Cần thông tin rộng rãi tình hình biên mậu tới các bộ chuyên ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có thông báo tới các chủ hàng, doanh nghiệp. Nếu muốn thông quan nhanh chóng, trong tình thế hiện nay chủ hàng và doanh nghiệp có thể thực hiện xuất khẩu chính ngạch và chấp nhận mất phí VAT, còn hơn là để hàng hóa hỏng hoặc tồn đọng phải giải cứu.
Hàng ác tắc do đợi cặp chợ
Tại cuộc họp lần thứ 6 của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban Chỉ đạo 1899) diễn ra vào ngày 6/2 tại Hà Nội, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, trên thực tế hoạt động xuất nhập khẩu tại biên giới những ngày qua đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn khá khó khăn.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ các xe hàng xuất khẩu tại một số tỉnh biên giới phía Bắc.
Thứ nhất, phía Trung Quốc kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên đán (thêm 3 ngày) đến ngày 3/2 để ngăn dịch viêm phổi cấp lây lan. Từ ngày 3/2, Trung Quốc mở cửa thông quan hàng hóa chính ngạch ở các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Tuy nhiên, các xe chở thanh long của Việt Nam tập kết tại cửa khẩu ở Lạng Sơn lại không đi đường chính ngạch mà chủ hàng tính đường xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân qua các cặp chợ biên giới để tránh mất phí VAT. Trong khi đó, phía Trung Quốc thông báo các cặp chợ có thể đóng cửa đến hết ngày 8/2 và mở trở lại vào ngày 9/2.
Ngoài ra, vấn đề đang vướng hiện là công tác phòng dịch ở khu vực biên giới khi thông quan hàng hóa. “Sau khi lái xe đưa hàng qua biên giới thì khi trở về bị cách ly 14 ngày để đề phòng dịch lây lan. Bộ Công thương đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Y tế đề nghị có quy trình thống nhất để đảm bảo vừa phòng chống dịch, vừa thông quan hàng hóa, bởi hàng hóa không thể tự đi qua biên giới mà phải có phương tiện vận chuyển và người điều khiển phương tiện”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Bộ Công thương đề xuất phương án, khi xe chở hàng từ các tỉnh/thành đến cửa khẩu thì sẽ được bố trí lái xe riêng của ban quản lý cửa khẩu để điều khiển xe qua biên giới giao hàng. Lái xe này sẽ được trang bị bảo hộ y tế theo yêu cầu của Bộ Y tế và khi quay về, lái xe đó không cần bị cách ly bởi đã được cách ly tại khu vực cửa khẩu. Sau đó, lái xe sẽ bàn giao lại phương tiện cho chủ xe.
Tại Lạng Sơn, một số chủ hàng đã xuất hàng sang Trung Quốc theo đường chính ngạch và chấp nhận mất thêm chi phí VAT…trong khi nhiều chủ hàng khác vẫn gắng chờ phía Trung Quốc mở cửa cặp chợ trở lại để tránh mất phí VAT. Điều này dẫn đến rủi ro lớn bởi nếu tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu đạt đỉnh, thì có khả năng Trung Quốc lại lùi thời gian mở cặp chợ.
Cần quy trình phòng dịch thống nhất
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, tại khu vực cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và Lào Cai, hàng hóa vẫn bị ùn ứ do chưa thống nhất được phương án phòng dịch và cách thức vận chuyển hàng hóa, cả ở chiều xe từ Việt Nam sang Trung Quốc và chiều ngược lại.
Đối với việc nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển, đơn cử tại Hải Phòng, cơ quan chức năng đang xử lý bằng cách hướng dẫn các tàu di chuyển ra đảo Hòn Dấu để khử trùng. Do vậy, phát sinh các quy trình xử lý phòng dịch rất khác nhau.
“Chúng ta có nhiều cảng biển và mỗi cảng lại áp dụng các phương pháp phòng dịch khác nhau, thậm chí ở biên giới phía Tây và phía Tây Nam có thể áp dụng quy trình phòng dịch khác đối với những người đã từng đi qua vùng có dịch… Điều này có thể gây ra sự không nhất quán trong công tác phòng chống dịch và gây cản trở quá mức cần thiết cho hoạt động xuất nhập khẩu”, ông Khánh lo ngại.
Bộ Công thương đã đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch giao cho Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải xây dựng quy trình thống nhất phòng chống dịch ở các cửa khẩu tuyến 2 để có sự nới lỏng nhất định để tránh gây gián đoạn không cần thiết cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý Thủ tướng đã nhấn mạnh phải quyết tâm phòng chống dịch viêm phổi cấp tại cuộc họp Chính phủ hôm qua 5/2. Trên thực tế, Việt Nam đã làm tốt hơn những gì Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, nhưng đồng thời phải tính toán các giải pháp duy trì tăng tưởng cũng như các vấn đề phát triển kinh tế – xã hội khác.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, số liệu mới cập nhập cho thấy tại cửa khẩu Hữu Nghị, hôm qua 5/2 đã thông quan được 50 container thanh long sang Trung Quốc và hôm nay thêm 10 container khác được thông quan và hiện còn ùn ứ 200 container khác. Hàng nhập khẩu của Samsung cũng đang tồn 3-4 container tại cửa khẩu này. Còn tại cửa khẩu Tân Thanh, rất nhiều container hàng hóa đang chờ được thông quan.
Phó Thủ tướng đề nghị hải quan Việt Nam nghiên cứu phối hợp với hải quan nước bạn (Trung Quốc – PV), cần thiết phải gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc để có giải pháp về vấn đề này.
Cần thông tin rộng rãi tình hình biên mậu tới các bộ chuyên ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có thông báo tới các chủ hàng, doanh nghiệp. Nếu muốn thông quan nhanh chóng, trong tình thế hiện nay chủ hàng và doanh nghiệp có thể thực hiện xuất khẩu chính ngạch và chấp nhận mất phí VAT, còn hơn là để hàng hóa hỏng hoặc tồn đọng phải giải cứu.
“Mình ăn không hết được. Thị trường Trung Quốc tiêu thụ đến 1/3 lượng nông sản Việt Nam. Vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 7-8 đoàn công tác đi Brazil, châu Phi… nhưng để tìm thị trường mới là không dễ, có thể mất cả năm hay thậm chí vài năm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Do vậy, phải thông tin đến các chủ hàng để họ nắm được tình hình giao thương biên giới và chủ động có phương án trong trường hợp Trung Quốc lùi thời gian mở cửa cặp chợ.
Về công tác phòng dịch tại khu vực biên giới, Phó Thủ tướng lưu ý, cần có quy trình được thảo luận kỹ giữa Bộ Y tế, các bộ, ngành khác và thống nhất với phía bạn (Trung Quốc – PV).
Có lẽ không cần yêu cầu quy trình quá phức tạp cho người điều khiển phương tiện chở hàng qua biên giới mà cần trang bị cho họ bộ đồ phòng dịch như bộ bảo hộ của bác sĩ, Phó Thủ tướng gợi ý.