Print Thứ Sáu, 19/04/2019 18:13

Sáng 19.4, LĐLĐ TP. Hải Phòng tổ chức Hội thảo Chính sách đối với lao động nhập cư tại TP. Hải Phòng.

Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Thị Nghĩa, đại diện các Ban TLĐ, lãnh đạo LĐLĐ 12 tỉnh, thành phố trong cả nước, đại diện lao động nhập cư, các sở ngành tại Hải Phòng.

Ông Tống Văn Băng – Chủ tịch LĐLĐ TP.Hải Phòng cho biết: Hải Phòng là địa phương có số dân đông thứ ba toàn quốc (sau TPHCM và Hà Nội), với khoảng 2,02 triệu người, trong độ tuổi lao động là 1,2 triệu người. Toàn thành phố có khoảng 15.225 doanh nghiệp đang hoạt động với trên 506.789 CNLĐ. Số lao động nhập cư (LĐNC) chiếm hơn 24% tổng số CNLĐ toàn TP, tập trung nhiều nhất ở Khu Kinh tế Hải Phòng.

Theo ông Trần Văn Huy – PGĐ Sở LĐTBXH TP. Hải Phòng, phần lớn LĐNC tại Hải Phòng đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung từ Nghệ An, Hà Tĩnh trở ra và một phần LĐ đến từ các huyện lân cận của tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương.

LĐNC tập trung nhiều ở các ngành nghề may mặc, giày da, thương mại dịch vụ, chế biến thủy sản,… Nhiều LĐNC là người các dân tộc thiểu số. LĐNC là người nước ngoài khoảng hơn 6.000 người, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hầu hết LĐNC phải tự thuê phòng trọ ẩm thấp, nóng bức và thiếu ánh sáng để ở, hình thành tự phát quanh các DN lớn và KCN, cụm CN.

Đại tá Đào Quang Trường – Phó Giám đốc Công an TP.Hải Phòng cho biết: LĐNC thường xuyên thay đổi chỗ ở và nơi làm việc, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc nắm tình hình, quản lý lưu trú trên địa bàn. Nhiều khu nhà trọ trở thành những địa điểm phức tạp với các tệ nạn như quấy rối nữ CN, cờ bạc, tín dụng đen, trộm cắp, lừa đảo…

Đại diện DN nói về chính sách cho lao động nhập cư.

LĐNC cũng ít có điều kiện để tiếp cận với đời sống văn hóa tinh thần, thông tin nghe nhìn, sách báo. Khi thực hiện các dịch vụ liên quan đến thủ tục, giấy tờ như giấy khai sinh, chứng thực tại nơi cư trú ở một số địa phương còn bị gây khó dễ. Con em LĐNC còn gặp khó khăn khi tham gia các nhóm trẻ, trường mầm non, tiểu học.

Theo ông Tống Văn Băng, thực tế cho thấy, LĐNC là đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là LĐNC nữ. LĐNC nữ phần lớn làm việc trong điều kiện vất vả, quá sức; Hạn chế học hành và chăm sóc sức khỏe. Họ còn bị thiệt thòi vì phải sống xa gia đình, thiếu thốn tình cảm. Cuộc sống nhà trọ chật chội, không đủ điều kiện chăm sóc con cái, mất nhiều chi phí cho ăn ở nên không tiết kiệm được nhiều, ít có thời gian nghỉ ngơi, đi lại khó khăn…

Do đó, mong muốn chung của LĐNC là được ổn định làm việc trong môi trường tốt, được đào tạo nghề, tiền lương đóng BHXH đúng quy định, có trường học cho con em, các chế độ chính sách đảm bảo.

Tại hội thảo, đại diện LĐLĐ của TPHCM, Thái Nguyên, Bình Dương, Nghệ An… cũng chia sẻ về những kinh nghiệm để quản lý LĐNC và đề xuất những giải pháp phù hợp cho LĐNC, mong muốn có sự phối hợp tốt giữa nơi di cư và nhập cư để tạo thuận lợi nhất cho NLĐ.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật nhấn mạnh, để tạo điều kiện cho LĐNC có môi trường sống và làm việc tốt, các cấp CĐ Hải Phòng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, có chế độ chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho LĐNC, cụ thể như về giá điện, nước, nhà trẻ; Quan tâm và tham gia với chính quyền địa phương trong việc xây dựng nhà trẻ, khu vui chơi, đảm bảo môi trường sống lành mạnh cho LĐNC.

H.Hoan
Theo Báo Lao động

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hải Phòng bàn chính sách phù hợp đối với lao động nhập cư
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác