Kinh tế

Hải Phòng: Bỏ tiền tỷ để chờ đón “lộc trời”

Từ tháng 9 Âm lịch, bà con nông dân nhiều vùng ở TP.Hải Phòng bắt đầu vào mùa thu hoạch “lộc trời” (con rươi) theo câu ca “Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mồng năm”.

Chờ đợi đón “lộc trời”

Đêm bắt đầu từ bụi lau lác um tùm, nơi bầy cuốc nước di cư tranh thủ kiếm ăn sớm, thi thoảng nghển cổ kêu váng “cuốc, cuốc”. Bóng tối như giọt dầu khổng lồ lễnh loãng nhẹ nhàng, chậm rãi loang ra khắp các đầm rươi to, nhỏ nằm san sát khu vực bãi ngoài đê sông Hàn thuộc địa phận xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng.

Thu mình trong tấm áo khoác dày, bên chiếc bóng đèn điện lung lay, chao đảo trong gió lạnh, anh Nguyễn Hữu Phước, chủ đầm rươi rộng 6 mẫu (21.600m²) ở xã Tam Đa nhìn như thôi miên về phía mặt nước đen kịt, lóng lánh thấp thoáng những bóng rươi cỡ chừng đầu đũa ăn cơm khi lập lờ, dập dềnh theo nhịp sóng nước, lúc vội vã lao như tên lửa khắp tứ phía.

Anh Phước cũng như bao chúng bạn lứa tuổi cuối 6x, đầu 7x gắn bó với con rươi từ thủa “cái ấy” bằng hạt kê theo cách nói ví von của người dân nơi thôn quê. Từ khi còn nhỏ, mỗi khi hết thu sang đông, khi những cơn gió mang hơi lạnh tràn về, anh Phước cùng tụi trẻ lại lang thang từ đầm trên, đến ao dưới, hoặc quanh quẩn bên những thửa ruộng chín vàng cùng nhau rồi hát vang câu ca gọi rươi về: “Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mồng năm”.

Người dân huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng trắng đêm vớt “lộc trời” (Ảnh: Thái Phan).

Tính theo con nước (mỗi con nước kéo dài trong 14 ngày), chính vụ rươi bắt đầu từ ngày 20/9 Âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, rươi lác đác nổi từ 4-5 hôm trước. Đến con nước sau là 5/10 Âm lịch, rươi lại về. Sau đó, cứ cách 1 con nước, rươi nổi nhiều. Con nước đêm Giao thừa là nước cuối. Thực tế, mỗi vụ, người làm nghề rươi chỉ thu hoạch được 4 lần rươi về rộ.

Giống như tôm rảo, rươi được mệnh danh là “quái sản” vùng nước lợ. Tên nghe lạ bởi đến nay, con người chưa hiểu tường tận tập tính sinh sản cũng như đời sống của chúng. Rươi chỉ sinh trưởng và phát triển tốt ở khu vực nước có độ mặn trên dưới 3 phần nghìn. Quá trình nổi của rươi thực chất là rươi đang sinh sản.

Khi ấy, con rươi vốn chỉ nhỉnh hơn chiếc tăm một chút, dài có khi đến nửa mét, dồn toàn bộ dinh dưỡng lên phần đầu rồi tự đứt một đoạn. Sau đó, tìm đường từ lòng đất nổi lên mặt nước. Phần đầu đó chứa trứng, khi gặp nước mặn chúng tự vỡ, trứng rươi hòa quyện vào bọt nước để quay lại ao, đầm, ruộng tiếp tục một chu kỳ sinh trưởng mới.

Xưa, khắp vùng nước lợ, thậm chí cả trong những xứ đồng trong đê ở nhiều huyện, như: Kiến Thụy, Tiên Lãng, An Lão, Vĩnh Bảo (cùng TP.Hải Phòng), rươi nổi tự do. Cứ đến mùa rươi về, người người, nhà nhà lại chuẩn bị vợt, rổ để vớt rươi. Ít cỡ dăm ba lạng cũng đủ rán được đĩa chả rươi thơm lừng mùi lá gừng, lá gấc, vỏ quýt, hành lá, thìa là, lá lốt, khắp làng trên, xóm dưới. Vớt được nhiều đủ kho niêu đất. Nhiều nữa làm mắm rươi biếu người thân, bạn bè. Rươi nhiều, rẻ, được đong bằng đấu đổi thóc, gạo.

Đất ngày càng chật, người mỗi lúc một đông, để đáp ứng nhu cầu lương thực, người ta dùng mọi cách để tăng năng suất lúa. Ngoài sử dụng các giống lúa mới, phân bón hóa học và thuốc trừ sâu hóa học được dùng phổ biến. Vì thế, rươi, giống loài cực kỳ mẫn cảm với các chất hóa học, cứ ít dần. Rươi trong đồng “bay” hết, rươi ở bãi ngoài sông, nơi bà con nông dân trước đây thu hoạch theo kiểu “được coi như lộc, mất cũng chả sao”, thì còn.

Để giữ “lộc trời”, người làm nghề rươi nghĩ mọi cách, trong đó phổ biến là đắp bờ quây bãi, cải tạo đáy ao, đầm, mặt ruộng sao cho tơi xốp, nhất là đoạn tuyệt hẳn với thuốc trừ sâu cũng như các loại phân bón hóa học.

Bỏ bạc tỷ nuôi rươi

Người nuôi rươi ở huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng vẫn còn nhớ cuộc đấu thầu các đầm rươi tại vùng bãi Đông ven sông Hóa thuộc địa phận xã Tam Cường (cùng huyện Vĩnh Bảo) tháng 10/2021. Chỉ có 7 đầm rươi, nhỏ nhất khoảng 3.000m², rộng nhất hơn 6.000m², nhưng có 1.050 bộ hồ sơ được bán ra (giá mỗi bộ 30.000 đồng).

Sau “vòng gửi xe”, 979 bộ hồ sơ tham gia đấu thầu (mỗi bộ phải đặt cọc số tiền 15 triệu đồng). Điều kiện tham gia đấu thầu là người dân đăng ký thường trú trên địa bàn xã. Toàn xã Tam Cường có hơn 2.000 hộ với hơn 8.000 dân, tính “đổ đầu”, trung bình 10 người lại có 1 người bỏ ra 30 nghìn đồng mua hồ sơ, đặt cọc 15 triệu đồng để được tham gia đấu thầu.

Thực tế, theo quy định của cuộc đấu thầu, mỗi người không được mua quá 7 bộ hồ sơ, nên hôm đấu thầu thực tế có khoảng hơn 300 người. Đó là số người và số hồ sơ, còn giá bỏ thầu và trúng thầu còn “điên rồ” hơn nữa. Trong khi năng suất lúa nếu được mùa khoảng 2,5 tạ/sào/vụ, mỗi năm 2 vụ, nhiều lắm cũng thu về 5 tạ thóc/sào. Thế nhưng, người trúng thầu với mức giá bỏ thầu cao nhất lên tới 9 tấn thóc/sào/năm. Với giá thóc được tính 5.800 đồng/kg, người trúng thầu phải trả xã số tiền lên tới hơn 52 triệu đồng/sào/năm.

Người dân huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng thu hoạch rươi bằng dụng cụ đọn (Ảnh: Thái Phan).

Người người, nhà nhà ham hố nghề rươi bởi rươi không còn là thức ăn bình dân, quê mùa mà đã trở thành đặc sản với mức giá không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế mua một vài cân ăn hằng ngày. Thương lái thu mua tại đầm, thời điểm rươi ít có khi lên tới 500.000-600.000 đồng/kg, lúc rươi về rộ dao động 200.000-300.000 đồng mỗi ký.

Những đầm rươi rộng hàng chục mẫu có đêm thu vài tấn rươi không phải chuyện quá hiếm. Có nghĩa, chỉ qua một đêm, chủ đầm có thể thu về đến nửa tỷ đồng. Vì thế, nghề rươi được coi là nghề “hái ra tiền”.

Theo lời anh Nguyễn Hữu Phước, ở xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng, nếu đầm mới lập, rươi bắt đầu xuất hiện, giá giao dịch trên thị trường khoảng 40-50 triệu đồng/sào. Đầm nào cho thu hoạch ổn định một vài vụ, giá 70 triệu đồng tới hơn 100 triệu đồng mỗi sào. Trung bình mỗi đầm rươi rộng 3-5 mẫu, có đầm lên tới hàng chục, hàng trăm mẫu.

Cũng vì ham nghề, anh Nguyễn Hữu Phước “nghiến răng” bỏ ra số tiền tròm trèm 6 tỷ mua đầm rươi rộng gần 6 mẫu ở khu vực bãi ngoài đê ven sông Hàn thuộc địa phận xã Tam Đa (cùng huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng) từ năm 2020.

Ngoài số tiền bỏ ra mua đầm, vụ rươi trước, tôi đầu tư hơn 140 triệu đồng gia cố bờ bao, cải tạo đất. Thế nhưng, cả vụ thu được chưa tới 160 triệu đồng trong khi nhiều chủ đầm có diện tích tương đương đầm nhà tôi thu tới cả tỷ đồng. Bỏ ra bạc tỷ làm nghề mà vẫn trông chờ vào cái sự may rủi”, anh Phước than thở.

Từ món ăn bình dân, đến nay, rươi thuộc vào hàng đặc sản (Ảnh: Thái Phan).

Để sớm thu hồi số tiền lớn bỏ ra mua, cải tạo đầm hằng năm, thay vì mặc cho cái sự may rủi hay “thuận theo tự nhiên”, chủ đầm rươi có nhiều mẹo “gọi” rươi về, “nuôi” cho rươi to béo. Phổ biến nhất trồng lúa một vụ, cho thêm chất thải của gà trộn trấu đã ủ hoai mục, thêm phân bón vi sinh cho đất tơi xốp để rươi con dễ “đậu”, thêm thức ăn công nghiệp để rươi to béo.

Những năm mà quan sát thấy bọt nước sông ít trứng rươi, chủ đầm mua rươi giống thả xuống đầm. Trước kia, do không có bờ bao, rươi nổi đều đặn theo con nước. Vì thế mới có câu ca “Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mồng năm”. Nay các đầm đều có bờ bao chắc chắn, khi nước về rươi lên rộ giá rẻ, chủ đầm tháo kiệt nước rồi đóng chặt cửa cống “găm” rươi. Khi rươi ít, giá cao mới tháo nước để đọn rươi.

Thực tế, nghề làm rươi không phải “hái ra tiền” như nhiều người vẫn nghĩ. Theo ông Vũ Trọng Quảng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng, trung bình mỗi vụ, 1 sào đầm rươi cho thu 30-40kg, cá biệt có đầm lên tới 70-80kg/sào/năm. Với giá rươi trung bình 300-400 nghìn đồng mỗi cân, trung bình chủ đầm chỉ thu về trung bình trên dưới 10 triệu đồng/sào/năm. Cộng thêm các khoản thu từ cấy lúa, bắt cáy, cá lác, tôm rảo, cũng chỉ hơn 12 triệu đồng/sào/năm.

Mặc dù thực tế không hoàn toàn giống với “bánh vẽ” về nghề được coi là “hái ra tiền”, nhưng những câu chuyện về ông chủ đầm nọ, bà chủ đầm kia chỉ sau một đêm vớt được số “lộc trời” trị giá hàng trăm triệu vẫn râm ran làng trên, xóm dưới, len lỏi cả tới phố huyện. Vì thế, nhiều người vẫn liều lĩnh cầm cố nhà cửa, vườn tược vay tiền để “đánh bạc” với nghề nuôi rươi.

Bảo đảm đầu ra cho “lộc trời”

Giống như nhiều loại nông sản khác, rươi thường rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”. Thời điểm đầu mùa, hay khi rươi về ít, giá thương lái thu mua tại đầm có lúc lên tới 500.000-600.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi rươi về rộ, có khi chỉ 180.000-200.000 đồng/kg. Mà con rươi đủ ngày, đủ tháng thì nổi (quá trình sinh sản), không thể “găm” mãi dưới đầm. Bên cạnh đó, rươi không nuôi sống được lâu sau khi vớt, thường chỉ được 3-4 ngày. Mặc dù có thể cấp đông dùng dần, nhưng chất lượng không bằng tươi sống.

Cùng với bán một phần ở thị trường trong và ngoài TP.Hải Phòng, rươi chủ yếu được các thương mua xuất khẩu sang Trung Quốc. Mặc dù giá bán rươi tươi sống cao so với nhiều loại nông sản khác, nhưng chỉ bằng khoảng 1/2 so với rươi đã qua chế biến. Trong đó, rươi kho, chả rươi có giá 700.000-800.000 đồng/kg.

Để bảo đảm đầu ra cho đầu ra cũng như nâng cao giá trị sản phẩm rươi, thời gian qua, chính quyền các địa phương cũng như sở, ngành liên quan của TP.Hải Phòng, quan tâm hỗ trợ các cơ sở chế biến rươi hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, làm thủ tục đăng ký sản phẩm theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Đến nay, trên địa bàn TP.Hải Phòng có 2 cơ sở chế biến rươi mỗi năm tiêu thụ hàng chục tấn rươi. Trong đó, một cơ sở ở xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng chuyên sản xuất chả rươi làm sẵn và rươi đông lạnh. Cơ sở còn lại của Công ty TNHH Thịnh Phát Hải Phòng có 3 sản phẩm là rươi kho, chả rươi và rươi cấp đông ở nhiệt độ -60°C xuất khẩu đi các nước châu Âu. Các sản phẩm của 2 cơ sở này đều đã được UBND TP.Hải Phòng công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Sản phẩm rươi tươi sống tham gia Hội chợ nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2023 vừa diễn ra tại Hải Phòng (Ảnh: Thái Phan).

Bên cạnh đó, TP.Hải Phòng tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến rươi, các HTX cũng như bà con nông dân đưa rươi tươi sống và sản phẩm từ rươi tham dự các hội chợ về nông nghiệp, OCOP, thương mại. Mới đây nhất, tại Hội chợ nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2023 diễn ra tại Hải Phòng từ ngày 20 đến ngày 24/10, có các gian hàng dành riêng cho sản phẩm rươi đất Cảng.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hồng Sáng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng, cho biết, UBND TP.Hải Phòng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng đã có chỉ đạo các địa phương, đơn vị xem xét chuyển đổi diện tích đất cấy lúa năng suất thấp sang mô hình kết hợp lúa-rươi theo quy định.

Đồng thời, xem xét có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp cũng như các cơ sở chế biến nông-lâm sản nói chung, cơ sở thu mua, chế biến rươi nói riêng. Qua đó, bảo đảm đầu ra ổn định và nâng cao hiệu quả kinh tế của nghề nuôi rươi, để con rươi thực sự là “lộc trời” đem lại ấm no cho bà con gắn bó với nghề.

Ngô Quang Thái

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

Tin khác

Viettel sẵn sàng tạo lập cầu nối để 5G thực sự trở thành động lực góp phần thay đổi cuộc sống

Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…

19/12/2024

Huyện An Dương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024

Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…

19/12/2024

Lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…

19/12/2024

Định hướng sắp xếp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…

19/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More