Khu vực bến tàu xã Gia Luận (huyện Cát Hải) cuối tháng 3 tấp nập. Bên cạnh các tàu du lịch nườm nượp vào ra chở khách đi tham quan vùng vịnh Thoi Quýt tuyệt đẹp, còn có đội tàu lặng lẽ xuôi ngược kéo theo những bè, mảng nuôi thủy sản. Đó là đợt ra quân cắt giảm lồng, bè nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại các vịnh Cát Bà do UBND huyện Cát Hải tổ chức. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên ngày đầu ra quân, 6 hộ dân NTTS tại khu vực bến tàu Gia Luận tự nguyện tháo dỡ, cắt giảm 20 giàn bè nuôi thủy sản với diện tích hơn 2 nghìn mét vuông…
Khu vực bến tàu xã Gia Luận (huyện Cát Hải) cuối tháng 3 tấp nập. Bên cạnh các tàu du lịch nườm nượp vào ra chở khách đi tham quan vùng vịnh Thoi Quýt tuyệt đẹp, còn có đội tàu lặng lẽ xuôi ngược kéo theo những bè, mảng nuôi thủy sản. Đó là đợt ra quân cắt giảm lồng, bè nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại các vịnh Cát Bà do UBND huyện Cát Hải tổ chức. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên ngày đầu ra quân, 6 hộ dân NTTS tại khu vực bến tàu Gia Luận tự nguyện tháo dỡ, cắt giảm 20 giàn bè nuôi thủy sản với diện tích hơn 2 nghìn mét vuông…
Vịnh Lan Hạ xanh mát là điểm tham quan thú vị thu hút du khách. Ảnh: Nguyễn Thủy
Cùng với việc cắt giảm lồng, bè, công tác thu gom, từ đầu năm 2018, huyện xây dựng kế hoạch chi tiết, tập trung thu gom, vớt rác những khu trung tâm, các luồng lạch giao thông chính, tuyến du lịch, các tùng vụng… Lượng rác bình quân thu gom 7-8 m3/ ngày, có ngày tới 10 m3. Nhân lực, phương tiện thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác trên các vịnh được đầu tư, bổ sung. Hiện Ban quản lý (BQL) vịnh có 3 tàu, 12 lao động làm việc 8-9 giờ/ hằng ngày, chia đều tại 3 khu vực vịnh chính: Cát Bà, Bến Bèo, Lan Hạ… Hiện, BQL đang triển khai đóng thêm 1 tàu thu gom, 2 phương tiện làm công tác vệ sinh môi trường trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân và khách du lịch cũng được nâng lên đáng kể, nhất là từ khi danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà được xếp hạng di tích quốc đặc biệt. Nhiều bạn trẻ đến từ mọi miền Tổ quốc tích cực tham gia hoạt động bảo vệ môi trường vịnh thông qua các “chiến dịch” như: gom rác cho biển cả, làm sạch biển… Do đó, những năm gần đây cảnh quan môi trường trên vịnh cải thiện rõ rệt.
Theo Giám đốc BQL các vịnh Cát Bà, Nguyễn Công Hòa, thực hiện chủ đề năm 2018 của huyện “Tập trung giải phóng mặt bằng, tăng cường quản lý môi trường vịnh”, huyện Cát Hải phấn đấu cắt giảm 20% số ô, lồng bè NTTS trong tổng số hơn 4.000 ô, lồng bè đang hoạt động trên biển, đồng thời, di chuyển các lồng bè về khu vực quy hoạch. Trong thời gian tới, BQL tích cực tuyên truyền trực tiếp, vận động bằng loa phát thanh, phát tài liệu, qua hệ thống tin nhắn tới các chủ cơ sở NTTS thực hiện cắt giảm 100% số giàn bè nuôi nhuyễn thể trước ngày 30-6-2018 và thu hồi sản phẩm hoàn trả diện tích tự nhiên các bãi nuôi trước ngày 30-11-2018.
Để làm mới sản phẩm du lịch, tăng cường quảng bá hình ảnh, phát huy hết các tiềm năng sẵn có của địa phương, giữ chân du khách đến với Cát Bà lâu hơn, năm 2018, UBND huyện Cát Hải lập Đề án quy hoạch, quản lý địa điểm neo đậu tàu thủy lưu trú du lịch qua đêm trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Để thực hiện Đề án này, việc giữ gìn cảnh quan và môi trường vịnh là rất cần thiết. Trong thời gian tới, huyện phối hợp với Sở Du lịch đề nghị thành phố ban hành quy chế quản lý các hoạt động trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Huyện cũng mong UBND thành phố sớm phê duyệt cơ chế hỗ trợ đối với các chủ cơ sở NTTS thực hiệc cắt giảm, tháo dỡ, di dời theo quy hoạch của Quyết định 538 để bảo đảm an sinh xã hội cho các hộ sinh sống trên vịnh…
(Báo Hải Phòng 31/03/2018)