Print Thứ năm, 11/05/2023 11:40 Gốc

Trong bối cảnh công nghệ thông tin, mạng xã hội bùng nổ, trẻ em được tiếp xúc với điện thoại từ sớm dễ nảy sinh tình trạng “nghiện”, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và trí tuệ. Để trẻ “cai” điện thoại cần sự chung tay của gia đình, nhà trường, hướng các em tới lối sống lành mạnh, hữu ích…

Những hệ lụy từ “nghiện”…

Hiện, không khó bắt gặp hình ảnh trẻ em thay vì nô đùa, chạy nhảy lại dán mắt vào màn hình điện thoại, không quan tâm đến chung quanh khiến người lớn lo lắng. Mỗi bữa ăn, gia đình chị Phạm Phương Thảo, ở số 33/274 đường Ngô Quyền (quận Ngô Quyền), phải bật điện thoại thì bé Trần Hoàng Anh, 2 tuổi, mới chịu ăn. Chị Thảo phân trần: Từ lúc 6 tháng, mỗi khi cho ăn dặm, để bé ngồi yên, gia đình thường bật điện thoại cho cháu xem. Lâu dần hình thành thói quen, cứ đến bữa phải bật điện thoại cháu mới chịu ăn. Nhiều lúc lo ngại ảnh hưởng đến mắt, nên gia đình không cho cháu xem điện thoại, nhưng cháu gào khóc, không chịu ăn. Còn với chị Đào Thị Loan, ở ngõ 244 phố Đồng Hòa (quận Kiến An), mỗi khi nhìn cặp kính cận con đeo lại thở dài. Để hai cậu con trai 4 tuổi và đang học lớp 6 bớt nghịch ngợm, tranh giành, chị “phát” cho mỗi con một điện thoại. Ban đầu, chiếc điện thoại giúp chị “giữ” con, để có nhiều thời gian làm việc nhà. Tuy nhiên, sau thời gian, các con chị ngày càng chìm đắm vào “thế giới” điện thoại, không thích nói chuyện với bố mẹ, chị còn phải đưa con đi cắt kính cận, điểm số của con lớn sụt giảm.

Tại hội thảo “Môi trường Internet an toàn: Giải pháp trong trường học”, tổ chức tháng 3 vừa qua, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Đăng Khoa nhận định: Việt Nam có 24,7 triệu trẻ em (chiếm 25% dân số) và 2/3 số này dùng dùng internet. Độ tuổi dùng internet nhiều nhất 14-15 (93%), tiếp đó 12-13 tuổi (82%). Tại Hải Phòng, chưa có thống kê riêng, nhưng hiện số học sinh cấp THCS và THPT sử dụng điện thoại ngày càng nhiều. Theo Phó chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thúy Liễu, cho trẻ sử dụng điện thoại nhiều khiến trẻ dần tách khỏi các mối quan hệ xã hội thông thường, thậm chí cả với cha mẹ. Trẻ sẽ không phát triển các kỹ năng giao tiếp cơ bản, không giao lưu với thế giới bên ngoài dẫn đến lầm lì, bạo lực; tăng động giảm chú ý, thậm chí trầm cảm. Ngoài ra, trẻ sử dụng điện thoại còn đối mặt với những nguy cơ bị bắt nạt trên mạng, lạm dụng thông tin, hình ảnh, bị lừa đảo, tiếp xúc các trang web “độc, hại”…

Cha mẹ dành nhiều thời gian cho con sẽ giúp con phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần.

Cần sự chung tay của gia đình, nhà trường

Có nhiều nguyên dẫn đến số trẻ “nghiện” điện thoại ngày càng tăng, theo bà Phạm Thị Tố Quyên, chuyên viên tâm lý và phát triển kỹ năng giáo dục đặc biệt, nhà sáng lập Câu lạc bộ Học tập Beedo, trước hết trách nhiệm thuộc về gia đình. Ngày nay, do cuộc sống bận rộn, nhiều bậc cha mẹ không có thời gian quan tâm, trò chuyện, vui chơi cùng con. Nhiều người phải đi làm xa, gia đình tan vỡ, phó mặc việc chăm con cho ông bà. Trẻ thiếu vắng sự yêu thương chăm sóc của bố mẹ, khi gặp các khó khăn trong học tập hay các mối quan hệ với bạn bè không được chia sẻ sẽ tìm tới thiết bị điện tử giải tỏa tâm lý, áp lực cuộc sống. Ngoài ra, sự hấp dẫn của trò chơi điện tử và mạng xã hội… cũng là nguyên nhân khiến trẻ “sa” vào khó dứt…

Không phủ nhận lợi ích của điện thoại thông minh đối với đời sống con người. Tuy nhiên, trước việc nhiều trẻ “nghiện” điện thoại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần, Trưởng Phòng Hỗ trợ và Can thiệp (Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng) Phạm Thị Minh Thường cho rằng, để con “cai” điện thoại, trước tiên, cha mẹ cần sắp xếp thời gian ở bên con. Cùng với đó, cha mẹ làm gương đối với con trong sử dụng điện thoại hợp lý. Theo bà Thường, với từng lứa tuổi sẽ triển khai giải pháp phù hợp. Ở cấp mầm non, tiểu học, cha, mẹ dành thời gian trò chuyện, vui chơi với trẻ hằng ngày để tăng sự gắn kết gia đình, giúp trẻ tránh xa thiết bị điện tử. Với cấp THCS, ngoài giờ học, cha mẹ nên hướng con vào các công việc như nấu ăn, làm việc nhà, cùng con tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi lành mạnh ngoài trời. Với học sinh cấp THPT, các em được sử dụng điện thoại để phục vụ học tập, tuy nhiên gia đình cần kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn con sử dụng đúng mục đích. Cha mẹ cũng cần dành thời gian lắng nghe tâm sự của con để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc tuổi mới lớn. Ngoài ra, không thể thiếu vai trò của nhà trường, ngoài giáo dục kiến thức, nhà trường nên tổ chức các câu lạc bộ năng khiếu, ca nhạc, thể thao… giúp các em có “sân chơi” lành mạnh, tránh xa thiết bị điện tử, giải tỏa tinh thần sau những giờ học căng thẳng./.

Tin và Ảnh: Bùi Hạnh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Giúp trẻ “cai” điện thoại: Gia đình và nhà trường cùng chung tay
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác