Đô thị

Giao thông phức tạp, tai nạn rập rình

Lưu lượng phương tiện lớn nhưng ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế, thường xuyên mắc các lỗi vi phạm. Tình trạng này khiến các nút giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh, đoạn từ ngã tư Metro tới chân cầu An Đồng (quận Lê Chân) trở thành những điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

Nút giao thông ngã tư Metro (quận Hồng Bàng) luôn có lưu lượng phương tiện lớn, lưu thông phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Phương tiện lưu thông nhiều, ý thức người tham gia hạn chế

Đoạn đường Nguyễn Văn Linh kể trên dài chưa đầy 3 km nhưng có tới 4 nút giao gồm ngã tư Metro, ngã tư Ắc quy, ngã tư Cơ điện và ngã tư PG An Đồng. Những đường giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh tại các nút giao kể trên đều là tuyến đường trục để người dân khu vực huyện An Dương, quận Hồng Bàng di chuyển về trung tâm thành phố, có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông nhiều. Cùng với hàng nghìn lượt xe đầu kéo, xe chở hàng lưu thông theo hướng từ khu vực cảng biển đi Hà Nội và ngược lại khiến tình hình giao thông tại các nút giao trở nên phức tạp, thường xuyên xảy ra các vụ va chạm, tai nạn giao thông.

Riêng trong tuần vừa qua, xảy ra 2 vụ va chạm giữa người điều khiển phương tiện hai bánh với xe ô tô tại các nút giao này. Chiều ngày 21-3, xảy ra vụ tai nạn giữa 3 phương tiện giao thông tại đoạn ngã tư Ắc quy. Lái xe Phạm Văn Trinh điều khiển xe đầu kéo mang BKS 15C- 11510 theo hướng từ Hà Nội về Hải Phòng va chạm với xe máy điện BKS 15MĐ1- 32109 và xe taxi hãng Nguyễn Gia mang BKS 15A-26804 do Nguyễn Ngọc Vinh điều khiển. Theo phản ánh của người dân, nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn là do xe taxi sang đường đột ngột, tài xế điều khiển xe đầu kéo đánh lái tránh dẫn tới va chạm với xe máy điện, khiến thanh niên điều khiển xe máy điện tử vong tại chỗ. Vài giờ sau đó, tại ngã tư Cơ điện, lại xảy ra vụ va chạm giữa xe máy với xe đầu kéo mang BKS 15C-21576, khiến thanh niên điều khiển xe máy bị thương, mắc kẹt trong bánh xe.

Để tăng hiệu quả điều tiết giao thông, hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn, tất cả nút giao thông trên đều được ngành chức năng lắp đặt đèn tín hiệu giao thông. Nhưng thực tế tại các ngã tư cho thấy, tình trạng tham gia giao thông theo thói quen làng xã khá phổ biến. Bất kể sáng, chiều, giờ cao điểm hay không, luôn có tình trạng người điều khiển phương tiện 2 bánh không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, dàn hàng hai, đi ngược chiều trên đường Nguyễn Văn Linh. Không chỉ xe máy, xe máy điện, ngay cả xe ba bánh, xe xích lô chở hàng cồng kềnh cũng đi ngược đường, băng qua ngã tư không tuân thủ tín hiệu của đèn giao thông. Nhiều xe xích lô chở những tấm tôn, thanh sắt, thép khổ lớn đi ngược chiều dọc đoạn đường này.

Khảo sát cho thấy, đoạn đường này có khoảng 100 cơ sở sản xuất, tập kết hàng hóa với đủ quy mô lớn, nhỏ. Mặt hàng chính là các loại sắt, thép, tấm tôn, máy móc công trình… Trong đó, nhiều loại sản phẩm không thể vận chuyển bằng xe tải, bắt buộc phải chở bằng xe xích lô, xe ba bánh. Bởi vậy, mặc dù có biển cấm nhưng nhiều xe xích lô vẫn ngang nhiên hoạt động trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh.

Tăng cường lực lượng điều tiết, xử lý vi phạm

Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt) Cao Xuân Cương cho biết, ngoài các yếu tố liên quan tới hạ tầng giao thông, hạn chế về ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới các vụ tai nạn. Nhiều va chạm, tai nạn ở các nút giao đường nhánh với đường Nguyễn Văn Linh xuất phát từ các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông, phổ biến nhất chính là tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Để giảm nguy cơ gây tai nạn, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường lực lượng, phối hợp Công an các quận Lê Chân, Hồng Bàng và huyện An Dương điều tiết, nhắc nhở người điều khiển mô-tô, xe máy đi đúng làn đường, xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm.

Chị Đinh Thị Hường, đại diện Head Ngọc Phát, đường Hùng Vương (quận Hồng Bàng) nhận định, hành vi vi phạm xuất hiện từ sự chủ quan trong tham gia giao thông thường ngày bởi hầu hết nạn nhân trong các vụ va chạm đều là người địa phương, sinh sống gần các điểm xảy ra tai nạn. Do đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp chính quyền địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông đến người dân sinh sống gần các nút giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh. Trong đó, có thể hướng tới việc xã hội hóa, vận động các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ô-tô, xe máy tham gia hoạt động tuyên truyền tại cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, cải thiện hành vi, hạn chế việc người điều khiển xe hai bánh vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Mặt khác, hiện trạng duy trì hoạt động quá nhiều cơ sở sản xuất, nhà xưởng dọc hai bên đường với nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn cũng khiến giao thông trên đoạn đường dài 3 km này thêm phức tạp, nguy hiểm. Về lâu dài, cần sớm có các quy định về diện tích tối thiểu đối với nhà xưởng, doanh nghiệp sản xuất dọc theo đường quốc lộ, cũng như quy định thời gian giao nhận hàng tại những cơ sở này, tránh xảy ra ùn tắc giao thông, hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn.

Bài và ảnh: MINH AN

Tin khác

Sẽ có cơ chế trả tiền cho người phản ánh vi phạm giao thông

Theo Cục Cảnh sát giao thông, sẽ sớm có quy định hướng dẫn chi trả…

04/01/2025

Hải Phòng đánh dấu mốc tăng trưởng kinh tế 10 năm liên tiếp

Năm 2024 là năm đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ của TP Hải Phòng…

04/01/2025

Giáo viên trường công ở Hải Phòng sẽ được nhận những khoản tiền nào vào dịp Tết?

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, giáo viên các trường công lập tại thành phố…

04/01/2025

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 14/2/2025 quy định về dạy thêm, học thêm như thế nào?

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy…

03/01/2025

Dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền phải đăng ký kinh doanh

Theo quy định của thông tư về dạy thêm, học thêm mới, tổ chức, cá…

03/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More