Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, chủ đề hoạt động hè “Hè vui khỏe, an toàn, sáng tạo” của Ban Chỉ đạo hè thành phố, ngành Văn hóa-Thể trao triển khai các hoạt động đào tạo, giảng dạy, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, góp phần thực hiện hóa những ước mơ xanh của thiếu nhi thành phố.
Họa sĩ Trần Bảo Châu trao đổi với các họa sĩ nhí Câu lạc bộ Mỹ thuật Trung tâm Văn hóa – Thông tin quận Ngô Quyền trong chuyến thực tế sáng tác.
Nâng cánh ước mơ
5 năm nay, họa sĩ Trần Thị Bảo Châu, hội viên Hội Mỹ thuật Hải Phòng, giáo viên mỹ thuật Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, gắn bó với Câu lạc bộ Mỹ thuật Trung tâm Văn hóa-Thông tin quận Ngô Quyền. Không chỉ trực tiếp giảng dạy trên lớp, nữ họa sĩ còn thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế, tham quan các danh lam, thắng cảnh, nhất là các di tích lịch sử để các cháu nhỏ trải nghiệm, học cách quan sát, vẽ trực họa hoặc ký họa. “Việc tổ chức các chuyến đi thực tế tại các di tích, như: đền Nghè, đình Hàng Kênh (quận Lê Chân), miếu Hai Bà (quận Ngô Quyền), Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc (huyện Kiến Thụy), Bến tàu không số, bến Nghiêng (quận Đồ Sơn), khu di tích Tràng Kênh (huyện Thủy Nguyên)… không chỉ giúp các cháu có cảm hứng sáng tác, còn là cách giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử hiệu quả cao”, nữ họa sĩ cho biết.
Họa sĩ Vũ Hoàng Châm, nguyên giảng viên Khoa đồ họa Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, hội viên Hội Mỹ thuật Hải Phòng cũng tham gia đào tạo vẽ cơ bản cho các em nhỏ. Từ nhiều năm nay, với cách dạy say sưa, tâm huyết của họa sĩ, nhiều phụ huynh tin tưởng gửi con em đến nhà riêng của họa sĩ tại phố Chợ Hàng (quận Lê Chân) để nhờ ông kèm cặp. Các họa sĩ khác là hội viên Hội Mỹ thuật Hải Phòng, như: Phạm Xuân Diệu, Đào Song Thắng, Đoàn Đức… cũng là những người đang trực tiếp giảng dạy bộ môn mỹ thuật, các lớp năng khiếu, câu lạc bộ sở thích tại các trường học, cung văn hóa thiếu nhi, trung tâm văn hóa – thông tin các quận, huyện trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cánh ước mơ của các họa sĩ nhí.
Với các bộ môn nghệ thuật khác, nhiều nghệ sĩ đang sinh hoạt tại các hội chuyên ngành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố cũng tham gia giảng dạy, đào tạo năng khiếu nghệ thuật cho thiếu nhi. Phó giám đốc Cung Văn hóa thiếu nhi thành phố Nguyễn Hữu Toàn cho biết, hiện một số câu lạc bộ chủ công của Cung như Câu lạc bộ múa có các nghệ sĩ Nguyễn Hồng Hạnh, Đinh Thúy Hậu (hội viên Hội Nghệ sĩ múa Hải Phòng), lớp ca có các ca sĩ, nhạc sĩ như Phạm Xuân Hải, Nguyễn Bích Thủy, Nguyễn Xuân Trí (hội viên Hội Âm nhạc Hải Phòng) tham gia giảng dạy… “Việc mời các nghệ sĩ tham gia trực tiếp giảng dạy các lớp năng khiếu, câu lạc bộ sở thích không chỉ nâng cao toàn diện chất lượng đào tạo, thực tế có nhiều cháu nhỏ tiến bộ, trưởng thành, đạt thành tích cao trong các cuộc thi năng khiếu cấp thành phố như Cây đàn tuổi thơ, Sơn ca và các cuộc thi cấp trung ương như cuộc thi Giọng hát Việt nhí, Đồ Rê Mí…”.
Cần thêm những người thày
Quan tâm đào tạo năng khiếu nghệ thuật cho thiếu nhi là việc làm thiết thực, góp phần định hướng nghề nghiệp tương lai cho các em. Vì thế, nhiều năm nay, ngành Giáo dục-Đào tạo, các cung, nhà văn hóa thiếu nhi, trung tâm văn hóa-thông tin các quận, huyện quan tâm thực hiện. Các cháu giành giải cao trong các cuộc thi về nghệ thuật cũng được thưởng điểm ưu tiên khi thi vượt cấp như các cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi các môn văn hóa. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghệ thuật dành cho thiếu nhi còn gặp một số vướng mắc.
Dạy năng khiếu nghệ thuật cho trẻ không khó, nhưng đòi hỏi người dạy phải tâm huyết, có phương pháp giảng dạy phù hợp. Theo nghệ sĩ múa Đinh Thúy Hậu, dạy múa cho thiếu nhi rất thuận lợi vì chân, tay các cháu khá mềm. Với các cháu sẵn có năng khiếu, nếu được uốn nắn ngay từ nhỏ, các động tác múa sẽ mềm mại, đẹp hơn. Tuy nhiên, do đặc tính hiếu động của lứa tuổi này, nhiều cháu lơ là, không tập trung. Vì thế, người dạy phải kiên trì, “vừa dạy vừa dỗ”, phân tích để các cháu cố gắng tập luyện, phát huy được tố chất sẵn có.
Mặc dù yêu thích công việc giảng dạy mỹ thuật tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin quận Ngô Quyền, nhưng hiện nữ họa sĩ Trần Thị Bảo Châu chỉ cố gắng duy trì được 1 buổi dạy/tuần. Chị cho biết, mỹ thuật là bộ môn phát triển tư duy tổng hợp cho trẻ, nhất là phát triển gu thẩm mỹ của trẻ trong tranh và cả trong cuộc sống, cụ thể là về màu sắc, đường nét, tạo hình. Chẳng hạn khi đi thực tế sáng tác, các cháu cảm nhận sự phong phú về màu sắc của thiên nhiên, vì sao lá cây ngoài màu xanh đậm, còn có màu vàng, màu đỏ. Hoặc phát triển tư duy về tình cảm, khơi gợi tình yêu thiên nhiên; phát triển tư duy về toán học khi biết so sánh tỷ lệ cái này với cái kia… Song không phải họa sĩ nào cũng hào hứng tham gia. “Nhiệm vụ quan trọng của người họa sĩ là sáng tạo tác phẩm, hơn nữa thù lao sau khi vẽ một bức tranh có khi còn cao hơn thù lao dạy vẽ cả tháng. Đó là lý do nhiều họa sĩ “ngại” tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi”, nữ họa sĩ chia sẻ.
Đông Hải – Báo Hải Phòng ngày 09/06/2018
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị…
Chiều 10.1, Ban Tổ chức hội thi truyền thống Vật dân tộc thời Mạc lần…
Sáng 10/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More