Hải Phòng ngày nay là thành phố cảng quan trọng, đầu mối giao thông quốc tế, cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc Việt Nam; đồng thời là trung tâm kinh tế, công nghiệp-thương mại, du lịch, dịch vụ và văn hóa; vùng động lực phát triển quan trọng của đất nước.
Nằm trong hệ tọa độ địa lý 20 độ 30 phút 39 giây đến 21 độ 1 phút 15 giây vĩ độ Bắc và 106 độ 23 phút đến 107 độ 08 phút 39 giây kinh độ Đông, giáp các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, nhìn ra biển Đông với 125km bờ biển và các cụm đảo Long Châu, Cát Hải, Cát Bà, Bạch Long Vỹ…, Hải Phòng có vị thế chiến lược về địa kinh tế, chính trị, văn hóa và quốc phòng-an ninh của đất nước.
Được thành lập vào những năm 80 của thế kỷ thứ 19, Hải Phòng là một thành phố trẻ, ra đời trên nền tảng của một vùng đất có bề dầy lịch sử và văn hóa lâu đời của nước ta:
Về tự nhiên: Hải Phòng là vùng đất cổ có lịch sử tiến hóa địa chất lâu dài từ hàng trăm triệu năm trước; có cảnh quan địa hình và hệ thực vật, động vật ở các vùng đồi núi, đồng bằng, vùng cửa sông, vịnh biển và hải đảo vô cùng phong phú, đa dạng.
Về con người: Khoảng 2 vạn năm trước, người nguyên thủy đã sinh sống ở Hải Phòng. Tiếp đó, các chứng tích lịch sử từ Cái Bèo (Cát Bà), Núi Voi (An Lão), Tràng Kênh (Thủy Nguyên), Việt Khê (Thủy Nguyên) là những nét gạch nối tuyệt đẹp của con người nơi đây bước từ thời đại đồ đá sang thời đại đồ kim khí (đồ đồng, đồ sắt). Đây là chủ nhân của văn hóa vật chất ven biển-văn hóa Hạ Long, đồng thời giao thoa và góp phần tạo dựng nền văn minh sông Hồng của đân tộc Việt Nam.
Về truyền thống lịch sử, văn hóa: Ngay từ thủa các vua Hùng dựng nước, Hải Phòng đã là một trong mười lăm Bộ của nước Văn Lang. Lịch sử Hải Phòng là lịch sử của lớp lớp thế hệ người Hải Phòng từ khắp mọi miền đất nước và cả người nước ngoài nối tiếp nhau đến đây để cùng nhau dựng xây, phát triển và bảo vệ vùng đất “đầu sóng“, “đầy nắng“, “đầy gió“, “Phên dậu” phía Đông Tổ quốc này. Tụ cư lấn biển, lập ấp dựng làng, vật lộn với gió bão, chiến đấu với giặc cướp, giặc ngoại xâm, chung lưng xây dựng cuộc sống, là nét quy luật của lịch sử hình thành và phát triển Hải Phòng. Cần cù sáng tạo trong lao động; cởi mở, phóng khoáng, trọng nghĩa trong giao tiếp; yêu quê hương, đất nước nồng nàn, trung dũng, kiên cường trước thiên nhiên, trước giặc giã; dân chủ trước những bất bằng xã hội, là đặc tính, bản sắc văn hóa của người Hải Phòng được hình thành trong quá trình chinh phục và giữ gìn mảnh đất đầu sóng, ngọn gió này của đất nước Việt Nam.
Trong cuộc chiến nghìn năm chống Bắc thuộc, người Hải Phòng luôn tỏ rõ tinh thần yêu nước, đấu tranh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc khi cùng Nữ tướng Lê Chân lập ấp, dựng làng, tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Đông Hán (năm 40-43), lập nên “Hải tần phòng thủ“. Người Hải Phòng liên tục tham gia các cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (năm 542) đánh đuổi quân Lương, lập nước Vạn Xuân; giúp Hậu Lý Nam Đế kháng chiến chống quân Tùy xâm lược (năm 603); tham gia các cuộc khởi nghĩa chống lại quân xâm lược nhà Đường; đỉnh cao là tham gia vào trận đại phá quân Nam Hán của Ngô Quyền trên dòng sông Bạch Đằng năm 938, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc ta. Từ đại thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán đến đại thắng Bạch Đằng năm 981 của Lê Hoàn trong kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất; đặc biệt là đại thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân và dân Nhà Trần đập tan mộng xâm lăng Đại Việt và bá chủ thế giới của đế quốc Nguyên Mông, Hải Phòng là nơi hồn thiêng sông núi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng truyền thống Bạch Đằng hết sức vẻ vang của dân tộc ta, của người Hải Phòng.
Cùng với truyền thống yêu nước nồng nàn, người Hải Phòng cũng luôn tỏ rõ tinh thần dân chủ, không chịu khuất phục trước áp bức, cường quyền khi tích cực tham gia các cuộc khởi nghĩa nông dân do Nguyễn Hữu Cầu và Phan Bá Vành lãnh đạo chống lại các tập đoàn phong kiến thối nát.
Cần cù trong lao động, người Hải Phòng đã tỏ rõ năng lực sáng tạo, luôn sáng tạo trong dựng xây đời sống vật chất và đời sống tinh thần thấm đẫm bản sắc văn hóa biển qua kỹ thuật tinh xảo chế tác đồ đá ở Cái Bèo (Cát Bà), Tràng Kênh (Thủy Nguyên), đúc đồng Việt Khê (Thủy Nguyên), tạc tượng (Đồng Minh, Vĩnh Bảo)…đến những sinh hoạt lễ hội văn hóa truyền thống như hát đúm, chọi trâu, đánh đu, đánh vật, đua thuyền, múa rối nước…Với gần 100 vị đỗ đại khoa qua các khoa thi thời phong kiến và với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và các học trò xuất sắc của ông, đủ thấy tài hoa của người Hải Phòng góp phần vào tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam…
Chính trên nền tảng bề dầy lịch sử văn hóa, truyền thống Bạch Đằng yêu nước vẻ vang ấy và với tư cách là một thành phố Cảng lớn thứ ba ở Đông Dương, một trong những cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam mà Hải Phòng đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) lựa chọn là một trong những đầu cầu để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin vào trong nước từ giữa những năm 20 của thế kỷ thứ 20, từng bước kết hợp nhuần nhuyễn với phong trào công nhân và phong trào yêu nước để tất yếu dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03-02-1930 và của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hải Phòng vào tháng 4-1930. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ năm 1930-1945, Hải Phòng luôn là một trong những trung tâm phong trào cách mạng của cả nước, góp phần làm nên cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong lịch sử dân tộc ta. Những năm 1946-1955, Hải Phòng là địa phương “đi trước“, “về sau” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở miền Bắc với truyền thống “đường 5 anh dũng“, “đường 10 quật khởi“, với các chiến công vang dội “Sở Dầu“, “Cát Bi” rực lửa…hết sức vẻ vang. Trong những năm 1955-1975, Hải Phòng là địa phương luôn gương mẫu đi đầu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cùng cả nước kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi; vinh dự được 9 lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho Đảng bộ, quân và dân thành phố Hải Phòng các chữ vàng “Trung dũng“, “Quyết thắng“. Từ năm 1976 đến nay, Hải Phòng đã luôn nêu cao tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo trong góp phần hình thành đường lối đổi mới của Đảng; nhận thức ngày càng sâu sắc yêu cầu phải là địa phương đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Ngoài tên gọi “Thành phố Cảng“, hay “Đất Cảng”, việc hoa Phượng đỏ được trồng rộng rãi nơi đây, và sắc hoa đặc trưng trên những con phố, cũng khiến Hải Phòng được biết đến với cái tên đầy thi vị là “Thành phố Hoa phượng Đỏ”. Loài hoa có đặc điểm nở hoa rực rỡ nhất vào những ngày đầu tiên của mùa hè ấy càng gắn duyên bền chặt với Hải Phòng hơn bởi đó cũng đúng vào dịp diễn ra các ngày lễ lớn của thành phố. Bắt đầu từ ngày hội Thống nhất đất nước, đến chiến thắng Điện Biên Phủ, sinh nhật Hồ Chủ tịch và đặc biệt là dịp tổ chức lễ hội Hoa Phượng Đỏ chào mừng ngày Giải phóng Hải Phòng 13/5. Trải qua những thăng trầm lịch sử, gắn bó với những buồn vui, nỗi niềm của con người, của mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió, loài hoa với những cánh mỏng manh, màu “như lửa cháy khát khao” ấy đã trở thành loài hoa biểu trưng cho hồn đất, hồn người Hải Phòng. Loài hoa ấy cũng đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thi ca, nhạc họạ… trong bao thập niên nay. Ngày 7/12/2012, tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân thành phố khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 16/NQ-HĐND lựa chọn hoa Phượng Đỏ là biểu trưng hoa của thành phố Hải Phòng.
Từ nền tảng và cội nguồn sức mạnh của bề dầy truyền thống lịch sử và chiều sâu văn hóa của người Hải Phòng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hải Phòng hôm nay quyết tâm phấn đấu “Trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ, kinh tế biến; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững” theo đúng Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Có thể khẳng định, Hải Phòng là thành phố có lịch sử vinh quang hàng ngàn năm, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, kết tinh, tỏa sáng truyền thống Bạch Đằng. Các thế hệ người Hải Phòng, chủ nhân của vùng đất “đầu sóng“, “ngọn gió” này đã nối tiếp nhau kiên cường trụ vững, tạo dựng nên truyền thống lao động cần cù, sáng tạo; yêu nước nồng nàn; cởi mở, phóng khoáng, trọng nghĩa trong giao tiếp; dân chủ trước áp bức cường quyền; góp phần xứng đáng vào tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đặc biệt là trong thời đại Hồ Chí Minh, Hải Phòng đã đi vào lịch sử với tư cách là thành phố “Trung dũng-quyết thắng“, đoàn kết, chủ động, năng động, sáng tạo, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đi vào thơ và nhạc với tên gọi “Thành phố Hoa phượng Đỏ” luôn thắm mãi bản sắc văn hóa của một thành phố biển…
Đó chính là tầm vóc, bản lĩnh, trí tuệ và bản sắc văn hóa của thành phố Hải Phòng và của người Hải Phòng mà các ý tưởng sáng tác về biểu tượng của thành phố cần quan tâm thể hiện.
Ban Tổ chức cuộc thi trân trọng giới thiệu./.
Chiều 14/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 chủ trương…
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, sáng 14/1, đồng chí Phạm Văn…
Hồi 16h30' ngày 13/1/2025, Công an thành phố Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng nhận…
Chiều 13/1, tại Khách sạn Điện lực (quận Đồ Sơn), Công ty TNHH MTV Điện…
Chiều 13-1, tại UBND quận Hải An, Hội Chữ thập đỏ thành phố phối hợp…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More