Những ngày giáp Tết, lượng hàng hóa lưu thông thường tăng cao. Mặc dù triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ người dân di chuyển nhưng Hải Phòng vẫn tạo mọi điều kiện để hàng hóa thông thương, tránh gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là bà con tư thương, nông dân.
Hải Phòng là địa phương đầu mối giao thông của khu vực phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 bùng phát tại hai địa phương giáp ranh là Hải Dương và Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát tối đa sự lây lan của dịch bệnh.
Ngày 7/2, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành công văn hỏa tốc số 859/UBND-VX về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, để phù hợp với tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng quy định đối với công dân ra, vào thành phố không phải xuất trình xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Công dân ra vào thành phố thực hiện khai báo y tế tại chốt kiểm soát; trong đó nêu rõ lý do, lịch trình ra, vào thành phố, khai báo y tế tại các tổ kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 ở thôn, tổ dân phố; chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung khai báo và thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.
Đối với lái xe hàng hóa, xe container được miễn loại giấy tờ này. Theo đó chỉ cần ăn ở, bảo đảm giãn cách khi đi vào địa phận Hải Phòng lấy, trả hàng. Đây là những quy định thông thoáng mà Hải Phòng đưa ra nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa nội địa, hàng hóa xuất nhập khẩu qua hệ thống cảng biển Hải Phòng.
Đối với các mặt hàng nông sản từ các khu vực đang có dịch trên địa bàn tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh, ông Bùi Quang Hải, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, hiện dịch đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng thay đổi từng ngày. Theo chỉ đạo chung, Hải Phòng luôn tạo điều kiện tối đa cho hàng hóa lưu thông, tránh gây khó khăn cho tư thương và bà con. Tuy nhiên, do virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên hàng hóa nên việc lưu chuyển hàng hóa cũng căn cứ theo tình hình dịch bệnh từng giờ, từng ngày. Hàng hóa nào lưu thông sẽ được phun khử khuẩn và việc tiếp xúc trong giao nhận hàng cũng được thực hiện nghiêm túc theo quy định.
Theo ông Bùi Quang Hải, nhu cầu “cung” và “cầu” mặt hàng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu trên địa bàn thành phố Hải Phòng dự báo sẽ không biến động lớn và đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa phục vụ Tết. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ các loại thịt trên địa bàn thành phố ước đạt hơn 7.000 tấn/ tháng bao gồm cả thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm…, nguồn cung tại chỗ trên địa bàn trung bình 1 tháng đối với mặt hàng thịt lợn là hơn 1.800 tấn; trong đó nhu cầu thị trường 1 tháng là hơn 2.700 tấn. Lượng “cầu” vượt “cung” là 953 tấn.
Để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, tại hệ thống các siêu thị lớn trên địa bàn sẵn sàng cung ứng khoảng 300-350 tấn (chủ yếu từ hệ thống Big C, MM Mega Market, Vinmart và Vinmart†, Aeonmall, Coopmart…), còn khoảng hơn 500 tấn thịt được thu mua từ các tỉnh, thành lân cận như Hải Dương, Thái Bình, Nam Định…
Đối với mặt hàng thịt gia cầm, nguồn cung trung bình là hơn 5.700 tấn, nhu cầu thị trường dịp Tết là hơn 3.000 tấn; hải sản nguồn cung trung bình là hơn 15.000 tấn, nhu cầu thị trường tháng Tết là hơn 3.000 tấn; nhóm hàng thực phẩm chế biến nguồn cung là 2.700 tấn/ tháng, nhu cầu thị trường là hơn 1.000 tấn/ tháng; rau củ quả nguồn cung trung bình là hơn 26.000 tấn/tháng, nhu cầu thị trường là gần 20.000 tấn/tháng./.
Hoàng Ngọc/TTXVN
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More