Print Thứ Sáu, 27/03/2020 07:47 Gốc

Theo các nhà nghiên cứu, việc bảo tồn những cọc nghi là cọc Bạch Đằng vừa phát lộ tại Hải Phòng vô cùng phức tạp và tốn kém.

Cọc nào cũng quý

Mới chỉ là những nghiên cứu bước đầu, tuy nhiên có nhiều người đưa ra giả thuyết về bãi cọc mới phát hiện tại Cao Quỳ (xã Liên Khê, H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) liên quan đến trận Bạch Đằng. TS Nguyễn Thị Liên, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu dưới nước (Viện Khảo cổ học), cho biết bà đã đi tìm bãi cọc dọc sông Bạch Đằng từ năm 2015 mà chưa được. “Chính vì vậy, khi phát hiện cọc trên gò đất sét ở Cao Quỳ, chúng tôi đã nghĩ ngay đến vai trò của nó trong trận chiến Bạch Đằng năm 1288”, bà nói.

Cọc phát lộ tại Hải Phòng, được cho là cọc của trận Bạch Đằng. Ảnh: Lê Tân.

TS Bùi Văn Hiếu, Viện Khảo cổ học, cho biết các cọc ở đây được xếp trên quy mô lớn, xen kẽ lớp lang nhiều tầng. Về kích thước, cọc to hơn cọc từng phát hiện ở đồng Vạn Muối, đồng Má Ngựa và Yên Giang (TX.Quảng Yên, Quảng Ninh). Cách thức phân bổ, chân cọc Cao Quỳ cũng khác.

Về những cọc này, GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết đó là bãi cọc quý. “Bất kể nó có là cọc của trận Bạch Đằng năm xưa hay không thì vẫn rất quý”, bà Dung nói.

Bà Dung cũng đánh giá tốt cách xử lý cọc, bãi cọc hiện tại. “Trong khi đào, tôi thấy mọi người cũng rất có ý thức và đã có kinh nghiệm từ Hoàng thành Thăng Long và một số nơi khác. Họ cũng đã bảo quản ban đầu bằng cách che phủ, tưới nước…”, bà Dung nói.

Một chuyên gia khảo cổ học giấu tên cho biết, ông rất lo lắng về việc bảo quản những cọc gỗ được cho là “cọc Bạch Đằng” này. “Chúng ta vốn ít kinh nghiệm với khảo cổ học dưới nước. Chính vì thế, với số lượng cọc phát lộ lớn như hiện nay tại Hải Phòng, việc bảo quản cho cọc khỏi hư hỏng đang là một vấn đề lớn”, vị chuyên gia nói.

Trước đó, theo quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ, TS Nguyễn Gia Đối, trước giờ những cọc gỗ đào được ở Quảng Ninh đã được ngâm vào nước, cho nhô một chút đầu lên. PGS-TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành cũng chia sẻ các hiện vật như thuyền gỗ tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long đã phải lấp đi để bảo tồn. Chính vì thế, Bảo tàng Hoàng thành ở Nhà Quốc hội không có chiếc thuyền nào. Về những cọc gỗ được đào lên, ông Trí cho biết ở các nước khác, thường được để ở trạng thái dưới nước.

Cọc phát lộ tại Hải Phòng có kích thước lớn hơn cọc gỗ ở Quảng Ninh. Ảnh: Lê Tân.

Lập phòng lab, tham vấn chuyên gia

TS Nguyễn Gia Đối cho biết hiện tại, với những nơi cọc vừa phát lộ tại Hải Phòng, Viện Khảo cổ đang xây dựng phương án phát huy di sản. “Hiện tại các hố đã được lấp bảo tồn. Chúng tôi tư vấn, còn Hải Phòng sẽ là đơn vị quyết định”, ông Đối nói.

Nếu muốn làm bảo tàng ngoài trời thì phải làm lại, làm y hệt, chính xác về khoa học. Nhưng mình thiếu đủ thứ, thiếu chuyên gia, thiếu cả phòng lab

GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung

Cũng theo ông Đối: “Có thể ngâm nước, có thể bơm keo hóa thạch. Nhưng sẽ không phải làm toàn bộ mà chỉ chọn một chỗ tiêu biểu để làm thôi. Công nghệ trưng bày khô còn gọi là hóa thạch khảo cổ. Và cũng không thể làm hết”.

GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết việc bảo quản cọc đòi hỏi kỹ thuật cao, cần có chuyên gia và cả tiền. “Những cái này cần có chuyên gia bảo quản, chuyên gia bảo tồn ngoài trời. Chúng ta đào lên rồi, thì đã phá vỡ môi trường cũ của nó. Thực sự nó là một công việc lớn, nhiều cọc. Bản thân cọc cũng có cái bị hủy hoại rồi. Nên cần có nghiên cứu liên ngành để quyết định các yếu tố tác động tùy theo mùa. Việc đầu tiên là giữ hiện trạng. Nếu không giữ được thì việc nghiên cứu tiếp theo cũng khó. Đấy là công việc khổng lồ, tốn kém”.

GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung chia sẻ kinh nghiệm tại Lào, khi các chuyên gia nước này khai thác mỏ Đồng Vàng. “Họ phát hiện những nơi khai khoáng từ cách đây trên 2.000 năm. Có những hố quây bằng gỗ, có cả những bộ phận sàng sảy vàng. Họ đã phải xây hẳn một cái lab (phòng thí nghiệm). Hải Phòng bây giờ cũng cần lab, dù các điểm cọc nằm rải rác khiến việc làm lab khó. Ở khu mỏ Đồng Vàng ấy, tôi thấy có lab lớn, xây nhiều bể để ngâm đồ gỗ. Một đội chuyên gia của Đại học James Cook (Úc) sang. Có một chuyên gia về bảo quản ở Úc làm việc định kỳ ở đó, thay nước và hóa chất cho bể ngâm. Các hóa chất cũng đều phải nhập từ Anh chứ ở Úc không có”, bà Dung nói.

Ở Đồng Vàng còn dễ hơn ở Hải Phòng vì người ta mang về lab làm, còn đây mình phải bảo quản tại chỗ. Mang về ngâm vẫn dễ hơn. Người ta ngâm để phân tử nước trong gỗ được giải phóng, ngậm đủ phân tử hóa chất vào. Ngâm đủ thì gỗ bền, không hỏng nữa. Liệu mình có thể làm như thế không. Rút nó lên đo vẽ rồi ngâm tẩm, sẽ tốn rất nhiều tiền”, bà Dung cho biết thêm.

Về số lượng cọc có thể được xử lý kỹ thuật, ông Đối cho biết: “Chúng ta chỉ làm vài mảnh để trưng bày. Việc trưng bày có thể dùng mô hình 3D. Chúng ta cũng có thể làm phòng chiếu phim 3D về bãi cọc như ở bảo tàng về Hoàng thành Thăng Long dưới hầm Nhà Quốc hội. Chúng tôi nghĩ có thể làm vậy. Song viện chỉ là đơn vị tư vấn, Hải Phòng mới là đơn vị quyết định”.

Cũng theo bà Dung: “Nếu muốn làm bảo tàng ngoài trời thì phải làm lại, làm y hệt, chính xác về khoa học. Rõ ràng thế giới không thiếu kinh nghiệm, và cũng không thiếu thiết bị. Nhưng mình thiếu đủ thứ, thiếu chuyên gia, thiếu cả phòng lab”.

Trinh Nguyễn

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Gian nan bảo tồn ‘cọc Bạch Đằng’
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác