Đồng chí Cao Bá Đáo sinh năm 1946, lớn lên ở làng Mỹ Lộc, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Thời chiến tranh, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh đã gác lại việc học để lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương, dù là con độc nhất nằm trong diện miễn nghĩa vụ quân sự theo quy định của nhà nước ở thời điểm ấy. Trong anh, ngoài tình yêu quê hương đất nước thiết tha còn sục sôi ý chí căm thù đế quốc đã cướp đi người cha thân yêu của mình.
Tháng 2/1964, anh nhập ngũ, được đơn vị cử đi học lái xe, sau đó về các đoàn vận tải 1,2,3 thuộc Tổng cục Hậu cần. Tháng 3/1965, anh được điều động về Đoàn Vận tải Quang Trung – Đoàn 559, rồi vinh dự về Đại đội 9 mang ngọn đèn xanh của Bác Hồ vào tuyến 3, tuyến cuối cùng của Đoàn 559 thuộc tỉnh Gia Lai- Kon Tum (Việt Nam) và Stung treng (Campuchia).
Nhiều năm cùng đồng đội lái xe vận chuyển hàng hóa vào chiến trường dưới mưa bom, bão đạn do B52 của Mỹ oanh tạc và những làn đạn 20 ly, 40 ly dày đặc của máy bay C130 trút xuống các cánh rừng trắng xóa trơ trụi không còn màu xanh do bị Mỹ rải chất Khai quang (Chất độc Dioxin).
Trong cuộc đời binh nghiệp của anh có rất nhiều kỷ niệm, nhưng có một kỷ niệm anh không bao giờ có thể quên được. Đó là vào tháng 4/1968, khi cả đơn vị vận chuyển hàng vào chiến trường B2, đang đi thì bị tắc đường do 01 xe bị chết máy nằm giữa ngầm. Cả đoàn xe đầy ắp hàng phải dừng lại. Trên đầu máy bay Mỹ đang quần đảo tìm mục tiêu ném bom. Trong tình thế cấp bách ấy, chính trị viên Đại đội Nguyễn Văn Thuận đã kêu gọi phải có 01 xe làm nghi binh để đánh lạc hướng máy bay địch. Nhiều cánh tay giơ lên xung phong, anh vinh dự được chỉ định. Anh đã nhanh chóng cho xe lao vào một đường khác, đi được 200m, anh bật đèn, chỉ 5 phút sau máy bay địch phát hiện có xe đã lao xuống bắn 40 ly trúng thùng xăng bốc cháy sau xe của anh. Không một chút do dự, anh đã gài số cho xe tự di chuyển và nhẩy khỏi xe. Chừng 5 phút sau (Cách xe chừng 10m), 01 quả bom phá của máy bay AD6 bắn trúng xe, xe bị phá hủy hoàn toàn. Anh ngất đi, khi tỉnh dậy, anh thấy mình đang nằm ở lán Ba ri e trực giao thông của E98 ngầm Nậm Công. Mọi người trong trạm nói với anh “Đồng chí bị ngất do sức ép của bom đêm qua. Xe đã bị cháy rồi”. Anh ôm ngực thở phào nhẹ nhõm khi thấy cả đoàn 120 xe hàng đã an toàn và tiếp tục lăn bánh chở hàng vào chiến trường. Sau sự kiện ấy, Binh trạm đã đề nghị tặng thưởng Huân chương chiến công cho anh và phát động toàn Binh trạm học tập: “Tấm gương sẵn sàng hy sinh quên mình vì đồng đội của đồng chí Cao Bá Đáo”.
Năm 1969, anh vinh dự được thay mặt cán bộ, chiến sĩ lái xe Tiểu đoàn 58 – Binh đoàn 37 về Hà Nội dự kỷ niệm 10 năm thành lập Đoàn 559 và báo cáo điển hình.Thời gian sau đó, cấp trên cử anh đi học và anh được điều động về Trung đoàn 98 Công binh.
10 năm xông pha chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn có biết bao kỷ niệm vui buồn. Tình cảm yêu thương, gắn bó của đồng chí, đồng đội đã chắp cánh cho anh trưởng thành từ một cán bộ Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn, Trung đoàn đến Sư đoàn và trải qua nhiều chiến dịch như: Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968; Chiến dịch đường 9 Nam Lào 1970; Chiến dịch Giang Sơn City 719; Chiến dịch Quảng Trị 1972 và cuộc Tổng tiến công 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Với những cống hiến và bề dày thành tích, anh đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng: 6 Huân chương chiến công các loại; 6 Huân chương chiến sĩ vẻ vang, giải phóng; 1 Huân chương chống Mỹ cứu nước; 2 Bằng dũng sĩ lái xe diệt Mỹ và nhiều huy chương, bằng khen các loại, … Nhiều năm anh được đơn vị bình bầu là chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng của đơn vị.
Không ngại gian khổ, hy sinh nơi bom đạn chiến trường để bảo vệ Tổ quốc, trở về với đời thường, người lính năm xưa lại tích cực tham gia công tác xã hội, đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Anh từng đảm nhận cương vị Chủ Tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường và tham gia Ban Chấp hành Đảng ủy phường Hồ Nam, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Nhiều năm liền, anh giữ vai trò là Trưởng Ban liên lạc Chiến sĩ Trường Sơn thành phố (Nay là Hội Truyền thống Trường Sơn thành phố Hải Phòng).
Dù ở cương vị nào, người chiến sĩ ấy vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Là người lính từng vào sinh ra tử để giành độc lập, tự do cho dân tộc, anh ý thức sâu sắc giá trị của hòa bình hôm nay. Là Chủ tịch Hội, anh cùng tập thể Ban Chấp hành luôn coi trọng công tác giáo dục Truyền thống Trường Sơn anh hùng. Anh đã chủ động tìm các tài liệu của Hội Truyền thống Trường Sơn Việt Nam và với kiến thức, kinh nghiệm thực tế của bản thân để soạn thảo ra các tài liệu tuyên truyền tại các trường học. Qua đó giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về những công lao, cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh vì độc lập, tự do cho dân tộc; hiểu thêm về người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa. Để thêm tự hào, biết ơn và ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình trong công cuộc dựng xây, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước hôm nay./.
Hồng Thanh
Sáng 28/12, Thường trực HĐND thành phố tổ chức họp thống nhất các nội dung…
Huyện Thủy Nguyên vừa thông tin trụ sở các đơn vị hành chính khi sắp…
Sau 10 ngày diễn tập với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, chiều 27/12,…
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định xử phạt đối với…
Vũ Hoàng Oanh là người có vai trò chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp thực…
Từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy và thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More