Print Thứ ba, 05/11/2024 15:16 Gốc

Năm học 2024-2025 ngành Giáo dục – Đào tạo thành phố lần đầu tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng công dân số ở cấp tiểu học. Để triển khai hiệu quả hoạt động giáo dục mới vào chương trình học, ngành chủ động trang bị kiến thức, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để thống nhất nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức phù hợp…

Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng) ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, thúc đẩy sự sáng tạo của học sinh.

Hình thành năng lực số cho học sinh 

Giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học có tầm quan trọng đặc biệt, bởi đây là lứa tuổi ưa tìm hiểu, khám phá và dễ tiếp thu ứng dụng công nghệ. Được trang bị kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ và truyền thông an toàn, đúng cách sẽ giúp các em tránh rủi ro, nguy hiểm từ môi trường mạng; đồng thời, phát triển tư duy logic, sáng tạo. Trước đây, hoạt động giáo dục kỹ năng công dân số chủ yếu thực hiện ở môn Tin học. Tại Hải Phòng, từ năm học 2024-2025, nội dung này được triển khai đa dạng, tích hợp rõ nét hơn trong các môn học ở cấp tiểu học. Cô Lê Minh Thu, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Trãi (quận Hồng Bàng) cho biết: “Ngoài môn Tin, nội dung này được tích hợp trong nhiều môn học khác giúp học sinh tiếp cận công nghệ số đa chiều, dễ “thẩm thấu” kiến thức hơn. Đơn cử, môn Đạo đức với tiết dạy “Tôn trọng tài sản người khác”, học sinh được phát triển năng lực số qua việc tra cứu tên tác giả trên tác phẩm kỹ thuật số, xác định các quy tắc đơn giản về bản quyền và giấy phép áp dụng cho dữ liệu, thông tin kỹ thuật số và nội dung… Hay với môn Toán, qua việc tìm kiếm trên Internet dãy số liệu thống kê thực tế, học sinh hiểu thêm về các công cụ tìm kiếm và cách tìm kiếm thông tin tại nhiều địa chỉ như: Google, Youtube, Chat GPT, Google Gemini hay Bing Search…

Trong tiết Tin học của cô Đặng Thị Thanh Mai, Trường tiểu học Thuỷ Đường (huyện Thủy Nguyên), để tìm hiểu bài học theo yêu cầu, cô đề ra, ngoài cách tìm kiếm thông thường là gõ từ khóa, các học sinh còn sử dụng nhanh chóng, thành thạo các cách tìm kiếm thông tin bằng giọng nói, hình ảnh, bản đồ hay quét mã QR… Với cô giáo Nguyễn Việt Anh, Trường tiểu học Trần Thành Ngọ (quận Kiến An), điều cô tâm đắc nhất là năng lực ứng dụng, sử dụng thiết bị công nghệ thông tin của học sinh ngày càng cải thiện rõ rệt sau mỗi tiết học. Các em dần hình thành thói quen tự học, tự tìm hiểu và chủ động, linh hoạt tìm kiếm thông tin mỗi khi gặp một vấn đề cần giải quyết. Khi gặp một vấn đề về chỉnh sửa bức ảnh, tra cứu trên mạng cách giải quyết bằng tiếng Việt không được, nhiều học sinh thông minh tra từ khóa bằng tiếng Anh. Sau đó lại sử dụng phần mềm dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt. Điều này cho thấy năng lực linh hoạt ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề của học sinh ngày càng cao. Những kiến thức này là nền tảng rất quan trọng, hữu ích để các em hòa nhập và thành công trong môi trường làm việc sau này…

Trường tiểu học Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên) ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, thúc đẩy sự sáng tạo của học sinh.

Chủ động nâng cao nghiệp vụ đội ngũ giáo viên 

Ứng dụng công nghệ trong dạy học không còn là hoạt động mới mẻ, nhưng triển khai giáo dục kỹ năng công dân số tích hợp trong các môn học ở cấp tiểu học là năm đầu ngành Giáo dục thành phố triển khai. Để thống nhất trong nhận thức, dịp hè và đầu năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT nhiều địa phương chủ động triển khai các lớp tập huấn, bồi dưỡng hè cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học trên địa bàn. Qua tập huấn, cán bộ quản lý, giáo viên không chỉ được cung cấp những kiến thức kỹ năng mà còn nâng cao nhận thức trách nhiệm về vai trò và ý nghĩa của giáo dục kỹ năng công dân số trong việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Từ đó, thống nhất được nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức, dựa vào khung tham chiếu đưa vào môn Tin học và tích hợp các môn học khác. Do đây là hoạt động giáo dục mới được triển khai tích hợp các môn học nên khi các nhà trường triển khai vào thực tế giảng dạy không tránh khỏi bỡ ngỡ. Cùng với đó, còn một số khó khăn liên quan đến trình độ, năng lực sử dụng công nghệ thông tin không đồng đều của giáo viên; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị máy tính xuống cấp; tốc độ đường truyền internet hạn chế. Ngoài ra, những học sinh gia đình không có điều kiện về máy tính, điện thoại, internet khiến việc giao bài về nhà chuẩn bị của giáo viên gặp nhiều khó khăn, giảm hiệu quả dạy học trên lớp… Những khó khăn này không quá lớn và đang được các nhà trường dần tìm giải pháp tháo gỡ, khắc phục.

Phó Giám đốc Sở GDĐT Đỗ Thị Hòa cho rằng, việc hình thành các kỹ năng cần thiết về công dân số cho học sinh cũng là một trong những nội dung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là hoạt động giáo dục mới nên trong quá trình triển khai đòi hỏi tính tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện, phù hợp với điều kiện đơn vị và mục tiêu chung của chương trình đề ra. Sở tổ chức các lớp bồi dưỡng, mời chuyên gia giáo dục của Bộ GD-ĐT về tập huấn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn bám sát, hỗ trợ thông tin, kịp thời giải đáp những vướng mắc để thực hiện hiệu quả, đúng quy định.

Bài và ảnh: BÙI HẠNH

 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Giáo dục kỹ năng công dân số ở cấp tiểu học
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác