Trong những ngày mùa thu cách mạng này, thành phố Cảng bừng sáng, lung linh hơn. Người dân thành phố thêm phấn khởi, tự hào khi ôn lại truyền thống Hải Phòng những ngày cách đây 73 năm về trước…
Cầu vượt Lê Hồng Phong.
Ảnh: Duy thính
10 ngày thiết lập chính quyền cách mạng
Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính lật đổ thực dân Pháp, lập chính quyền thân Nhật. Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiên đoán chính tình hình nên ngày 12-3-1945 ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, xác định rõ kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là phát xít Nhật, khẩu hiệu hành động lúc này là “Đánh đuổi phát xít Nhật, thành lập chính quyền cách mạng nhân dân”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, cùng với nhân dân cả nước, tại Hải Phòng- thành phố công nghiệp lớn, cảng biển chính của xứ Bắc Kỳ, liền kề vùng đất Kiến An giàu truyền thống quật cường, bất khuất, phong trào cách mạng diễn ra mạnh mẽ. Thực dân Pháp, phát xít Nhật dùng nhiều mưu mô, thủ đoạn để đàn áp. Rất nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên và quần chúng bị bắt bớ, tra tấn, sát hại, tù đày, nhưng phong trào cách mạng vẫn đứng vững.
Trong cao trào kháng Nhật cứu quốc, tổng khởi nghĩa giành chính quyền, mặc dù Thành ủy, Tỉnh ủy chưa lập lại, nhưng Thành bộ, Tỉnh bộ Việt Minh Hải Phòng – Kiến An đảm nhiệm tốt nhiệm vụ của mình, xây dựng các đoàn thể cứu quốc, các lực lượng vũ trang phát triển sâu rộng. Khi nhận được Chỉ thị của Trung ương Đảng ngày 12-3-1945 về phá kho thóc cứu đói, không nộp thóc cho Nhật, tổ chức cơ sở Việt Minh ở cả nội thành và các huyện đều triển khai, giúp rất nhiều người dân thoát khỏi chết đói. Nhân dân đều tin tưởng Việt Minh.
Từ tháng 7-1945, phong trào cách mạng bùng lên rất mạnh. Ngày 11-7-1945, tự vệ Kiến Thụy hạ đồn Đoan Tiểu Bàng (nay thuộc phường Bàng La, quận Đồ Sơn) thu hết súng đạn. Hôm sau, nhân dân làng Kim Sơn (phủ Kiến Thụy) khởi nghĩa, lập chính quyền cách mạng. Sáng ngày 4-8-1945, Nhật đưa quân về khủng bố Kim Sơn, nhân dân địa phương và các làng thuộc Kiến Thụy chống trả quyết liệt, buộc chúng phải rút lui. Sự kiện nhân dân Kim Sơn giành được chính quyền đầu tiên ở Hải Phòng – Kiến An đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng địa phương, góp phần vào phong trào tổng khởi nghĩa của vùng Duyên hải Bắc bộ.
Ngày 13-8-1945, Đảng phát lệnh tổng khởi nghĩa, nhân dân các phủ, huyện, tỉnh, thành phố vùng lên lật đổ chính quyền tay sai Nhật, lập chính quyền cách mạng. Trong đó, Kiến Thụy ngày 15-8; Tiên Lãng ngày 16-8; An Lão ngày 17-8; Vĩnh Bảo ngày 20-8; Thủy Nguyên ngày 22-8; thành phố Hải Phòng ngày 23-8; tỉnh Kiến An ngày 24-8. Chỉ trong 10 ngày từ 15 đến 25-8, tất cả các huyện, kể cả các huyện đảo xa xôi, cùng tỉnh Kiến An, thành phố Hải Phòng đều thiết lập được chính quyền cách mạng. Đặc biệt, ở nội đô Hải Phòng, mặc dù quân Nhật còn rất đông, chiếm giữ những vị trí quan trọng, nhưng thị trưởng thành phố, luật sư Vũ Trọng Khánh, nhà trí thức cách mạng thuyết phục được họ không can thiệp vào nội tình Việt Nam. Trước đó, ông sang chùa Chính Mỹ rồi sang miếu Vua Bà, xã Kiền Bái (huyện Thủy Nguyên) gặp chỉ huy trưởng Đệ tứ Chiến khu Đông Triều bàn việc bàn giao chính quyền và kịp thời ngăn chặn âm mưu “Hoa quân nhập Việt” của Mỹ và chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc lúc đó.
Ngày mới rực rỡ
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Hải Phòng đang từng ngày đổi thay mạnh mẽ. 3 năm liên tiếp thành phố thực hiện chủ đề năm “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách – Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”; tăng tính chủ động, sáng tạo, giải phóng mọi tiềm năng, khơi dậy mọi nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển. Chính những điều này thực sự giúp Hải Phòng có sự bứt phá thần tốc trong mấy năm qua. Cùng với đó là sự quyết tâm, quyết liệt, đồng bộ, thực sự tạo niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố tăng 9 bậc so với năm 2016. 6 tháng đầu năm 2018, thu hút vốn FDI của Hải Phòng đạt 1,2 tỷ USD, hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 16,0%, cao nhất từ trước đến nay; vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng, tăng 31,5%… Nhiều dự án, công trình lớn được khởi công, khánh thành.
Để Hải Phòng phát triển nhanh và mạnh hơn nữa, về thu hút đầu tư, thành phố tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đồng thời, bảo đảm tiến độ thi công của các dự án lớn đang triển khai trên địa bàn. Bên cạnh đó, các dự án giao thông cũng tiếp tục được triển khai để Hải Phòng xứng tầm với vị trí trung tâm của vùng. Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng dành nguồn lực thỏa đáng cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học – công nghệ, đời sống dân sinh… Những công trình, dự án được Thành ủy, HĐND thành phố thông qua, đưa vào triển khai trong năm 2018 trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội đang và sẽ tạo một diện mạo Hải Phòng ngày càng đổi khác, hiện đại, xanh và phát triển bền vững.
Trong những ngày mùa thu cách mạng này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Phòng tự hào khi chung tay viết tiếp trang sử vàng truyền thống, xây dựng thành phố quê hương thêm đẹp, đàng hoàng và rực rỡ hơn, như tinh thần Nghị quyết 32 và Kết luận 72 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước.
Ngô Đăng Lợi
(Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng)
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More