Ca trù Hải Phòng từ thuở ban đầu chỉ là một CLB với vài ba hội viên thì nay đã trở thành Giáo phường Ca trù sau 25 năm. 32 hội viên ở 6 thế hệ, trong đó có 1 NSƯT, 1 Nghệ nhân ưu tú do Nhà nước phong tặng, 7 ca nương, kép đàn được Hội VNDG Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, vẫn đang từng ngày miệt mài với các hoạt động nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy vốn cổ ca trù tại thành phố Cảng qua các buổi sinh hoạt và biểu diễn hàng tuần tại Đình Kênh.
Ở Hải Phòng, Quán Bà Mau – Lạch Tray, Cánh Gà trong, Cánh Gà ngoài ở Dư Hàng Kênh từng là nơi hội tụ của các ca nương, kép đàn một thời vang bóng. Rồi Phủ từ Ca công ở Đông Môn, Hòa Bình, Thủy Nguyên – đền thờ tổ nghề của cả miền Duyên hải đã có trên 20 năm tồn tại.
Từ những năm 90 của thế kể trước, nhất là từ khi thực hiện NQ5 TW khóa 8 về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, sứ mệnh bảo tồn ca trù đã thấm nhuần trong cả cộng đồng, mà nòng cốt là các nghệ nhân, ca nương, kép đàn ở 2CLB Ca trù là CLB Ca trù (Hội VNDG thành phố) và CLB ca trù Đông Môn xã hòa Bình, huyện Thủy Nguyên. Trong đó, CLB Ca trù Hội VNDG thành phố nay là Giáo phường Ca trù được thành lập từ năm 1993 với mục đích góp phần bảo tồn và phát huy vốn cổ mà cha ông để lại. Từ sự quan tâm của các cấp, CLB từng bước khẳng định khả năng khôi phục và tiếp thu các trình thức Ca trù.
Tiết mục biểu diễn của các hội viên Giáo phường Ca trù Hải Phòng
Từ năm 1993-2000 là giai đoạn quy tụ hạt nhân, tích cực tầm sư học đạo, bước đầu đưa Ca trù ra công chúng mà nòng cốt vẫn là các ca nương, kép đàn cao tuổi ở cả nội và ngoại thành, trong đó có các nghệ nhân ở Đông Môn, Hòa Bình – Thủy Nguyên, Trà Phương – Kiến Thụy.
Từ năm 2000 đến nay, CLB phát triển ổn định về ca nương, kép đàn, được Viện Âm nhạc Việt Nam ghi nhận về quá trình phục hồi Ca trù, khẳng định vị trí nổi bật của Ca trù Hải Phòng qua các cuộc Liên hoan Ca trù toàn quốc. CLB đủ lực để tỏa sáng trong các không gian hát Chơi, hát Thi, hát Cửa quyền với sự tán thưởng của khách nước ngoài như Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc… Có năm CLB đã thành công với 35 canh hát trong và ngoài Hải Phòng, cùng với những ghi nhận của đồng nghiệp, nhiều nhà nghiên cứu vè tính chuyên nghiệp, bài bản, có lề lối khi tiếp thu và quảng bá di sản Ca trù.
Từ năm 2010, sau khi được tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, Ca trù dần trở nên phổ biến ở Hải Phòng. Năm 2015, CLB là đơn vị đầu tiên trong số 15 CLB Ca trù toàn quốc tiếp thu thành công lối hát Cửa đình với sự giúp đỡ của nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền và Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú Đẹ (Hải Dương).
Đặc biệt từ năm 2014, CLB khởi động tích cực chương trình truyền dạy Ca trù cho các em học sinh tiểu học, sinh viên một số trường học như ở các CLB Ca trù Vương triều Nhà Mạc huyện Kiến Thụy, CLB Ca trù quận Ngô Quyền, Trường Trung học VHNT và Du lịch Hải Phòng… Riêng tại trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân) từ năm 2015 đến nay đã có 60 em kế tiếp nhau tham gia học Ca trù theo thờn gian 6 tháng một khóa. Việc đưa Ca trù vào trường học nhận được sự đồng tình của các cơ quan chức năng như Sở GD-ĐT, Sở VHTT và nhiều bậc phụ huynh. Hiệu quả truyền dạy Ca trù đã được chứng minh rõ nhất ở khối học sinh tiểu học, trong đó nổi bật là thế hệ thứ 6 được truyền dạy. Các em học sinh trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ đã bước đầu tự tin trình diễn hát Nói, Hát múa Bỏ bộ. Các em ca nương nhí ở CLB Ca trù Đông Môn dành HCĐ tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2014.
Hồi sinh bền bỉ
Trong suốt 25 năm qua, những nghệ nhân tâm huyết như cụ Đào Thị Bảo, Giang Thu, Nguyễn Hãn, Trần Mạnh Thu, Trần Trọng Quế, Nguyễn Thị Chín, Tô Văn Nghị, Nguyễn Thị Chính, Tô Thị Chè, Đào Thị Thẩm được mọi người biết đến với nhiều đóng góp bền bỉ cho sự hồi sinh của Ca trù tại Hải Phòng.
NSƯT Đỗ Quyên, chủ nhiệm Giáo phường chia sẻ: “Ca trù cần được bền bỉ đề cao chữ “nhẫn”, lấy chữ “nhẫn” làm gốc bên cạnh cái tâm trong sáng, cái đức với tổ nghề mà không cần danh lợi. Trong suốt 25 năm qua, tuổi càng chín thì các hội viên càng ra sức truyền dạy cho lớp trẻ để Ca trù lúc nào cũng có ca nương, kép đàn kế cận cùng thực hành di sản cha ông để lại”.
11 HCV, 1HCB, 2 Bằng khen của Bộ VHTT, 2 Bằng khen của UBND thành phố, 2 Bằng khen của Hội VNDG Việt Nam cùng nhiều phần thưởng khác của các cấp, hội chuyên ngành dành tặng tập thể và cá nhân là những kết quả đáng ghi nhận của Giáo phường trong suốt thời gian qua, Bên cạnh đó, Giáo phường đã phát triển được 3 CLB trực thuộc gồm CLB Ca trù Vương triều Nhà Mạc, CLB Ca trù trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ và CLB Ngô Quyền Hải Phòng.
NSƯT Đỗ Quyên cũng chia sẻ, hồi sinh Ca trù giống như người lặng lẽ, bền bỉ khơi lên mạch nước ngầm. 25 năm qua, các thế hệ ca nương kép đàn CLB Ca trù đã làm được điều đó để đến hôm nay, Ca trù đất Cảng được biết đến với tư cách là một phần di sản quốc gia trong hành trình trở thành kiệt tác của nhân loại. Sức mạnh của cộng đồng cũng như sứ mệnh bảo tồn Ca trù của cộng đồng chính là nguồn động lực to lớn làm cho ca nương, kép đàn bớt đi sự đơn độc trong hành trình phát huy vốn cổ, để cây Ca trù “xanh cành, bền gốc” như mong muốn của các bậc tiền nhân.
Ông Nguyễn Đức Giang – Chủ tịch Hội VNGD nhân mạnh: “Thời gian qua, Ca trù đã Hải Phòng đã được quan tâm để đào tạo các thế hệ ca trù tiếp theo. Tuy nhiên, ca trù mới chỉ vào được các trường tiểu học nhưng chưa đến được với khán giả trẻ ở đoàn thanh niên. Rất mong thành phố và Sở Văn hóa Thể thao hãy quan tâm đến ca trù hơn nữa, và coi đây là nghệ thuật đặc thù, không thuộc các đoàn nghệ thuật của thành phố nhưng có tầm ảnh hưởng đến di sản của nhân loại”.
25 năm, những người tâm huyết với vốn di sản quý báu đã tốn nhiều mồ hôi, công sức. Nhưng sẽ không phải là quá khó thực hiện nếu có sự ủng hộ và những hoạch định rõ ràng, nhất là sự quan tâm của các cơ quan chức năng. Để từ đó, chương trình hành động quốc gia về bảo tồn ca trù không chỉ là hình thức. Cũng là để người trẻ đến gần hơn với ca trù, kế thừa và tiếp tục gìn giữ những nét đẹp quý báu này.
Huyền Trâm – Báo an ninh Hải Phòng ngày 11/05/2018