Giầy da Hải Phòng rất phong phú về mẫu mã, chất lượng ổn định
Trong cái khó, ló cái khôn…
Vào giữa thế kỷ 20, nước bạn Tiệp Khắc (cũ) đã giúp Việt Nam xây dựng nhà máy giầy da đặt tại Hải Phòng. Ngày ấy người Tiệp mang theo công nghệ cùng nguyên phụ liệu, thiết bị và thương hiệu SVIT nổi tiếng, vì vậy sản phẩm của nhà máy giày da Hải Phòng cũng một thời vang bóng ở Việt Nam.
Khi Liên xô và hệ thống XHCN Đông Âu sụp đổ (giai đoạn 1989-1991), toàn bộ hệ thống sản xuất giày dép các loại tại Hải Phòng, liên quan đến thị trường này đều bị ngừng trệ, giầy da cũng vậy. Bỏ lại những nhà xưởng lạnh lẽo, những người thợ có kinh nghiệm vì tình thế bắt buộc phải lần tìm ra ngoài xã hội tự lo kiếm sống.
May thay, công cuộc mở cửa đã đem lại cho xã hội một bộ mặt hoàn toàn thay đổi, đời sống dân chúng tăng cao nên nhu cầu đi giầy da càng ngày càng lớn, người ta không chỉ đi giầy trong mùa đông hoặc các dịp đại lễ nữa mà hầu như quanh năm, nhất là những người làm nơi công sở.
Hiềm một nỗi nguồn cung cấp nguyên phụ liệu nội địa thời điểm ấy còn khó khăn, ông Nguyễn Văn H. – một thợ đóng giầy nhớ lại, những thợ lúc ấy đành tận dụng một số phế liệu thừa như keo, chỉ, giả da, xốp e-va, mếch, mút xốp… thải ra từ các nhà máy mới được Đài Loan đầu tư, để pha vào sản phẩm của mình.
Cũng bắt đầu từ đây, công nghệ mới của các nhà máy nước ngoài và cả nguyên liệu bị “rò” bằng nhiều cách khác nhau, nhờ thế những đôi giầy sản xuất thủ công được trang điểm đẹp hơn, kết cấu vững chãi hơn và công đoạn được rút ngắn cũng làm cho sản lượng cao hơn. Những đôi giày kiểu quân nhu, đế lốp nặng nề kém thẩm mỹ “cổ lỗ” được thay thế bằng nhiều mẫu mã mới, Hải Phòng bắt đầu hình thành những cơ sở sản xuất, dù nhỏ nhưng cũng tạo việc làm cho khá nhiều người.
Ngỡ tưởng thế là suôn sẻ, nhưng cơn sóng cạnh tranh của kinh tế thị trường cũng thật khắc nghiệt. Một thời gian khá dài nghề giày da Hải Phòng tồn tại ì ạch, bởi không đua nổi với sản phẩm nhập ngoại, nhất là Trung Quốc. Phải nói rằng, cách đây vài năm, giầy da “Tàu” đổ bộ vào có lúc thống trị thị trường nội địa, nhiều mẫu mã đẹp, chất lượng tốt được nhiều người ưa dùng.
Không nản chí, thợ giày Hải Phòng đã kết tụ lại, kiên trì phản ứng bằng những sản phẩm được cải tiến từng ngày, từ kỹ nghệ đến mẫu mã, từ giá đến phương pháp tiếp cận thị trường. Hơn nữa, người Trung Quốc cũng tự “hại mình” khi xem nhẹ thị hiếu người Việt, trà trộn vào nhiều sản phẩm hàng nhái, hàng tạp, khiến thị trường giày Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung trải qua nhiều phen hỗn độn, mập mờ.
Ông Hoàng T. – Chủ một cơ sở giày da ở quận Lê Chân chia sẻ, chỉ nhìn vào thị trường, thấy rõ có thời điểm thợ giầy hai nước ăn miếng, trả miếng, cạnh tranh nhau khốc liệt về mọi lĩnh vực. Chẳng hạn hàng nhập khẩu có mẫu nào đẹp, ngay lập tức hàng Hải Phòng có mẫu tương tự, chất lượng cũng không kém mà giá rẻ hơn rất nhiều. “Đến thời điểm này, thị trường Hải Phòng và các tỉnh lân cận cơ bản là hàng nội địa chiếm lĩnh…” – Ông Tiến khẳng định.
Khẳng định vị thế
Theo ông Khổng Đức M. – Chủ một cơ sở sản xuất giày da trên đường Trần Nguyên Hãn, thì giày da thật có ưu thế vượt bậc, vì da thật khác giả da hoàn toàn về độ bền, mỹ thuật và nhiều tiện ích khác, nhất là không hôi chân và không dễ cháy. Hiện da đóng giầy có nhiều loại khai thác từ bò, trâu, ngựa, cừu, cá sấu… nhưng thông dụng nhất là da bò.
Trước kia, da chủ yếu được thuộc theo phương pháp thủ công, trải qua các công đoạn hồi tươi, tẩy lông, ngâm vôi, làm mềm và thuộc bằng ta-lanh, nên chất lượng kém, khô và bề mặt xấu. Ngày nay nhờ công nghệ tiên tiến du nhập nên chất lượng da khá đẹp, bề mặt được xử lý kỹ tuỳ theo từng chủng loại sản phẩm.
Theo thời giá hiện tại, chi phí giá thành sản xuất cho một đôi giày da nam gồm nguyên liệu chính là da, các phụ liệu như đế, keo, chỉ, nhãn mác… và nhân công hết bình quân 250.000 đồng. Những năm trước, dù có sự liên kết nhất định nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố đều hoạt động độc lập, nghĩa là giày của cơ sở nào đều do cơ sở ấy làm từ “a đến z”.
Mấy năm gần đây, nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến hơn, các cơ sở giày da Hải Phòng đã tụ thành mô hình hợp tác xã, nhưng vẫn theo thương hiệu riêng. Người sắm máy làm đế, người chuyên làm mũ, người chuyên gò… nhờ vậy sản lượng tăng cao, nhưng quan trọng hơn là sản phẩm có chất lượng khá đồng đều.
“Nước nổi, bèo nổi”, sản xuất phát triển đã giúp cho nhiều ngành dịch vụ liên quan khác phát triển theo, như việc cung cấp nguyên phụ liệu hay kinh doanh bán lẻ sản phẩm là một ví dụ.
Kết quả khảo sát cho thấy, giày da Hải Phòng bán lẻ trên thị trường có giá từ khoảng 350.000 đồng đến 550.000 đồng/đôi, còn bán lẻ tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của cơ sở sản xuất rẻ hơn khoảng 25%, tùy theo chất liệu và kiểu dáng. Chị L.- chủ một của hàng bán giày dép trên đường Nguyễn Đức Cảnh cho biết, đường Nguyễn Đức Cảnh hiện đang dẫn đầu thành phố về mật độ cửa hàng bán giày dép thời trang.
Trước kia, nguồn hàng chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc, mặc dù cũng có nhiều mẫu đẹp, chất lượng tốt, nhưng hiện khó cạnh tranh với hàng nội địa. Chị Lan cho biết thêm, hầu hết các cửa hàng đều có thương hiệu riêng, nhưng thực ra sản phẩm tương tự nhau vì có khi cùng đặt hàng ở một nơi sản xuất, chỉ “ăn” nhau ở con mắt chọn chất liệu, mẫu, và cách bán hàng. “Cũng so với giày Trung Quốc cùng loại, giá giày nội rẻ hơn ít nhất 1/3…” – Chị Lan nói.
Mặc dù vậy, hiện việc tiêu thụ giầy vẫn bị lệ thuộc quá nhiều vào thời tiết và tập quán, vì vậy mùa làm ăn của nghề này vẫn tập trung chủ yếu vào những tháng cuối năm, thời gian mùa hè như hiện nay chủ yếu là những sản phẩm phù hợp hơn như giày thoáng, xăng – đan, thắt lưng, ví da…
Ông M. tâm sự, vì da thật là chất liệu đặc biệt, làm đến đâu phải bán hết đến đó, chứ để lâu là da bị khô cứng lại, hơn nữa mẫu mã thị trường cũng thay đổi liên tục, nên thợ giày Hải Phòng cũng luôn phải năng động. Hơn nữa, vẫn còn một bộ phận thợ giày làm ăn kiểu chộp giật, tung ra những sản phẩm hàng chất lượng kém, bán lẫn với hàng giả da nhập từ Trung Quốc, đổ đống trên vỉa hè với giá rất rẻ, đôi khi làm khó cả người sản xuất chân chính và người tiêu dùng.
Có thể nói, nhờ những nỗ lực thiết thực, những người thợ giày Hải Phòng đã góp công không nhỏ vào việc gìn giữ và phát triển một phân ngành sản xuất công nghiệp giá trị, tạo được khá nhiều việc làm cho người lao động. Hơn nữa nghề giầy không chỉ đóng góp một phần đáng kể vào sự nghiệp dân sinh xã hội mà còn là một sắc thái văn hoá đã trở thành truyền thống ở Hải Phòng.
Gia Lê
Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…
UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND yêu cầu Sở Giáo dục và…
Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…
Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More