàn trong vòng 3 năm (tới năm 2020). Chính tại cuộc họp hôm ấy, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành đề nghị ông: “Bỏ lối tư duy bằng năm mà tư duy theo ngày tháng”, rồi hạ mục tiêu phải xong hai cầu trong 9 tháng sau! Đây không phải lần đầu Bí thư Thành ủy Hải Phòng đặt ra những mốc thời gian “không tưởng” cho các công trình xây dựng thành phố. Và rồi những “không tưởng” đó đều thành hiện thực! Bây giờ “nhanh” đã trở thành chuyện bình thường ở Hải Phòng!

Tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng thích nghi với tốc độ cao. Nhanh có thể gây chóng mặt, hoảng hốt, mất đi phản xạ linh hoạt. Người muốn thành công trong hành động nhanh phải có phẩm chất của các tay đua xe Công thức Một: Kỹ năng hoàn hảo, hệ thần kinh thép, tính cách mạnh mẽ, tinh thần vượt khó, ý chí kiên định và lòng dũng cảm.

Thứ ba là phải có tầm nhìn xa thực tế, chứ không ảo giác. Lãnh đạo Hải Phòng là nhà kinh tế, kỹ trị, nên không chủ trương xây những công trình đắt tiền, chỉ mang tính chất biểu tượng. Cũng không để dự án treo. Khi đã xác định mục tiêu các công trình lớn thì chỉ đạo rất quyết liệt (có cuộc giải phóng mặt bằng trên diện tích 80 ha với 7000 dân chỉ trong thời gian thực tế kỷ lục 8 tháng). Tại các hội nghị, Chủ tịch thành phố ít nói những lời hứa hẹn khoa trương mà chỉ thấy phê bình nghiêm khắc những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Hiệu quả thấy liền. Suốt 3 năm qua, mọi dự án của thành phố đều hoàn thành rất gọn gàng, “trong một nốt nhạc”.

Thứ tư là làm mọi thứ đều phải tính đến quyền lợi của dân: Môi trường, an sinh xã hội…Dân có lợi sẽ sẵn sàng chấp nhận, tha thứ cho những sai sót nếu có của người lãnh đạo. Hải Phòng nhiều lần làm các địa phương khác phải giật mình vì trao những giải thưởng khủng cho các tác phẩm nghệ thuật, báo chí, huy chương vàng của những vận động viên, hoc sinh trong các cuộc thi quốc tế. Quà tết tặng người cao tuổi, người có công với cách mạng bao giờ cũng nhiều nhất nước.

Hải Phòng không thiếu các điều kiện cần thiết để phát triển và lại có một tài nguyên cực quý, ít nơi nào có. Đó là con người Hải Phòng. Họ có sẵn nền tảng dân trí cao của một đô thị đã tồn tại hơn 100 năm và có khí phách mạnh mẽ của những người dân sống ở miền biển. Đã có một “bình trà tốt”, lãnh đạo Hải Phòng lại là “người rót trà” giỏi. Ngày xưa khi gió đổi chiều thì có người xây tường ngăn, ngày nay lãnh đạo Hải Phòng nghĩ cách làm ra điện gió!

Lịch sử phát triển của một thành phố luôn có những lúc thăng trầm xen kẽ. Tuy nhiên, “phong độ là nhất thời, đẳng cấp thì mãi mãi”. Ba năm gần đây, nhiều người Hải Phòng cảm nhận rõ ràng họ đang ở giai đoạn đầu một cuộc phục hưng mạnh mẽ trở về thời đại hoàng kim của mình, là một trong ba thành phố lớn nhất Việt Nam. Hải Phòng còn rất nhiều việc phải làm để cuộc phát triển lần này bền vững cả bề nổi lẫn chiều sâu. Trước mắt, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được quan tâm, song chưa có nhiều cải thiện vượt bậc. Các khu công nghiệp sạch, công nghệ cao chưa nhiều. Thể thao đỉnh cao có dấu hiệu bị chững lại và đội bóng đá Hải Phòng vẫn chưa…vô địch quốc gia! Y tế Hải Phòng phát triển mạnh về cơ sở vật chất nhưng lại chậm trễ trong việc nâng cao y đức và đặc biệt thiếu bác sĩ đầu ngành. Giáo dục cũng vậy, không thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chung của nền giáo dục nước nhà. Tất cả đều đòi hỏi nhiều thời gian, xin đừng sốt ruột. Trái cây cũng cần thời gian để mà tự chín trên cành! Cuộc phục hưng thành phố cũng mới chỉ bắt đầu.

Bài: Hà Linh Quân – Ảnh: Duy Thính/Theo Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hải Phòng, cuộc phục hưng mới
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác