Là một thành phố ven biển và được đánh giá là chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, Hải Phòng đang tích cực tham gia các dự án, trao đổi thông tin để nỗ lực giảm thiểu những “cơn giận dữ” của mẹ thiên nhiên. Nhân cuộc hội thảo cũng về chủ đề trên, Báo An Ninh Hải Phòng đã trao đổi nhanh với Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Trương Quang Học-Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo sinh học môi trường và phát triển bền vững, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chuyên gia Nhật Bản trao đổi kinh nghiệm thích ứng biến đổi khí hậu của nước bạn
PV: Ông đánh giá thế nào về những tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây?
Giáo sư Trương Quang Học: Rất thẳng thắn trao đổi với các bạn rằng, mặc dù đã được cảnh báo, tính toán từ trước, song từ năm 2010 đến nay, những tác động của biến đổi khí hậu đối với nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và với Việt Nam nói riêng đang ngày càng nhanh hơn, rõ hơn và kinh hoàng hơn rất nhiều.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, các bạn cũng đã thấy, từ miền núi đến đồng bằng, hải đảo đều phải đối mặt liên tiếp với những bất thường của thời tiết như bão, lũ quét, ngập lụt, nắng nóng và rõ nét nhất ở thành phố Hải Phòng là xâm nhập mặn, bão, gây thiệt hại không nhỏ cho hoạt động sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt của người dân. Và trong những ngày gần đây, cả thế giới đang “nóng” cùng với Nhật Bản và Inđônêxia bởi hàng chục nghìn người dân, nhà cửa, tài sản bị vùi dưới đống đổ nát của thảm hoạ kép động đất, sóng thần. Cơn thịnh nộ của thiên nhiên thật kinh hoàng!
PV: Nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và người dân về tác động của biến đổi khí hậu hiện nay ra sao thưa ông?
Giáo sư Trương Quang Học: Hệ thống các văn bản pháp luật trong lĩnh vực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đã được ban hành và triển khai tới các địa phương. Tuy vậy, vẫn cần phải đẩy mạnh, đồng bộ và thiết thực hơn nữa, đặc biệt là làm sao phải thay đổi từ suy nghĩ, tư duy đến cách tiếp cận, cách làm của đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường. Và khi cán bộ chuyển tải tới người dân thì phải dựa vào dân, những thông điệp, kiến thức, mô hình giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cộng đồng không chỉ hiểu mà còn phải biết làm, biết thực hiện thì mới đạt được hiệu quả.
Bên cạnh những giải pháp cứng gắn với những công trình buộc phải làm như xây dựng đê, kè, cống, hệ thống cảnh báo bão, lũ, động đất… thì song song là những giải pháp mềm, phi công trình. Đó là cả cán bộ và cộng đồng dân cư đều phải hiểu được: Không thể cưỡng lại tự nhiên, mà phải lựa theo quy luật của tự nhiên để phát triển kinh tế, xã hội phục vụ cho con người.
Cơn bão số 1 đổ bộ và Hải Phòng làm bật gốc nhiều cây xanh lâu năm
PV: Ông có khuyến cáo gì cho thành phố Hải Phòng trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, thưa ông?
Giáo sư Trương Quang Học: Nằm trong bối cảnh chung, Hải Phòng cũng như nhiều địa phương khác gặp không ít khó khăn trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu như thiếu nguồn nhân lực, thiếu tài chính… Từ kinh nghiệm của Nhật Bản và những địa phương có điều kiện địa lý tương tự như thành phố cảng của các bạn thì trong thời gian tới Hải Phòng cần đẩy mạnh cách làm tích hợp, lồng ghép.
Tức là mỗi kế hoạch hành động cần phải nhắm tới cả hai mục đích: ứng phó và tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; lợi ích cho thiên nhiên và lợi ích cho con người; giải pháp công trình song song với giải pháp phi công trình… Điều này đòi hỏi sự quyết tâm rất cao của lãnh đạo các cấp chính quyền, đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường, nhưng có như vậy thì mới tạo ra sự đột phá trong việc lập quy hoạch và thực hiện giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với Hải Phòng.
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Kim Oanh thực hiện – An ninh Hải Phòng 03/10/2018