Nhiều di tích Quốc gia xuống cấp
Những năm qua, công tác bảo tồn, trùng tu, chống xuống cấp di tích đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, do tác động của điều kiện tự nhiên (thời tiết, khí hậu) và quá trình khai thác của con người, đã và đang tác động, ảnh hưởng đến di tích. Đặc biệt, việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích đang là vấn đề đặt ra và được dư luận rất quan tâm.
Theo thống kê của Sở Văn hoá và Thể thao, hiện trên địa bàn thành phố có 116 di tích cấp quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt, bao gồm di tích lịch sử, văn hoá và kiến trúc nghệ thuật, có tuổi đời từ 500 đến 700 năm. Các di tích chủ yếu là đình, đền, miếu, chùa, nơi diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng và có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân địa phương.
Qua rà soát, có khoảng 80 di tích lịch sử, văn hóa chiếm gần 70% tổng số di tích cấp quốc gia trên địa bàn thành phố, đang trong tình trạng xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ đổ, sập, đe doạ sự an toàn cho mọi người. Thực tế này đặt ra yêu cầu về việc trùng tu, tôn tạo các di tích nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá.
Theo người dân xã Vinh Quang, Miếu Ba Vua nằm ở thôn Nhân Giả, xã Vinh Quang (huyện Vĩnh Bảo) miếu thờ 3 vị thành hoàng Nhân Giả: Phùng Lực Đại Vương thời Hùng Duệ Vương, Lý Cương và Lý Bảo Đại Vương thời Lý, là công trình kiến trúc nghệ thuật cổ được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa từ năm 1999 cũng đang xuống cấp nghiêm trọng.
Tại đình Nhu Thượng tại xã Quốc Tuấn (huyện An Dương), ông Nguyễn Văn Bính, người trông coi đình cho biết, toàn bộ vì kèo, xà, hoành rui, khung vách bằng gỗ lim của đình bị mối mọt xông ruỗng, tường nhà nứt, vữa bong tróc từng mảng, phải dùng cột chống, đỡ nhưng vẫn lo nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Khải, Ban quản lý di tích miếu Ngà, di tích lịch sử văn hoá thờ Tướng quân Nguyên Chính thời nhà Trần, tại thôn Liễu Kinh, xã Việt Tiến (huyện Vĩnh Bảo) cho biết, phần mái của miếu Ngà xuống cấp nghiêm trọng, ngói vỡ, xô lệch, mỗi trận mưa to, nước ngấm vào các đồ gỗ, nước ngập lênh láng nền miếu khiến các thành viên Ban quản lý di tích phải tát nước, di chuyển đồ vật lên vị trí khô ráo. Trụ cổng của miếu Ngà bị lún, nghiêng, phải lấy tre, thép để chằng buộc, chống đỡ, phòng ngừa nguy cơ đổ sập bất cứ khi nào và khuyến cáo mọi người vào miếu phải đi vòng qua để bảo đảm an toàn…
Huy động nguồn lực tham gia tu bổ, tôn tạo di tích
Theo báo cáo của huyện Vĩnh Bảo, hiện địa phương có tới 15/22 di tích cấp quốc gia xuống cấp nghiêm trọng cần được tu bổ, tôn tạo. Cùng với đề nghị trung ương, thành phố hỗ trợ, giúp đỡ kinh phí, huyện Vĩnh Bảo tăng cường vận động người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ, đóng góp kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích, phấn đấu trong năm 2022 hoàn thành tu bổ, tôn tạo ít nhất 3 di tích cấp quốc gia.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Bảo, Phạm Ngọc Điệp cho biết, hiện trên địa bàn có tổng cộng 102 di tích được xếp hạng, trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp quốc gia và 80 di tích cấp thành phố. Do được xây dựng từ lâu, hầu hết 200-300 năm trở lên, nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng, nhất là các di tích cấp quốc gia. Trước tình trạng này, huyện Vĩnh Bảo nhiều lần đề nghị trung ương, thành phố cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo.
Từ năm 2018 đến hết năm 2021, trong số 22 di tích cấp quốc gia, có 5 di tích được nhà nước cấp 1,2 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo, gồm: Miếu Lác (xã Giang Biên), miếu-chùa Bảo Hà (xã Đồng Minh), miếu-chùa Cựu Điện (xã Nhân Hòa), miếu Bến (xã Thắng Thủy) và đình Quán Khải (xã Vĩnh Phong). Thực tế, tổng kinh phí tu bổ, tôn tạo 5 di tích cấp quốc gia kể trên lên tới hơn 5 tỷ đồng, ngoài số tiền nhà nước cấp, còn lại do người dân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn tự nguyện ủng hộ, công đức.
Trong số 17 di tích chưa được cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo, có tới 15 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Đáng kể là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia miếu Ngà ở thôn 7, xã Việt Tiến thờ tướng quân Nguyễn Chính thời nhà Trần, được công nhận di tích cấp quốc gia từ năm 1994. Hiện toàn bộ phần mái của di tích bị hỏng, tường bao, cổng xiêu vẹo có nguy cơ đổ sập.
Chủ tịch UBND xã Việt Tiến Nguyễn Văn Vận cho biết, từ khi được công nhận đến nay đã gần 30 năm, nhưng di tích này chưa được tu bổ, tôn tạo. Trước tình trạng di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, người dân xã Việt Tiến nhiều lần đề nghị trung ương, thành phố cấp kinh phí phục vụ tu bổ, tôn tạo. “Người dân xã Việt Tiến nói chung, thôn 7 nói riêng cũng như các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài xã sẵn sàng công đức để công trình được tu bổ, tôn tạo”, ông Nguyễn Văn Vận chia sẻ.
Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Bảo, trước thực trạng nhiều di tích trên địa bàn, nhất là di tích cấp quốc gia xuống cấp nghiêm trọng cần sớm tu bổ, tôn tạo, giữa năm 2021, UBND huyện giao phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì phối hợp các phòng, ban chức năng huyện liên quan, chính quyền các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng các di tích cấp quốc gia trên địa bàn.
Cùng với đề xuất trung ương, thành phố cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo, UBND huyện Vĩnh Bảo chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, chính quyền các xã, thị trấn có di tích xuống cấp tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn ủng hộ kinh phí phục vụ tu bổ, tôn tạo. Bởi trên thực tế, kinh phí tu bổ, tôn tạo rất lớn, lên tới hàng tỷ đồng mỗi di tích, trong khi kinh phí trung ương, thành phố cấp không đủ.
Đối với di tích cấp thành phố, theo Nghị quyết 22 của HĐND thành phố, thành phố công trợ 300 triệu đồng tu bổ, tôn tạo mỗi di tích. Đối với di tích cấp quốc gia, theo Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, nhà nước cấp 200-300 triệu đồng tu bổ, tôn tạo mỗi di tích.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo cho biết, trong số 15 di tích cấp quốc gia trên địa bàn xuống cấp, nghiêm trọng nhất là 3 di tích: Miếu Ngà (xã Việt Tiến), miếu Ba Vua (xã Vinh Quang) và miếu Tràng (xã Cổ Am), kinh phí tu bổ, tôn tạo dự kiến lên tới hơn 1 tỷ đồng mỗi di tích trong khi kinh phí được cấp dự kiến 200-300 triệu mỗi di tích theo quy định.
Trước thực trạng này, cùng với đề xuất trung ương sớm cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo trong năm 2022, UBND huyện Vĩnh Bảo yêu cầu phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, thông tin và Thể thao huyện, chính quyền 3 xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ kinh phí.
Huyện Vĩnh Bảo phấn đấu trong năm 2022 hoàn thành tu bổ, tôn tạo 3 di tích kể trên, năm 2023 và những năm tiếp theo mỗi năm tu bổ, tôn tạo 3-4 di tích, dự kiến đến hết năm 2030, huyện hoàn thành tu bổ, tôn tạo toàn bộ các di tích cấp quốc gia cũng như cấp thành phố trên địa bàn.
VŨ DUYÊN
Sáng 28/12, Thường trực HĐND thành phố tổ chức họp thống nhất các nội dung…
Huyện Thủy Nguyên vừa thông tin trụ sở các đơn vị hành chính khi sắp…
Sau 10 ngày diễn tập với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, chiều 27/12,…
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định xử phạt đối với…
Vũ Hoàng Oanh là người có vai trò chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp thực…
Từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy và thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More