Print Thứ năm, 13/05/2021 10:56 Gốc

Trong giai đoạn 2015-2020, Hải Phòng xây dựng khoảng 45 cây cầu; trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến cầu vượt biển Tân Vũ-Lạch Huyện có chiều dài khoảng 16km gồm cả đường dẫn.

Sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch là đòn bẩy để kinh tế-xã hội của thành phố Hải Phòng phát triển nhanh, mạnh trong hơn 5 năm qua.

Trong giai đoạn 2015-2020, Hải Phòng xây dựng khoảng 45 cây cầu; trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến cầu vượt biển Tân Vũ-Lạch Huyện có chiều dài khoảng 16km gồm cả đường dẫn.

Cầu Tân Vũ-Lạch Huyện là cây cầu vượt biển có chiều dài lớn nhất Việt Nam. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN).

Cây cầu được đưa vào sử dụng từ năm 2017 không chỉ rút ngắn khoảng cách từ Hải Phòng tới khu du lịch Cát Bà mà còn là điểm kết nối giao thương giữa Hải Phòng với quốc tế thông qua cảng nước sâu Lạch Huyện.

Một cây cầu khác vừa kết nối giao thông thuận tiện giữa nội thành Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên, vừa là điểm nhấn về du lịch của thành phố cảng đó là cầu Hoàng Văn Thụ thuộc dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm. Cây cầu này được mệnh danh là đẹp nhất Hải Phòng.

Cầu Hoàng Văn Thụ đưa vào hoạt động là một trong những bước góp phần hoàn thiện hệ thống trung tâm thành phố mới theo định hướng phát triển không gian đô thị và theo điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cầu Hoàng Văn Thụ là cây cầu hiện đại, do Việt Nam hoàn toàn thiết kế và thi công, một trong những công trình trọng điểm mang dấu ấn lớn của Hải Phòng. (Ảnh: Trọng Luân/TTXVN).

Tại hội nghị cán bộ thành phố học tập, tuyên truyền, quán triệt và triển khai nghị quyết Đại hội XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa được Thành ủy Hải Phòng tổ chức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng thông tin, giai đoạn 2021-2030, Hải Phòng sẽ đầu tư xây dựng hơn 100 cây cầu với tổng mức đầu tư hơn 83.000 tỷ đồng; trong đó, xây 100 cầu vượt sông, 13 cầu cạn, 13 cầu trên đường vành đai.

Ngoài sự phát triển vượt bậc về hệ thống giao thông đường bộ, thế mạnh về cảng biển của Hải Phòng cũng được phát huy mạnh mẽ.

Từ năm 2019, Cảng nước sâu Lạch Huyện chính thức được đưa vào khai thác.

Đại diện Cảng Container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HITC), đơn vị đầu tiên khai thác 2 bến thuộc cảng nước sâu Lạch Huyện đánh giá, đây là dấu mốc đánh dấu cảng biển số 1 khu vực phía Bắc tiếp nhận tàu tải trọng lớn với sức chở 12.000 TEU, trọng tải 132.000 DTW vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của các khu vực miền Bắc đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ thay vì phải trung chuyển qua một cảng khác như trước đây.

Cảng Quốc tế Lạch Huyện tại hải Phòng là cảng biển nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc. (Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN phát).

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đánh giá, ở góc độ hạ tầng cứng, với lợi thế là cửa ngõ chính ra biển của cả khu vực phía Bắc, Hải Phòng có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Bắc. Đặc biệt, Hải Phòng giữ vị trí trọng yếu trong hợp tác “Hai hành lang-Một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc, là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, các chỉ số kinh tế của Hải Phòng trong năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021 đều tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với cả nước dù trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Hải Phòng đang là “mảnh đất màu mỡ” thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến đầu tư tại thành phố.

Đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết, tính đến 15/4/2021, Hải Phòng có 770 dự án còn hiệu lực. Tổng vốn đầu tư của các dự án đạt trên 20.669 triệu USD. Tính từ đầu năm đến 15/4/2021 toàn thành phố có 12 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 87,81 triệu USD và 20 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng là 914,55 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng dự kiến thành lập thêm 15 khu công nghiệp mới với diện tích hơn 6.400 ha tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Ngoài thu hút đầu tư, hạ tầng giao thông phát triển là một trong những yếu tố đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Cảng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam, nếu như trước năm 2012, ngành du lịch Hải Phòng luôn không đạt chỉ tiêu đề ra thì từ năm 2013, lượng khách du lịch đến với thành phố tăng dần từng năm, đặc biệt trong giai đoạn 2016-2021, khách du lịch đến với thành phố tăng trung bình 20% mỗi năm.

Trong giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng xác định du lịch là 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế thành phố. Để phục vụ phát triển du lịch, thành phố Hải Phòng đã xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, thuận tiện, đồng thời mời gọi các nhà đầu tư lớn về lĩnh vực này đến với thành phố.

Đến thời điểm này, đã có 4 khách sạn 5 sao được đưa vào sử dụng và sẽ có 6 khách sạn 5 sao tiếp tục hoàn thiện từ nay đến năm 2025.

Cát Bà, Đồ Sơn và Đảo Vũ Yên được Hải Phòng xác định là 3 trọng điểm du lịch của thành phố./.

Minh Thu (TTXVN/Vietnam+)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Hạ tầng giao thông: Đòn bẩy thay đổi diện mạo thành phố Cảng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác