Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội phối hợp các quận, huyện, thị xã tăng quản lý phạm vi đất của đường bộ, báo cáo, đề xuất xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ, nhất là các tuyến cao tốc.
Mặc dù thường xuyên kiểm tra, giải tỏa vi phạm chiếm dụng hàng lang giao thông, vỉa hè, lòng đường bày bán hàng hóa cản trở giao thông, làm mất mỹ quan đường phố nhưng do lơ là nên tình trạng này vẫn tái diễn trên địa bàn nhiều quận, huyện ở Hà Nội.
Một số địa bàn thường xảy ra tình trạng chiếm dụng hàng lang giao thông, vỉa hè, lòng đường như địa bàn huyện Chương Mỹ có tuyến quốc lộ 6 chạy qua các xã: Đông Phương Yên, Đông Sơn, thị trấn Xuân Mai luôn có hàng trăm trường hợp thường xuyên chiếm dụng hàng lang giao thông đường bộ để các loại hàng hóa, biển hiệu quảng cáo, xe ôtô gây ảnh hưởng cho người và phương tiện giao thông.
Đáng chú ý, tại địa bàn xã Đông Phương Yên và Đông Sơn tồn tại 2 chợ cóc kéo dài 400-600m, hàng ngày các tiểu thương chiếm dụng hành lang giao thông bày bán hàng hóa rau, củ, quả, thịt, cá…
Ngoài quốc lộ 6, tình trạng chiếm dụng hành lang giao thông hai bên đường quốc lộ 21A đoạn đi qua xã Thủy Xuân Tiên và Nam Phương Tiến cũng diễn ra phổ biến.
Biển hiệu quảng cáo của các cửa hàng được đào sâu, chôn, hàn cố định chắn ngang hành lang giao thông hai bên đường khiến người đi bộ chỉ còn cách đi xuống lòng đường.
Đặc biệt, tại khu vực chợ bêtông, xã Thủy Xuân Tiên kéo dài hơn 100m dọc bên đường, từ sáng đến tối hành lang giao thông được các tiểu thương chiếm dụng căng bạt, cắm ô, bày đủ loại hàng hóa…
Hay trên dọc tuyến Quốc lộ 5, tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng chạy qua địa bàn thành phố Hà Nội và Hưng Yên, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt cũng diễn ra phức tạp.
Hàng loạt cá nhân, doanh nghiệp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để phục vụ kinh doanh, sản xuất gây nguy hiểm cho cho người tham gia giao thông, uy hiếp an toàn đường sắt.
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng thông tin về việc trên một số tuyến cao tốc xuất hiện các hành vi phá hoại hàng rào hộ lan, hàng rào bảo vệ, đấu nối trái phép vào các tuyến đường bộ đã quy hoạch thành đường cao tốc như: tuyến Hòa Lạc-Hòa Bình và một số tuyến cao tốc thành phố đang quản lý gây mất an toàn giao thông.
Tại đại lộ Thăng Long cũng xuất hiện tình trạng người dân ngang nhiên lấn chiếm lòng đường, vỉa hè của đường gom đại lộ để bày bán đủ loại mặt hàng, từ hoa quả, đồ ăn, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, đến cây cảnh trên cả hai chiều của tuyến đường.
Để đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng các tuyến đường bộ cao tốc thành phố Hà Nội đang quản lý khai thác; đồng thời, tăng cường quản lý và xử lý những hành vi xâm phạm, lấn chiếm đất hành lang an toàn đường bộ đối với các tuyến đường bộ đã quy hoạch thành đường cao tốc theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Giao thông Vận tải thành phố đã yêu cầu Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tổ chức rà soát, kiểm tra thực hiện bảo vệ kết cấu hạ tầng đường cao tốc; khai thác và bảo trì đường cao tốc, các tuyến cao tốc hiện hữu đang quản lý, khai thác trên địa bàn thành phố Hà Nội, bao gồm các tuyến: Đại lộ Thăng Long (Láng-Hòa Lạc) dài 30km; vành đai 3 dài 28km; Nội Bài-Nhật Tân (đoạn khai thác cao tốc) dài 15km.
Các đơn vị phối hợp các quận, huyện, thị xã, các địa phương có các tuyến đường bộ đã quy hoạch thành đường cao tốc tăng cường phối hợp quản lý phạm vi đất của đường bộ, báo cáo, đề xuất xử lý những vi phạm hành lang an toàn đường bộ tại các tuyến nêu trên.
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông và chính quyền các địa phương, chủ trì kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm lấn chiếm đất hành lang an toàn các tuyến đường cao tốc trên địa bàn thành phố, các hành vi phá hoại hàng rào hộ lan, hàng rào bảo vệ, đấu nối trái phép vào các tuyến đường bộ đã quy hoạch thành đường cao tốc (như tuyến Hòa Lạc-Hòa Bình) và một số tuyến cao tốc hiện hữu thành phố đang quản lý./.