Theo đánh giá, thị trường thực phẩm chế biến Việt Nam có tốc độ phát triển bình quân 25%/năm trong 15 năm gần đây, bao gồm cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Đi kèm với nó là công nghiệp chế biến với công nghệ ngày càng hiện đại, cả chất lượng, số lượng, hàm lượng và bao bì, vì thế để phân biệt với kỹ nghệ truyền thống, thực phẩm từ nguồn này được gắn cho cái tên: thực phẩm chế biến công nghệ.
Ưu thế vượt trội của loại thực phẩm này so là hầu hết có thể sử dụng ngay, rất tiết kiệm thời gian trong điều kiện đời sống công nghiệp, hơn nữa lại bảo quản được lâu.
Chính vì vậy nó mau chóng được người tiêu dùng tiếp nhận. Ngoài những đồ uống như bia, nước ngọt, bánh kẹo hoặc mỳ ăn liền, một số loại đồ hộp vốn xuất hiện từ lâu ở Việt Nam, hiện nay người tiêu dùng vào siêu thị có thể sắm ngay một bữa ăn, với cá thịt làm sẵn, lẩu suất đóng gói, nem, chả, bánh cuốn, xoài ngâm… chế biến bằng dây chuyền công nghiệp.
Có thể thấy rõ, diện tích dành để trưng bày thực phẩm chế biến chiếm một phần rất lớn tổng diện tích của các siêu thị.
Trên thực tế, rất khó phân nhóm một cách phổ thông các loại thực phẩm chế biến công nghệ, bởi nó phát triển đa dạng từ dạng nguyên liệu, đồ ăn liền, đồ uống, điểm tâm… đến gia vị. Từ nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng, các sản phẩm mới liên tiếp được tung ra thị trường.
Đơn giản trước kia người ta chỉ dùng mắm chắt hoặc muối trắng truyền thống, thì nay có đến 90% các loại mắm là chế biến sẵn, muối trắng được thay bằng bột canh, bột nêm… thậm chí gia vị kho thịt cá cũng được đóng hộp, đóng túi tiện dụng.
Đồ uống cũng không còn chỉ là bia, rượu, nước ngọt đơn thuần mà mỗi thứ cũng được phát triển thành hàng chục loại khác nhau, theo mỗi khẩu vị khác nhau.
Cũng bởi ưu thế trên nên bên cạnh sự phát triển nhanh chóng về thị phần, thực phẩm chế biến cũng có tốc độ tăng giá mạnh mẽ. Tính tổng quát, chỉ riêng tại thị trường Hải Phòng trong 5 năm gần đây, giá bia Hà Nội tăng khoảng 15%, nước ngọt của hai hãng Pepsi và Coca-cola tăng khoảng 20%, nước mắm Nam Ngư tăng gần 30%, bột ngọt (mì chính) tăng hơn 20%…
Trong khi những nguyên liệu chính từ nông sản như gạo, đậu tương, lạc và đậu các loại khác gần như không tăng giá. Mới thấy cán cân thương mại trong hai lĩnh vực này chênh lệch tới mức nào.
Tuy nhiên, sự phát triển tràn lan của thực phẩm chế biến cũng bộc lộ nhiều nhược điểm, về chất lượng an toàn thực phẩm, về tính trung thực giữa sản phẩm và đăng ký hàng hóa, cùng với sự nhiễu loạn về quảng cáo, đã khiến người tiêu dùng dè chừng.
Mặt khác, cũng như các nhóm hàng hóa khác, khi nền kinh tế ngày càng được thắt chặt, tiêu thụ giảm thì thực phẩm chế biến đang có dấu hiệu co hẹp thị phần. Ngay tại thời điểm này, qua các chương trình khuyến mại, tổng thể các mặt hàng chế biến đều giảm rất mạnh, tiêu thụ cũng èo uột, nhiều người tiêu dùng quay về với thực phẩm thô truyền thống.
Vài chục năm trước, tính từ thời kỳ kinh tế tập trung, Hải Phòng có thể coi là một trong những trung tâm chế biến thực phẩm cả công nghiệp lẫn truyền thống. Cụ thể nổi tiếng có thủy sản, rồi rượu, bia, nước ngọt, bánh kẹo, mỳ sợi… ở nhóm sản phẩm nào Hải Phòng cũng có nhà máy quy mô lớn, nổi bật có những thương hiệu tiêu biểu như đồ hộp Hạ Long, nước mắm Cát Hải…
Nhưng cơn lốc của cơ chế chuyển đổi đã nhanh chóng làm đổ bể vị thế đó. Hiện nay tính theo số lượng, thành phố vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này, nhưng tính cạnh tranh rất thấp.
Ngay như các cơ sở gốc quốc doanh mang tên Hạ Long nức tiếng một thời, nay cũng chỉ còn thương hiệu mạnh gắn với vài loại đồ hộp, xúc xích, thực phẩm ăn sẵn, còn lại các sản phẩm khác chỉ nhúc nhắc. Một cơ sở khác có cùng lĩnh vực như Hải Long cũng đang trong tình trạng tương tự.
Nếu tính các sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên thị trường như bánh kẹo, đồ uống, đường, sữa, nước mắm, mỳ ăn liền, bột ngọt… thì thương hiệu Hải Phòng hoàn toàn lép vế, thậm chí không có sản phẩm thể hiện dấu ấn thị trường. Ngay tại các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố, tìm “rách mắt” may ra được một vài mặt hàng thực phẩm chế biến Hải Phòng, cụ thể là xúc xích Hạ Long, nước mắm Cát Hải và Quang Hải.
Ngay cả thực phẩm chế biến truyền thống, Hải Phòng một thời nổi tiếng với bánh đa nhúng, bún thang, giò chả… hầu như quận huyện nào cũng có làng nghề. Đáng kể như Hải An có rượu Trung Hành; Kiến An có bún Kha Lâm, giò chả Bến Phà; Lê Chân có bánh đa Dư Hàng, giò chả Chợ Con; Kiến Thụy có bánh đa Lạng Côn, bún Tú Sơn…
Thì nay thực sự chỉ còn làng bánh Khinh Giao (Tân Tiến-An Dương) và bánh đa Lạng Côn, nước mắm Cát Hải thực sự giữ được làng nghề, và cũng là những làng nghề truyền thống duy nhất của thành phố về chế biến thực phẩm.
Trong khi đó, tất cả các sản phẩm vốn là thế mạnh của Hải Phòng vẫn được tiêu thụ tốt, nhưng mang tên các thương hiệu phương Nam, mà điển hình là nước mắm, bánh đa cua, bánh đa nhúng, giò chả, nem cuốn…
Đáng buồn là, đến tận thời điểm này, Hải Phòng vẫn là một đầu mối thủy sản lớn của cả nước, đồng thời nằm cận kề vùng nguyên liệu nông sản lớn gồm các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng. Tất nhiên, không riêng gì thực phẩm chế biến của Hải Phòng bị tụt hậu, mà ngay niềm tự hào về công nghiệp hàng tiêu dùng nói chung cũng đã bị đánh mất từ lâu.
Với vị thế cửa ngõ và đầu mối, trong khi ngoài thủy sản, Hải Phòng không thể cạnh tranh được về thực phẩm tươi sống đối với các địa phương khác, thì thế mạnh về sản xuất và dịch vụ lẽ ra phải vượt trội. Nhưng trong thời gian dài, bất cập của việc chỉ biết “tiêu” và “dùng” càng lộ rõ, là điều khó chấp nhận đối với một thành phố công nghiệp.
Đáng mừng là, sự kiện thành phố hợp tác với tập đoàn Lavifood, tiến hành khởi công Nhà máy chế biến rau – củ – quả theo công nghệ hiện đại tại huyện Tiên Lãng hồi tháng 5-2019 vừa qua, có ý nghĩa mở ra một hướng đi mới của Hải Phòng trên lĩnh vực chế biến thực phẩm.
Nhà máy mang tên Haphofood xây dựng trên diện tích 15 ha, được đầu tư các dây chuyền hiện đại với công nghệ hàng đầu thế giới, sơ chế và chế biến trái cây, rau quả đạt tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu cũng như phục vụ thị trường tiêu dùng trong nước. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2021.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là ấn tượng được tạo trên lĩnh vực nông sản, rõ ràng tiềm năng của Hải Phòng còn rất lớn ở những lĩnh vực khác. Sẽ có nhiều việc phải làm cho việc vận động mở lại hướng đi cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, nhất là cơ chế và khát vọng đầu tư.
Dù truyền thống có bị mai một nhưng với vị thế là vùng cửa ngõ có nhiều thuận lợi, hy vọng rằng Hải Phòng trong tương lai không xã sẽ trở lại với vai trò là trung tâm sản xuất thực phẩm công nghệ
Lê Minh Thắng
Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…
UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND yêu cầu Sở Giáo dục và…
Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…
Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More