Sau khi Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng ban hành văn bản chỉ đạo các chốt kiểm dịch ra vào thành phố yêu cầu người đến Hải Phòng từ các tỉnh, thành phố có người nhiễm Covid-19 phải đi cách ly và phải chịu chi phí cách ly (nếu không thuộc các đối tượng theo qui định tại Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ), một số người dân đã lách luật bằng cách đi trên xe tải, thậm chí đi trên phương tiện tàu, thuyền để vào thành phố.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay, mỗi ngày có khoảng hơn 10.000 lượt xe tải, xe container qua lại địa bàn thành phố với hàng vạn lái xe, phụ xe là người Hải Phòng và người của địa phương khác khiến công tác quản lý y tế trong lĩnh vực vận tải hàng hóa trở nên phức tạp, và sẽ trở thành lỗ hổng lớn nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Kể từ ngày 3/4, sau khi Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng ban hành văn bản chỉ đạo các chốt kiểm dịch ra vào thành phố yêu cầu người đến Hải Phòng từ các tỉnh, thành phố có người nhiễm Covid-19 phải đi cách ly và phải chịu chi phí cách ly (nếu không thuộc các đối tượng theo qui định tại Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ), hầu hết các xe chở người từ các tỉnh khác về Hải Phòng đã tự nguyện quay đầu xe.
Tuy nhiên, theo báo cáo từ một số địa phương, để tránh sự kiểm soát ngặt nghèo khi đi trên các phương tiện cá nhân, xe chở khách… một số người dân đã “lách luật”, né tránh sự kiểm soát y tế bằng cách vào thành phố trên các xe tải chở hàng hóa do các phương tiện vận tải vẫn được phép chạy để lưu thông hàng hóa. Mặt khác, với 10.000 xe tải và container vào ra mỗi ngày, thì số lượng lái, phụ xe về thành phố là rất lớn do đó, Hải Phòng đã xác định việc quản lý y tế trong lĩnh vực vận tải là rất cần thiết và là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Theo đó, để quản lý chặt chẽ đội ngũ lái, phụ xe trên, bảo đảm mục tiêu phòng dịch của thành phố, không để ách tắc trong vận chuyển hàng hóa, chiều nay, 6/4, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hải Phòng đã có buổi họp với các sở, ngành, đơn vị và đại diện một số doanh nghiệp vận tải để bàn và thống nhất việc quản lý y tế trong lĩnh vực vận tải hàng hóa ra, vào thành phố trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Bình yêu cầu, đối với vận tải hàng hóa đường bộ, các doanh nghiệp bố trí cho lái xe, phụ xe, nhân viên ở tập trung, không đi lại, không về nhà, có danh sách thông báo cho chính quyền địa phương và Sở Giao thông vận tải biết để quản lý, đồng thời chủ động và có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng dịch theo yêu cầu của Trung ương và thành phố; quản lý chặt chẽ phương tiện và lái xe, bao gồm quản lý sức khỏe, quản lý hành trình.
Đối với doanh nghiệp vận tải ngoài Hải Phòng, lái xe ngoài Hải Phòng, yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành quy định về phòng dịch của thành phố, tuyệt đối cấm các xe vận tải chở người ra, vào thành phố. Các doanh nghiệp vận tải chịu trách nhiệm phổ biến, quán triệt đến đội ngũ lái xe, yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tuyệt đối cấm việc kết hợp chở người trên các phương tiện (trừ trường hợp đã được chủ phương tiện bố trí), nếu vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hải Phòng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn có các kho, bến bãi chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải ký cam kết thực hiện các quy định trên đồng thời giao Sở Giao thông vận tải và Cảnh sát giao thông phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương có biện pháp quản lý hành trình của các phương tiện.
Đối với hoạt động vận tải biển, yêu cầu Cảng vụ hàng hải, Biên phòng Hải Phòng, Công ty Hoa tiêu khu vực 2, Hải quan Hải Phòng, cơ quan y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát tất cả các biện pháp phòng dịch theo đúng thông lệ quốc tế, không để các thủy thủ, thuyền viên lên bờ (trừ các trường hợp bất khả kháng). Đối với đội ngũ hoa tiêu, yêu cầu Công ty Hoa tiêu Khu vực 2, chịu trách nhiệm tổ chức ăn ở tập trung cho đội ngũ hoa tiêu, bảo đảm các biện pháp về vệ sinh phòng dịch.
Đối với hoạt động vận tải đường thủy nội địa, ông Nguyễn Xuân Bình đề nghị chính quyền các cấp, Thanh tra giao thông, Cảnh sát đường thủy, Cảng vụ đường thủy Trung ương, địa phương bảo đảm giám sát chặt chẽ hành trình đối với phương tiện đi qua Hải Phòng, quản lý phương tiện và phương tiện dừng, đỗ ra vào các bến trên địa phận Hải Phòng. Đối với các trường hợp bốc xếp hàng hóa tại bến thì chính quyền địa phương, chủ bến bãi, chủ phương tiện và cơ quan y tế thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định, yêu cầu chủ bến, chủ cảng, chủ kho bãi quản lý chặt chẽ, không cho thuyền viên ra ngoài khu vực cảng, kho bãi.