Print Thứ tư, 08/01/2020 11:49 Gốc

Xác định nhiệm vụ giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng thế hệ trẻ là nhiệm vụ quan trọng, ngành Giáo dục–Đào tạo (GD-ĐT) thành phố thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, qua đó giúp học sinh nâng cao nhận thức và lòng yêu nước.

Mỗi trường học một cách làm sáng tạo

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2019), Trường THCS Võ Thị Sáu (quận Lê Chân) tổ chức chuyên đề “Người lính – Bản hùng ca vang mãi”, thu hút đông đảo học sinh toàn trường tham gia. Các em học sinh chia thành các nhóm với tên gọi: Việt Bắc, Trường Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa và báo cáo hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm của mình qua nhiều hình thức như hát, múa, tiểu phẩm, kể chuyện…, nhằm tái hiện rõ nét hình ảnh người lính bộ đội Cụ Hồ trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ của dân tộc. Thầy giáo Phan Trần Đỗ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bên cạnh hoạt động dạy học, nhà trường chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho học sinh thông qua các buổi ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử cách mạng giúp các em hiểu rõ về lịch sử dân tộc, giáo dục các em tình yêu quê hương, đất nước…

Học sinh Trường THCS Ngô Quyền thuyết trình về Chiến thắng Bạch Đằng nhân dịp tham quan khu di tích Bạch Đằng Giang.

Việc giáo dục truyền thống được các trường học tổ chức thường xuyên, mỗi trường một cách làm sáng tạo, như: Trường THPT Hùng Vương (quận Hải An) tổ chức cho học sinh nhà trường giao lưu với cán bộ, chiến sĩ tại Tiểu đoàn 69, Lữ đoàn thông tin 603 (thuộc Quân khu Ba). Bên cạnh đó, nhà trường mời cha mẹ học sinh cùng tham gia các hoạt động trải nghiệm với con em mình. Qua đó, tăng sự gắn kết giữa nhà trường, học sinh và cha mẹ trong việc giáo dục tư tưởng, nhận thức cách mạng cho học sinh.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh ở các trường học được thực hiện từ nhiều năm nay và càng được đẩy mạnh hơn khi ngành Giáo dục tích cực thực hiện Quyết định số 1501 của Thủ tướng Chính phủ triển khai đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu nhi và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”. Theo đó, Sở chỉ đạo các trường học chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh về tầm quan trọng của việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa các dân tộc thông qua việc tổ chức thực hiện có nền nếp hoạt động chào cờ, hát Quốc ca; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tình nguyện vì cộng đồng… Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động ý nghĩa trong dịp các ngày lễ lớn của dân tộc; tổ chức cho học sinh gặp mặt trò chuyện với các nhân chứng lịch sử; tích cực sưu tầm các hình ảnh, tư liệu lịch sử trưng bày tại phòng truyền thống, thư viện nhà trường…

Xây dựng ý thức trách nhiệm cao của học sinh

Theo Trung tá Vũ Văn Khuê, Phó chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 240 (Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không- Không quân), việc tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, giúp các em thêm yêu gia đình, nhà trường, bạn bè, từ đó có lối sống đúng đắn, có ích cho xã hội. Do đó, để nâng cao hiệu quả thực hiện Quyết định số 1501 của Thủ tướng Chính phủ, các nhà trường đa dạng hóa các kênh truyền thông qua việc tận dụng công cụ mạng xã hội; linh động nắm bắt và tận dụng các trào lưu mới của giới trẻ, xây dựng các sản phẩm tuyên truyền sáng tạo, sinh động, phù hợp thanh thiếu niên…

Với mục đích xây dựng thế hệ học sinh giàu lòng yêu nước, có lối sống đẹp, có lý tưởng cách mạng, Trường THPT Trần Nguyên Hãn đã và đang thực hiện bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, dưới nhiều hình thức phong phú đa dạng như: tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện về nhân vật lịch sử, gặp gỡ giao lưu với gia đình các nhân vật lịch sử, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần hình thành nhân cách, vun đắp lý tưởng sống, ý chí, bản lĩnh cho học sinh. “Thời gian tới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác giáo dục truyền thống cách mạng bằng hình thức giáo dục trực quan sinh động, giúp học sinh tri ân những thế hệ đã hy sinh máu xương để đổi lại độc lập tự do hôm nay, nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay phải tiếp bước cha anh, kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” – thầy Nguyễn Quý Bình, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn nhấn mạnh.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Trưởng Phòng Chính trị – Tư tưởng (Sở GD-ĐT thành phố) cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo các trường học tăng cường giáo dục học sinh về lý tưởng cách mạng qua việc lồng ghép nội dung các môn học; hướng dẫn các trường học tích hợp các nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng vào trong các tiết dạy chính khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp, các buổi sinh hoạt Đoàn, Đội, sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ. Ngoài ra, các trường tăng cường các hoạt động ngoại khóa như: thăm bảo tàng, di tích lịch sử cách mạng, viếng và thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ trong các dịp lễ lớn của thành phố; đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học môn lịch sử, gắn việc học lịch sử với các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm tạo hiểu biết và hứng thú cho học sinh./.

Năm học 2018-2019, toàn thành phố tổ chức được hơn 400 chuyên đề về giáo dục chính trị tư tưởng. Nhiều hoạt động giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho học sinh theo hướng mở, mang lại hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện trong điều kiện mới. Hiện, phần lớn trường đều phối hợp tổ chức Đoàn, Đội tổ chức học tập và trải nghiệm ngoài lớp học tại các “địa chỉ đỏ” trong và ngoài thành phố, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh.

Lê Hiệp/Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh: Hình thức đa dạng, nội dung phong phú
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác