Đọc theo chương trình mới, nhiều nguyên tố quen thành lạ
Sau 1 tháng học chương trình mới, sách giáo khoa mới, Lương Hoài Thu, học sinh lớp 10 tại Cao Bằng vẫn chưa thể làm quen với cách đọc mới các nguyên tố hóa học bởi em đã quen với cách đọc theo phiên âm bằng tiếng Việt như trước kia.
“Nguyên tố N nay được đọc thành Nitrogen thay vì Nitơ; O thì đọc thành Oxygen thay vì Oxi, H đọc thành Hydrogen thay vì Hidro, Cu đọc thành Copper thay vì Đồng như trước kia,…
Tuần đầu tiên đi học, em cảm thấy sốc khi phải nhớ hết tên gọi tiếng Anh của tất cả nguyên tố. Cứ mỗi khi có tiết Hóa, không khí lớp em sôi động hơn hẳn vì cả lớp nhao nhao hỏi nhau cách phát âm. Có bạn thì căng thẳng vì không thể nhớ, có bạn lại cười ồ lên khi thấy bạn khác đọc sai“, Hoài Thu nói.
Để có thể nhớ, đọc đúng, nữ sinh này đã phải để quyển từ điển bên cạnh, tra cứu, viết phiên âm ngay bên cạnh tên tiếng Anh của nguyên tố.
“Đôi lúc cô giáo cũng lúng túng khi được chúng em hỏi về cách đọc. Em cũng không hiểu mình đang học môn Hóa hay tiếng Anh nữa“, nữ sinh bày tỏ.
Đào Đức Anh, học sinh lớp 10 tại Móng Cái, Quảng Ninh kể rằng, chỉ sau hơn 1 tuần học chương trình mới, em đã quyết định không theo khối tự nhiên nữa mà chuyển hẳn sang khối xã hội do môn Hóa học quá khó đối với em.
“Cách đọc tên các nguyên tố hóa học khác xa với những gì em đã được học ở bậc THCS. Natri thì đọc thành Sodium, Kali thành Potassium, Magie biến đổi sang Magnesium,… Em cảm thấy rất phiền não để nhồi nhét, học thuộc các tên nguyên tố này“, Đức Anh nói.
Em Nguyễn Quỳnh An, Vĩnh Bảo, Hải Phòng lại luôn mong ước được quay lại học theo chương trình cũ bởi sự thay đổi trong môn học mới khiến em cảm thấy áp lực mỗi khi lên lớp.
“Trước đây chúng em chỉ đọc Phốt-pho (P) nhưng giờ là Phốt-pho-rơ-s (Phosphorus), Hidro (H) thì đọc thành Hai-đờ-rô-giừn,… Nhiều lúc đầu em muốn nổ tung vì nhầm lẫn giữa cách đọc cũ và cách đọc mới. Đến thầy cô giáo cũng có lúc nhầm 3-4 lần“, Quỳnh An bày tỏ.
Nhiều giáo viên than khó
Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tên gọi các nguyên tử, nguyên tố, hợp chất, oxit, axit, bazo, muối,… sẽ được đọc bằng tiếng Anh theo danh pháp IUPAC thay vì đọc theo phiên âm tiếng Việt như trước đây.
Nhiều giáo viên cho rằng, việc thực hiện chương trình mới và cũ song song như hiện nay khiến việc giảng dạy của giáo viên vô cùng rắc rối khi vừa phải dạy học sinh khối 7 đọc tên nguyên tố theo cách đọc mới vừa phải dạy học sinh khối 8, 9 theo cách đọc cũ (với bậc THCS). Điều này cũng xảy ra ở bậc THPT khi giáo viên vừa dạy chương trình mới lớp 10, vừa dạy chương trình cũ với lớp 11, 12.
“Ngay cả giáo viên tiếng Anh tại cấp trung học cơ sở cũng khó mà đọc hết được bằng tiếng Anh tên 118 các nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh như Magnesium (Mg), Berylium (Be), phosphorus (P), Yttrium (Y), Molybdenum (Mo), Antimony (Sb), zirconium (Zr), Technetium (Tc),… huống hồ giáo viên dạy môn Hóa học như chúng tôi.
Dù bộ sách Cánh diều đã có bảng tra cứu và phiên âm nhưng thú thực, có nhìn phiên âm cũng không thể đọc được, đặc biệt là các loại hợp chất“, cô Lê Thị Thủy, giáo viên bậc THCS tại Thanh Hóa chia sẻ.
Còn cô Thùy Dung, giáo viên môn Khoa học tự nhiên tại Hà Nội, chỉ sau vài tuần lên lớp, đã phải thốt lên rằng: “khó quá, đọc mà méo cả mặt“.
“Giáo viên chúng tôi chưa được tập huấn dạy học về phát âm nguyên tố hoá học. Cứ dạy đến đâu lên mạng tra đến đó rồi về hướng dẫn cho học sinh“, cô Dung nói.
Tường Vân, Trà My
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More