Dư luận vừa ghi nhận những nỗ lực của các lực lượng chức năng trong việc kiềm chế TNGT, để có được kết quả 6 tháng đầu năm 2019 giảm cả 3 tiêu chí với những tín hiệu đáng mừng thì chỉ 1 ngày sau khi hội nghị về an toàn giao thông kết thúc, tai nạn thảm khốc đã xảy ra tại Hải Dương và hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng khác đã xảy ra tại một số tuyến quốc lộ.
Vì sao TNGT nghiêm trọng vẫn xảy ra? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này và mong muốn tìm ra những giải pháp hữu ích, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện cùng TS. Trần Hữu Minh – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia.
TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
PV: Sáng 23-7, xảy ra 3 vu TNGT liên tiếp tại đoạn qua huyện Kim Thành (Hải Dương) làm 7 người tử vong, 2 người bị thương. Bước đầu, tài xế khai nhận sau khi đánh lái chuyển hướng thì chiếc xe bị mất kiểm soát tốc độ, dù đã cố gắng đạp phanh nhưng “phanh không ăn”. Song Trưởng Công an huyên Kim Thành (Hải Dương) cho rằng, một vấn đề khác cần quan tâm là hạ tầng giao thông trên tuyến quốc lộ 5 có nhiều bất cập. Liệu đây có phải là nguyên nhân chính khiến vụ TNGT thảm khốc xảy ra? Với thực tế này, đến nay, Ủy ban ATGT đã chỉ đạo khắc phục bất cập trên như thế nào?
TS Trần Hữu Minh: Kết luận chính thức cụ thể về nguyên nhân các vụ tai nạn kể trên sẽ do cơ quan điều tra công bố. Tuy nhiên, không khó để nhận thấy chắc chắn những bất cập về kết cấu hạ tầng và hàng lang ATGT là một nguyên nhân quan trọng.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên tuyến Quốc lộ 5 (từ Hà Nội-Hải Phòng) đã xảy ra 47 vụ TNGT, làm chết 53 người và bị thương 32 người. Nếu tính tỷ lệ số vụ tai nạn/số người chết, bị thương có thể thấy rõ, mức độ nghiêm trọng của tình hình giao thông trên tuyến đường này trong 6 tháng đầu năm nay.
Năm 2018, trung bình một vụ TNGT làm 0,82 người chết và 0,55 người bị thương. Tuy nhiên, 6 tháng trở lại đây, trung bình mỗi vụ có tới 1,12 người chết và 0,68 người bị thương. Phân tích số liệu từng địa phương cho thấy, TNGT xảy ra nhiều nhất trên đoạn đi qua tỉnh Hải Dương, với 30 vụ, 30 người chết, 13 người bị thương trong năm 2018.
Bên cạnh đó, Quốc lộ 5 nối Hải Phòng với Hà Nội đã được nâng cấp và khai thác được trên 20 năm và chưa đại tu lần nào (theo định mức yêu cầu 5-10 năm phải đại tu), đã xuống cấp trầm trọng, thường ngày vẫn phải “gồng mình” để “cõng” hàng chục nghìn lượt xe qua lại, đặc biệt là xe container lưu thông. Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hiện nay, lưu lượng giao thông trên Quốc lộ 5 rất lớn (khoảng 50.000 xe/ngày đêm, trong khi đó, lưu lượng thiết kế 10.000-15.000 xe/ngày đêm, gấp hơn 3 lần).
Trước thực trạng này, Ủy ban đã tham mưu cho Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Phát triển hạ tầng đầu tư tài chính Việt Nam, Sở GTVT tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và TP Hải Phòng kiểm tra đưa vào Dự án trung tu Quốc lộ 5 việc nâng cấp điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông trên toàn tuyến QL5.
Trước mắt làm ngay việc tổ chức giao thông, cắm biển hạn chế tốc độ và làm gờ giảm tốc tại các vị trí điểm mở dải phân cách và qua các khu vực đông dân cư; nghiên cứu xây dựng cầu vượt nhẹ qua đường tại các đoạn tuyến có đông dân cư, nhiều khu công nghiệp, trường học, bệnh viện.
PV: Ngoài tuyến QL5, ông có thể cho biết thực trạng về các “điểm đen” tai nạn trên các tuyến QL hiện nay?
TS Trần Hữu Minh: Hiện nay, vẫn tồn tại nhiều điểm đen với nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, tôi cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay trên quốc lộ là vấn đề giao thông hỗn hợp (xe ôtô và xe máy, xe thô sơ) cùng lưu thông trên đường, trong khi công tác phân làn còn rất hạn chế.
Tiếp đến là vấn đề phát triển các khu dân cư dọc các tuyến quốc lộ đã vô hình trung biến các tuyến quốc lộ thành các tuyến phố, phát sinh nhiều nhu cầu đi lại ngang qua đường trong khi giao thông lưu thông với tốc độ cao, tình trạng xâm phạm hành hang ATGT để sử dụng vào các mục đích khác. Ngoài ra là công tác tổ chức giao thông, kiểm soát tốc độ trên các QL khi đi qua các khu vực phức tạp về giao thông còn bất cập. Đây là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới ATGT trên các tuyến quốc lộ.
PV: Hàng năm, chúng ta vẫn dành một số tiền không nhỏ từ quỹ bảo trì đường bộ để tu sửa đường sá? Vậy tại sao những bất cập như trên lại không được phát hiện và khắc phục sớm? Phải chăng do quỹ chưa được sử dụng đúng mục đích?
TS Trần Hữu Minh: Theo tôi được biết, khi đã sử dụng hết kinh phí từ quỹ bảo trì thì kinh phí cấp cho công tác bảo trì đường bộ mới đáp ứng 30% nhu cầu. Điều đó có nghĩa là có tới 70% đường sá đang cần bảo trì nhưng không có kinh phí, đòi hỏi phải tăng cường kiểm soát tải trọng để giữ gìn chất lượng đường sá. Đồng thời phải tìm thêm nguồn, nếu không chỉ vài năm tới, chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông sẽ xuống cấp rất nhanh chóng, lúc đó kinh phí để sửa chữa sẽ vô cùng lớn, lớn hơn kinh phí để bảo trì rất nhiều lần.
PV: Nếu so sánh cùng thời điểm của 4 năm qua, thì 6 tháng đầu năm 2019, số vụ TNGT giảm được coi là sâu và bền vững. Thế nhưng, bắt đầu sang những tháng cuối năm, tai nạn lại có diễn biến phức tạp. Theo ông, lực lượng chức năng, đặc biệt là Ủy ban ATGT quốc gia sẽ có những biện pháp mạnh nào để kìm chế TNGT gia tăng?
TS Trần Hữu Minh: Các giải pháp bài bản cả trong dài hạn và ngắn hạn đã có đầy đủ trong Nghị quyết 12 của Chính phủ cũng như các chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng – Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia. Về cơ bản, các giải pháp này bám sát vào các trụ cột về ATGT mà Liên hợp quốc đã khuyến cáo, bao gồm xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật, kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông, phương tiện, người lái và ứng phó cấp cứu sau tai nạn. Các bộ ngành và đặc biệt các địa phương cần tăng cường vào cuộc thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, các chỉ đạo đã được giao.
Về các giải pháp cụ thể có nhiều, tuy nhiên việc tăng cường xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn và ma túy, ban hành nghị định thay thế Nghị quyết 86 và Nghị định 46, tăng cường công tác thống kê và phân tích nguyên nhân TNGT, cũng như sửa Luật Giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật có liên quan đang là những trọng tâm.
PV: Theo con số phân tích TNGT đường bộ 6 tháng đầu năm, thì nguyên nhân khiến TNGT xảy ra nhiều nhất, tới 22,8% là do người điều khiển phương tiện đi vi phạm làn đường, phần đường. Thế nhưng, theo kết quả xử lý vi phạm TTATGT đường bộ thì chỉ có 3,08% số vi phạm về làn đường, phần đường bị xử lý. Vậy để khắc phục tình trạng này, tới đây Ủy ban ATGT có biện pháp cụ thể gì không? Liệu có cần thiết phải tăng cường xử lý với những vi phạm kể trên?
TS Trần Hữu Minh: Tôi cho rằng đầu tiên là cần có phương án tổ chức giao thông cho người đi bộ, đặc biệt tại các nơi có dòng giao thông lớn, tốc độ cao và có nhu cầu qua đường lớn (trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu đông dân cư), đồng thời tăng cường tuyên truyền kỹ năng đi bộ an toàn cho người dân, tiến hành xử lý vi phạm và truyền thông về sự việc đó để người tham gia giao thông thay đổi hành vi.
Hiện nay, phương tiện cơ giới tăng rất nhanh, đường sá tốt hơn nên tốc độ cao hơn, bởi vậy rủi ro với người đi bộ, đi xe đạp lớn hơn trước đây rất nhiều. Tuy vậy, nhiều người đi bộ khi đi trên đường vẫn lơ là mất tập trung, coi các phương tiện khác phải mặc nhiên tránh mình, đó là điều cần phải tránh.
Chúng tôi khuyến cáo người đi bộ và đi xe đạp phải có các thiết bị hỗ trợ để người lái khác nhìn thấy mình, đặc biệt vào ban đêm, trời sáng như áo phản quang, xe đạp có mũ và đặc biệt có đèn. Những thiết bị này hoàn toàn không đắt nhưng hiệu quả bảo đảm ATGT cho người đi bộ và xe đạp rất lớn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nam giới gây ra 90% các vụ tai nạn do uống rượu, bia lái xe
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo quốc gia “Công bố kết quả Nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển môtô, xe máy tại Việt Nam” do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức ngày 26-7.
Theo số liệu thống kê của lực lượng CSGT trên toàn quốc, số vụ TNGT liên quan tới nồng độ cồn chiếm 4%, tại TP Hồ Chí Minh ở mức 5% và tỉnh Bình Dương là 12%. Tuy nhiên, số liệu này thấp hơn rất nhiều so với số liệu thống kê TNGT do rượu, bia phải nhập viện tại một số bệnh viện.
Nguyên nhân cơ bản của khác biệt trên là do trong nhiều vụ TNGT, tình trạng chấn thương của nạn nhân đã gây khó khăn lớn cho công tác xét nghiệm nồng độ cồn. Nam giới gây ra 80%-90% các vụ TNGT do uống rượu, bia rồi lái xe, tai nạn xảy ra vào buổi tối (18h-24h) và cao hơn vào các ngày cuối tuần. Qua nghiên cứu, Hội thảo đề xuất giải pháp, chính sách có tính đổi mới.
Theo đó, áp dụng giảm chỉ số nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy (sửa Nghị định 46 và Luật Giao thông đường bộ); tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên; tăng mức phạt tiền và bổ sung các hình phạt mới (như lao động công ích…); tăng cường dịch vụ taxi đưa người uống về nhà an toàn.
Phạm Huyền (thực hiện)