Print Thứ tư, 07/08/2024 18:56 Gốc

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị (khóa 12) về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhiều ý kiến của đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá sâu sắc, làm rõ hơn các kết quả đạt được của Hải Phòng cũng như chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc và gợi mở các giải pháp Hải Phòng cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Báo Hải Phòng lược ghi một số ý kiến tiêu biểu.

Đồng chí Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu của cả nước

Trước hết, tôi chúc mừng thành phố Hải Phòng về những thành tựu đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị. Tại hội nghị này, tôi muốn nhấn mạnh vào các cơ chế, chính sách để phát triển thành phố Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Trước hết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp thành phố Hải Phòng thực hiện sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 của Quốc hội, đồng thời tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách đột phá khác để đề xuất với Quốc hội bổ sung, sửa đổi, tiếp tục thực hiện cùng với Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.

Hải Phòng cần chủ động nghiên cứu, đánh giá các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay trong nước và quốc tế, nhất là các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại khu thương mại tự do trên thế giới để xây dựng “Đề án thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng” với một số cơ chế, chính sách đặc thù. Tiếp đó, nghiên cứu, xây dựng “Đề án tổ chức chính quyền đô thị” được quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, chế độ trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền thành phố gắn với một số cơ chế, chính sách hợp lý, kết hợp đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý theo “mô hình chính quyền đô thị” phù hợp đặc thù là đô thị loại 1 của thành phố Hải Phòng. Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu “mô hình cơ quan quản lý cảng” của cả nước, các nước trên thế giới để đề xuất áp dụng thí điểm tại thành phố Hải Phòng, bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hội nhập quốc tế.

TS. Đoàn Hải Yến, nguyên Trưởng Ban Tổng hợp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư):

Đẩy nhanh thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng

Việc thành lập KTMTD ở Hải Phòng với các mục tiêu: thí điểm mô hình, cơ chế, chính sách quản lý mới có hiệu quả hơn; tạo sức hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp hóa; thu hút lao động chất lượng cao; đẩy nhanh nhịp độ xây dựng kết cấu hạ tầng và quá trình đô thị hóa.

Trước mắt, để đẩy nhanh việc thành lập KTMTD Hải Phòng phải xúc tiến ngay một số công việc. Cụ thể là, UBND thành phố khẩn trương hoàn thành Đề án thành lập KTMTD Hải Phòng và Khu kinh tế biển phía Nam Hải Phòng để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, kiến nghị với Quốc hội ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35, trong đó có điều khoản về thành lập KTMTD Hải Phòng. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập, ủy quyền  UBND thành phố phối hợp các bộ, ngành liên quan ban hành chi tiết các cơ chế, chính sách và bộ máy vận hành phù hợp. Tiếp đó, UBND thành phố tổ chức nghiên cứu, phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng KTMTD, việc quy hoạch nên tổ chức đấu thầu có sự tham gia của tư vấn quốc tế.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

Các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa đối với Hải Phòng

Tôi đánh giá cao những kết quả đạt được của Hải Phòng trong 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị. Thời gian qua, thế giới, đất nước gặp vô vàn khó khăn, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng  hàng hóa nhưng tăng trưởng của Hải Phòng vẫn đạt hai con số. Đây là nỗ lực rất lớn của thành phố cần được đánh giá cao, ghi nhận thỏa đáng.

Muốn đánh giá Hải Phòng triển khai thực hiện nghị quyết tốt hay không tốt thì phải xem xét các giải pháp, nhất là cơ chế, chính sách dành cho Hải Phòng có tương xứng hay không. Vì thế, tôi đề nghị trong phần đánh giá của Ban Kinh tế Trung ương cần thể hiện khách quan hơn nữa trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương trong việc tham mưu, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi đối với thành phố Hải Phòng, nhất là điều kiện về mặt thể chế. Mặt khác, quá trình xây dựng nghị quyết, các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ta mang tính chiến lược dài hạn. 5 năm qua là thời điểm bắt đầu triển khai, đặt nền tảng chứ chưa phải gặt hái thành quả; còn định hình Hải Phòng trở nên như thế nào cần cả quá trình triển khai thực hiện nghị quyết. Trên thực tế, cảng biến, khu kinh tế, sân bay… mà thành phố đang tập trung triển khai hay mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư tại khu đô thị mới – đảo Vũ Yên trong bối cảnh khó khăn vừa qua là kết quả của quá trình nỗ lực phấn đấu, vươn lên của Hải Phòng.

Trung ương nên “mở” ra cho Hải Phòng các cơ chế, chính sách vượt trội hơn; dành nguồn lực đầu tư cho Hải Phòng mạnh mẽ hơn, nhất là đầu tư các công trình, dự án của Hải Phòng nhưng có ý nghĩa lớn đối với cả nước. Cùng với đó, Trung ương đẩy mạnh phân cấp, trao quyền chủ động cho Hải Phòng với tinh thần “tự quyết, tự chịu trách nhiệm”. Có thực hiện các giải pháp này, Hải Phòng mới có thể phát triển xứng tầm, Hải Phòng không chỉ vì mình, còn trở thành động lực quan trọng của vùng và cả nước.

TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Cần có các chính sách dẫn dắt, phát triển các doanh nghiệp tư nhân

Qua theo dõi tình hình phát triển của Hải Phòng, phải khẳng định thành phố đóng góp rất lớn đối với cả nước, là một trong những địa phương đi đầu về phát triển bền vững, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong câu chuyện xây dựng, phát triển Hải Phòng theo các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, tôi cho rằng khi sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách đột phá phải gắn với các xu thế mới, nhất là thu hút nhà đầu tư chiến lược đến tìm hiểu và lựa chọn đầu tư tại Hải Phòng. Việc thu hút nhà đầu tư chiến lược này theo tôi không chỉ là tạo chuyển biến cơ bản để thu hút FDI, còn phải là sự lan tỏa sức sống, là đổi mới sáng tạo, là bộ máy chính quyền thân thiện, là tạo giá trị gia tăng cao… Trong đó, cần có các chính sách dẫn dắt, phát triển các doanh nghiệp khu vực tư nhân nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng. Điều nữa tôi muốn nhấn mạnh là làm thế nào lan tỏa hình ảnh, vị thế của Hải Phòng, tận dụng được hết các lợi thế của thành phố để phát triển, trở thành trung tâm dịch vụ, logistics của cả nước. Cùng với đó là tích hợp dữ liệu tốt nhất, quản lý thông minh nhất đối với trung tâm dịch vụ này. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó không chỉ tập trung đào tạo kỹ năng, còn phải nâng cao trình độ nhân lực lao động, đi cùng với đó là các cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút, “giữ chân” người lao động từ các tỉnh, thành phố khác và các chuyên gia nước ngoài dịch chuyển đến sinh sống, làm việc, gắn bó và cống hiến cho Hải Phòng. Điều đó đòi hỏi Hải Phòng phải trở thành thành phố đáng sống trên cơ sở chế độ tiền lương và các dịch vụ, chính sách an sinh xã hội liên quan đến giáo dục, y tế, vui chơi giải trí…

Đồng chí Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội:

Nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp

Nhìn lại 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị và hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội có thể khẳng định, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn mà Trung ương, thành phố chưa thể hình dung khi ban hành nghị quyết nhưng Hải Phòng nỗ lực vượt qua, trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách đạt hơn 100 nghìn tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào tài chính quốc gia cũng như thể hiện “tinh thần Hải Phòng” là Hải Phòng không chỉ phát triển riêng cho mình, còn vì sự phát triển chung của cả nước.

Đối với một số chỉ tiêu mà trong báo cáo sơ kết đánh giá là chưa đạt, như liên quan đến tỷ trọng GRDP của Hải Phòng đạt hơn 12%, nhưng chỉ đạt khoảng 60 % chỉ tiêu nghị quyết, chúng ta cần đánh giá rõ việc giao nhiệm vụ như thế liệu có cao quá không? Vì thế, theo tôi trong báo cáo sơ kết, Ban Chỉ đạo đề án cần đánh giá kỹ lưỡng, phân tích thấu đáo nguyên nhân từ thực tiễn, tạo cơ sở quan trọng để đề xuất các cơ chế, chính sách mới giúp Hải Phòng thực hiện chỉ tiêu được giao. Trong đó cần làm rõ chủ trương của Trung ương; đề xuất cụ thể hơn, rõ nét, đầy đủ hơn về việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù mới hơn, vượt trội hơn để Hải Phòng phát triển trong thời gian tới. Cùng với đó, thành phố Hải Phòng cũng xác định rõ những nguyên nhân do chủ quan trong tổ chức thực hiện để hoạch định những giải pháp tiếp theo trong tương lai hiệu quả cao hơn.

Về định hướng trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng cần có các đề xuất về cơ chế, chính sách mới phù hợp, chính xác, thỏa đáng hơn. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết nghị các cơ chế, chính sách đặc thù bổ sung. Trong đó có việc nghiên cứu, xem xét, đề xuất rõ việc thành lập Khu Thương mại tự do Hải Phòng với các điều kiện phù hợp, sát thực tiễn, có tính khả thi cao. Cùng với đó là đề xuất các chính sách ưu đãi thu hút các nguồn lực trong xã hội để phát triển kinh tế; phát triển trung tâm logistics, cảng biển và cơ chế phân cấp quản lý ngân sách, điều tiết tỷ lệ nộp về Trung ương phù hợp.

Bài:Trịnh Thường; ảnh: Duy Thính

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Gợi mở các giải pháp trọng tâm, khả thi để Hải Phòng phát triển đột phá, trở thành động lực phát triển của vùng và cả nước
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác